3 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm vì căn bệnh này, chuyên gia khuyến cáo
Phó Giám đốc BV Bạch Mai cảnh báo bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khiến người bệnh mắc COVID có tỷ lệ phải nhập viện với tình trạng bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Tại Hội thảo “Hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu” ngày 2/11, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ: Hiện nay trên thế giới có khoảng 384 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), gây ra 3 triệu ca tử vong mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới (con số này nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông và vẫn đang tiếp tục gia tăng).
(Ảnh minh họa).
Theo số liệu Điều tra Quốc gia về tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam (2011) có đến 4,2% dân số mắc COPD. Tỉ lệ này ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là hút thuốc lá, kế đến là ô nhiễm môi trường, chất đốt sinh khối (đun nấu bằng than, củi,…) và phơi nhiễm nghề nghiệp (nghề mộc, nghề sơn, dệt may, xây dựng,…), cùng với sự già hóa dân số.
Tuy COPD có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhưng nó là căn bệnh có thể dự phòng và điều trị được. Dấu hiệu đặc trưng của COPD là các triệu chứng hô hấp và tắc nghẽn đường thở. Bệnh có xu thế tiến triển nặng dần và liên quan tới phản ứng viêm bất thường của phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Các đợt COPD cấp và bệnh đồng mắc góp phần vào mức độ nặng ở mỗi bệnh nhân.
Năm 2021, chủ đề của Ngày Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu là: “Không gì quan trọng hơn Lá phổi khỏe” với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của lá phổi, đặc biệt trước đại dịch COVID-19.
PGS.TS. Phan Thu Phương có những chia sẻ về chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, PGS. Thu Phương cho biết: Trong một nghiên cứu mới đây của Mỹ trên 387.008 ca người bệnh có dương tính với Covid 19 thì có 7.549 bệnh nhân có bệnh nền là COPD (chiếm 2,07%). Và trong số đó 62% bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Trong khi nhóm bệnh nhân nhiễm COVID những không mắc COPD phải nhập viện điều trị chỉ có 28%. Và một con số đáng cảnh báo là tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân dương tính với COVID-19 có mắc COPD là 15% (nhóm không mắc COPD là 4%).
COPD khiến người bệnh có nhiều nguy cơ mắc COVID hơn và khi đã mắc COVID thì tỷ lệ tử vong cao.
Trước đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với những biến thể khôn lường, PGS. khuyến cáo nên tiêm vắc-xin ngừa cúm, ngừa COVID-19; ngừa viêm phế cầu, tuân thủ điều trị phác đồ thường quy để giúp kiểm soát bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như: Tránh sờ lên mặt, mắt, mũi, miệng khi tay không sạch; Trữ nhiều thức ăn, hạn chế đi chợ; Ở nhà càng nhiều càng tốt, tránh đám đông và hạn chế đi lại; Người thân phải giữ gìn cho người bệnh; Nhờ người khác giúp đỡ một phần công việc phải làm hàng ngày để tránh gắng sức; Trò chuyện online với bạn bè, gia đình duy trì sức khỏe tinh thần và cảm xúc; tập thở, tập vận động.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều trẻ ngỡ chỉ cảm cúm thông thường vì có các biểu hiện ho húng hắng, sổ mũi và sốt cao nhưng chỉ sau 4 ngày, bệnh...