3 thói quen ăn uống dễ dẫn đến ung thư thực quản, giới trẻ nên từ bỏ sớm!
Ngoài di truyền, tổn thương thực quản, nhiễm virus HPV hoặc ung thư nguyên phát không rõ nguyên do thì lối sống cũng dễ dẫn tới căn bệnh này.
Ung thư thực quản là một loại bệnh ung thư về đường tiêu hóa có tiên lượng bệnh xấu và tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Hiệp hội ung thư thế giới, trong năm 2020, có hơn 3.200 người dân Việt Nam được chẩn đoán Ung thư thực quản, và hơn 3.000 người bệnh tử vong vì căn bệnh này.
Một điều rất đáng buồn là chỉ có chưa đến 2% số người bệnh được chẩn đoán ung thư thực quản ở giai đoạn sớm, trong khi với các ung thư khác, tỷ lệ chẩn đoán sớm có thể lên tới 20%, thậm chí gần 50% (ung thư vú, ung thư cổ tử cung). Khi ở giai đoạn muộn, tiên lượng điều trị rất khó khăn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt xấp xỉ 5%.
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Hà Hải Nam (Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hoá 1, Bệnh viện K), triệu chứng ở giai đoạn đầu thường không đặc hiệu. Bệnh nhân có thể có cảm giác thức ăn dính, khó nuốt nhưng vẫn có thể nuốt nếu nhai kỹ. Một số bệnh nhân có cảm giác nóng rát, khó chịu sau xương ức.
Ở giai đoạn tiến triển tại chỗ, bệnh có biểu hiện cụ thể như:
- Bệnh nhân nghẹn thức ăn đặc tăng dần gây ra do khối u bít tắc lòng thực quản.
- Sút cân: Liên quan tới nuốt nghẹn, tới thay đổi chế độ ăn và sự phát triển của khối u.
- Trào ngược nước bọt hoặc thức ăn: Gặp ở một số bệnh nhân giai đoạn tiến triển.
- Bệnh nhân có thể gặp viêm phổi do trào ngược.
- Khàn tiếng nếu dây thần kinh thanh quản quặt ngược bị u xâm lấn.
- Thiếu máu, thiếu sắt do mất máu mạn tính từ khối u là dấu hiệu rất thường gặp.
- Ít khi có biểu hiện nôn ra máu, đi vệ sinh phân đen hay trào ngược ra dịch có máu. Xuất huyết tiêu hóa ồ ạt xảy ra khi u ăn mòn động mạch chủ, phổi hay động mạch phế quản.
- Rò khí quản là biến chứng muộn của bệnh, xảy ra khi ung thư xâm lấn trực tiếp từ lòng thực quản vào lòng khí quản (đường thở, nằm ngay phía trước thực quản trong lồng ngực). Bệnh nhân ho không kiểm soát được và thường xuyên viêm phổi.
Từ bỏ ngay 3 thói quen ăn uống dẫn đến bệnh ung thư thực quản
Ngoài di truyền, tổn thương thực quản, nhiễm virus HPV hoặc ung thư nguyên phát không rõ nguyên do thì lối sống cũng dễ dẫn tới căn bệnh này. Vì vậy, để tránh xa ung thư thực quản, nhất là giới trẻ cần từ bỏ ngay những thói quan xấu này:
Ảnh minh họa
Thích ăn đồ nóng
"Phải ăn nóng mới ngon miệng" là quan niệm của rất nhiều người dân châu Á, thậm chí ngay cả việc uống nước chúng ta cũng ưu tiên sử dụng nước nóng vì tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên theo WHO, nhiệt độ cao có thể làm tổn thương thực quản, khoang miệng và vòm họng, lâu ngày sẽ sinh ra ung thư ở các cơ quan này.
Theo QQ, để tránh làm tổn thương cơ thể và phòng ngừa ung thư thực quản thì trước khi ăn, chúng ta nên chờ thực phẩm nguội bớt trong khoảng 50-60 độ C. Khi ăn lẩu, bạn nên hình thành thói quen gắp đồ ăn ra bát rồi mới từ từ thưởng thức.
Uống rượu hằng ngày
Đồ uống có cồn, cụ thể là rượu bia được WHO nhấn mạnh rằng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và ung thư vú. Trước đây, nhiều người cho rằng uống rượu chỉ gây ung thư gan, xong thực tế chúng tác động đến nhiều cơ quan,
Quá trình tiêu thụ rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt - đây là chất có thể làm tổn thương ADN ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên. Để giảm thiểu tối đa tác hại của rượu bia đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo nam/nữ giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày.
Thường xuyên ăn đồ muối
Thực phẩm ướp muối như dưa cà, thịt muối không chỉ chứa hàm lượng muối cao mà còn cực kỳ dễ sản sinh nitrite trong quá trình lên men. WHO cảnh báo những thực phẩm ướp muối làm tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Đặc biệt, món ăn này làm tổn thương niêm mạc dạ dày, thực quản và tăng nguy cơ ung thư.
Nguồn: [Link nguồn]
“Những người có thói quen ăn mặn, đồ nướng, chiên, đồ ăn nhanh… có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người ăn nhạt, thanh đạm”.