3 quan niệm sai lầm về thải độc cơ thể
Bạn đang cố gắng áp dụng những cách thải độc như: uống nhiều nước, tắm hơi cho ra thật nhiều mồ hôi... Tuy nhiên, đây không phải là cách thải độc cho cơ thể hiệu quả nhất.
Mùa hè là thời điểm mà nhiều người quan tâm đến việc thải độc cho cơ thể nhất. Những yếu tố khách quan như môi trường, không khí, thực phẩm, các mối quan hệ... đều có liên hệ với nhau và nhiều khi có tác động không tốt đối với cơ thể.
Bạn cũng đã từng gặp tình trạng như vậy. Bạn cảm thấy cơ thể vô cùng uể oải, mệt mỏi, ì ạch và muốn làm một điều gì đó để được nhẹ nhõm hơn. Vậy là bạn chọn biện pháp thải độc cho cơ thể.
Bình thường, cơ thể có cơ chế thải độc tự nhiên. Nhưng đôi khi, các cơ quan thải độc trong cơ thể bị quá tải nên các chất thải độc vẫn tích tụ lại và khiến bạn khó chịu.
Để các cơ quan thải độc làm việc một cách hiệu quả nhất, bạn đã cố gắng áp dụng những cách thải độc mà mình biết, ví dụ như: uống nhiều nước, tắm hơi cho ra thật nhiều mồ hôi... Nhưng bạn có biết rằng, thải độc không đúng cách chính là làm hại cơ thể mình.
1. Chỉ cần chế độ ăn lỏng là có thể đẩy độc tố ra ngoài cơ thể
Sai. Không có chế độ ăn nào được coi là hoàn toàn có thể loại bỏ các chất độc hại trong các bộ phận cơ thể như gan, thận, đại tràng... nếu không có sự hỗ trợ của các yếu tố khác. Bởi nếu chỉ có ăn uống mà không có vận động thì các bộ phận cơ thể sẽ không thực hiện các chức năng của chúng một cách tốt nhất, do đó, những cơ quan có nhiệm vụ thải độc như gan, thận... sẽ không thể thải lọc chất thải độc được triệt để.
Một chế độ giải độc tốt nhất phải bao gồm chế độ ăn uống thích hợp, kết hợp tập thể dục thường xuyên, và không hút thuốc.
Chỉ cần chế độ ăn lỏng là có thể đẩy độc tố ra ngoài cơ thể. (Ảnh minh họa)
2. Uống nước là có thể thải độc cho cơ thể rồi
Sai. Mặc dù đúng là uống nước sẽ giúp gan và thận hoạt động tốt hơn, thúc đẩy các chất thải độc ra khỏi cơ thể qua đường tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước lại không phải là điều có lợi.
Uống nhiều nước không những dẫn đến tình trạng trữ nước trong cơ thể, gây khó chịu, mệt mỏi mà nó còn có thể gây rối loạn hoạt động của các bộ phận (gan, thận phải làm việc vất vả hơn), khiến cho việc thải lọc chất độc gặp khó khăn. Khi lượng nước vào cơ thể quá nhiều có thể ảnh hưởng đến chất lượng máu, máu sẽ giảm mức natri và gây sưng tế bào hay còn gọi là nhiễm độc nước.
Các triệu chứng của "nhiễm độc nước" bao gồm đau đầu, mệt mỏi, nôn, rối loạn tinh thần, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, bởi vì các tế bào não bị sưng.
3. Tắm hơi nhiều giúp thải độc ra ngoài cơ thể theo mồ hôi
Sai. Sự thật là một số lượng nhỏ các chất độc có thể rời khỏi cơ thể qua mồ hôi nhưng điều này không có nghĩa là làm sao để ra càng nhiều mồ hôi thì càng tốt.
Đổ mồ hôi rất nặng có thể làm giảm hệ thống giải độc tự nhiên của cơ thể, làm cho khả năng thải độc của cơ thể trở nên kém hiệu quả hơn. Bạn có thể tập thể dục để ra mồ hôi chứ không nhất thiết phải là tắm hơi thật lâu và thật nóng. Xông hơi quá lâu có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi liên tục. Điều này có thể gây mất nước, khó thở, buồn nôn, chóng mặt và thậm chí có thể nguy kịch tính mạng.
Trong phòng tắm hơi, nhịp tim của bạn sẽ tăng khoảng 30% hoặc hơn, khiến mức độ lưu thông máu cũng sẽ nhanh gấp đôi nhưng tập trung chủ yếu ở da, khiến các bộ phận khác của cơ thể ở tình trạng thiếu máu, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Tắm hơi có nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng nó không tốt với tất cả mọi người. Tắm hay xông hơi chống chỉ định cho người sốt cao, cơ thể thiếu chất, người mắc bệnh tim mạch, phụ nữ đang mang thai và hành kinh, cơ thể suy ngước hoặc mắc bệnh về da...