3 lưu ý quan trọng trước, trong và sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ
Các biểu hiện gợi ý trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 liên quan đến da và niêm mạc, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch.
“Sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ, có một số biểu hiện gợi ý cho thấy trẻ bị phản ứng mà nhân viên y tế và các bậc phụ huynh cần biết để có hướng xử trí” - BS Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, chia sẻ tại buổi tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ được Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào sáng 26-10.
Bốn phân độ nặng phản ứng sau tiêm
Các biểu hiện gợi ý trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 liên quan đến da và niêm mạc, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch.
“Các triệu chứng về da và niêm mạc: Nổi mề đay toàn thân, ngứa hoặc sưng đỏ; sưng môi, mặt, cổ họng hoặc mắt. Các triệu chứng về hô hấp: Nghẹt mũi, thay đổi giọng nói, cảm giác cổ họng nghẹt lại, khó chịu, khó thở, khò khè hoặc ho. Các triệu chứng về tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quặn thắt. Các triệu chứng về tim mạch: Chóng mặt, ngất, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp…” - BS Nam cho biết.
Phản ứng ở phân độ nặng chia thành độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4. Ở độ 1, trẻ chỉ có các triệu chứng ở da, niêm mạc như mề đay, ngứa, phù mạch. Rơi vào độ 2, trẻ có biểu hiện ở từ hai cơ quan trở lên. Cụ thể: Mề đay, phù mặt xuất hiện nhanh; khó thở nhanh, tức ngực, khàn tiếng, nghẹt mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp, huyết áp bình thường.
“Ở độ 3, trẻ có biểu hiện ở nhiều cơ quan, mức độ nặng. Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản. Thở: Nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở. Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ vòng. Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh, nhẹ, tụt huyết áp. Nếu rơi vào độ 4, trẻ ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn” - BS Nam lưu ý.
TP.HCM dự kiến tiêm khởi động vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi ở quận 1 và huyện Củ Chi vào ngày 27-10. Ảnh: HOÀNG GIANG
Một trẻ ngất xỉu sau tiêm, ba trẻ khác thấy vậy xỉu theo
BS Hồ Vĩnh Thắng, Phó Trưởng Khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thuộc Viện Pasteur TP.HCM, cho biết thêm không ít trẻ rơi vào trạng thái phản ứng tâm lý sau tiêm vắc-xin do lo sợ hoặc bị đau. “Trong trường hợp này, trẻ có thể ngất xỉu hoặc có những triệu chứng khác như nhức đầu, chóng mặt, cảm giác tê xung quanh miệng, bàn tay. Một số trẻ nôn, ngừng thở ngắn, la hét…” - BS Thắng nói.
BS Thắng cũng đưa ra trường hợp cụ thể để minh chứng phản ứng tâm lý sau tiêm của trẻ. “Năm 2006, trong ngày đầu triển khai tiêm vắc-xin thương hàn tại một tỉnh nọ, có một trẻ ngất xỉu ngay sau tiêm, da xanh tái. Ba trẻ khác thấy vậy cũng xỉu theo. Cả bốn trẻ sau đó cho nằm nghỉ khoảng 20 phút là hoàn toàn ổn định” - BS Thắng trình bày.
Trong đợt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ sắp tới, phản ứng tâm lý sau tiêm có thể sẽ xảy ra. Để phòng tránh, những trẻ ít sợ tiêm nên được tiêm đầu tiên; cần sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên, nhân viên… để giảm bớt sự lo lắng ở trẻ.
“Bên cạnh đó, cho trẻ uống nước đường hoặc trà đường, theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm. Khi một trẻ có biểu hiện đau đầu, buồn nôn… nhân viên y tế nhanh chóng cách ly, trấn an và theo dõi. Ngoài ra, cần tạo môi trường thân thiện khi tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ với các tranh ảnh, phim hoạt hình để thu hút sự chú ý. Điều này làm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng cho trẻ trong quá trình tiêm” - BS Thắng lưu ý.
Hỏi kỹ tiền sử bệnh của trẻ
Một điều quan trọng trong quy trình khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là hỏi tiền sử bệnh của trẻ. Những câu cần hỏi bao gồm: Có mắc COVID-19 trong sáu tháng qua? Có dấu hiệu mắc COVID-19? Đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào? Có đang mắc các bệnh nền nào không? Tiền sử rối loạn đông máu…
BS HỒ VĨNH THẮNG
Trẻ nào không được tiêm?
BS Hồ Vĩnh Thắng cho biết thêm trẻ trước khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 phải được khám sàng lọc để đảm bảo an toàn. “Có bốn nhóm sàng lọc, gồm đủ điều kiện tiêm chủng, cần thận trọng tiêm chủng, trì hoãn tiêm chủng và chống chỉ định tiêm chủng” - BS Thắng nói.
Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng là trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vắc-xin của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc-xin. Nhóm cần thận trọng tiêm chủng gồm trẻ có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính; trẻ mất tri giác, mất năng lực hành vi; trẻ có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên; trẻ phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
“Nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm trẻ có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng sáu tháng; đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ có thai dưới 13 tuần. Đối với nhóm chống chỉ định tiêm chủng, gồm trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin ngừa COVID-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất vắc-xin” - BS Thắng nói thêm.
Chỉ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ nếu cha mẹ đồng thuận
TP.HCM dự kiến tiêm khởi động vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi ở quận 1 và huyện Củ Chi vào ngày 27-10. Sau đó, nếu thực sự an toàn, TP.HCM sẽ triển khai tiêm cho trẻ ở TP Thủ Đức và các quận, huyện còn lại trong tháng 10.
Dự kiến tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 1 cho trẻ trong năm ngày. Sau đó tiêm vét trong hai ngày. Đến hạn của vắc-xin, TP.HCM tiếp tục tổ chức tiêm mũi 2 cũng trong vòng năm ngày. Dự kiến có khoảng 780.000 trẻ em 12-17 tuổi được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong đợt này.
TP.HCM chỉ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ nếu có thư đồng thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ.
BS NGUYỄN HỮU HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ và các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng...
Nguồn: [Link nguồn]