2 trẻ tử vong vì viêm não: Sáng sốt, chiều hôn mê

Cho đến thời điểm này tại Bệnh viện Nhi trung ương đã có hai trẻ tử vong do viêm não, trong đó có một trẻ bị tử vong do viêm não Nhật Bản B.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến này đã có 135 bệnh nhi bị viêm não do virus. Tuy số ca mắc bệnh không tăng so với cùng kỳ năm trước và cũng không liên tiếp nhập viện nhưng trong số này, tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B lại chiếm khoảng 1 /4 và có chiều hướng tăng. 

Trong 36 ca đang điều trị viêm não do virus tại khoa Truyền nhiễm, có tới 10 ca viêm não Nhật Bản B, hầu hết là ở Hà Nội. Hà Nội đã ghi nhận 13 quận huyện xuất hiện viêm não Nhật Bản B. Cho đến nay, tại Bệnh viện Nhi trung ương có hai trẻ tử ong liên quan đến viêm não trong đó có một trẻ bị viêm não Nhật Bản.

2 trẻ tử vong vì viêm não: Sáng sốt, chiều hôn mê - 1

Bệnh viêm não Nhật Bản đang có diễn biến tăng tốc vào mùa hè. Bệnh diễn biến nhanh, di chứng nặng nề.

Trong số các trẻ nhập viện do viêm não Nhật Bản chủ yếu là trẻ chưa được tiêm phòng.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đánh giá: “Đây đang là tháng cao điểm trong năm của bệnh viêm não, các diễn biến chưa có gì bất thường nhưng điều hơi lo ngại là số ca dương tính với viêm não Nhật Bản B lại tăng so với cùng kì năm ngoái. 

Có thể vì người dân sợ tai biến của tiêm chủng nên không tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản B. Điều này cần tìm hiểu và xem xét cụ thể. Hiện Bệnh viện Nhi trung ương cũng chưa đưa ra kết luận cụ thể về tình hình tiêm vắc xin của bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản B. Tuy nhiên, trong buồng cấp cứu của khoa Truyền nhiễm có 4 bệnh nhân viêm não thì có tới 3 ca chưa tiêm vắc xin và 1 ca không rõ tiền sử tiêm chủng.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, trao đổi với chúng tôi PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu hè tại đây có hơn 20 bệnh nhi mắc viêm não nhập viện. Số nhập viện tăng lên trong vòng 3 tuần gần đây, trong đó có nhiều ca viêm não Nhật Bản B. 

Các bệnh nhân sống chủ yếu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Hòa Bình, Quảng Ninh... 

Các bác sĩ cho biết, có nhiều trường hợp chỉ vì bố mẹ không phản ứng nhanh, chủ quan với bệnh của con khiến con không được điều trị kịp thời khiến bệnh nặng hơn dẫn tới biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong.

Như trường hợp bé Phạm Quang T. trú tại Kinh Môn, Hải Dương. Ban đầu bé chỉ bị sốt nhẹ nên bố mẹ tưởng con sốt thông thường, chỉ ở nhà uống hạ sốt và cặp nhiệt độ. Chỉ hơn ngày sau bé có biểu hiện lơ mơ, hay quên, co giật. Khi bố mẹ của bé đưa con đến bệnh viện cháu bé bị viêm não và thùy não trái đã bị tổn thương. 

Trường hợp của bé Nguyễn Văn Th. 8 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội. Bé Th. bị sốt cao. Bố mẹ cháu chủ quan khi bé bị co giật, mất tri giác bố mẹ đưa bé vào bệnh viện. Cháu bé dương tính với vi rút viêm não Nhật Bản. 

Chị Trương Thanh Hà mẹ của cháu Th. cho biết cháu chỉ bị sốt như nhiều lần trước nên chị cho con uống thuốc hạ sốt nhưng tiến triển bệnh của cháu quá nhanh khiến bố mẹ không trở tay kịp. 

Khi đưa bé lên bệnh viện Đức Giang, bác sĩ nghi ngờ bị viêm não nên giới thiệu sang khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Khi bác sĩ kiểm tra tiền sử tiêm chủng, mẹ cháu bé không nhớ đã tiêm cho con chưa. Chị Hà cho biết chỉ tiêm chủng khi có nhân viên y tế xã thông báo chứ không có tiêm chủng ngoài dịch vụ phải trả tiền.

Bệnh không có thuốc đặc trị

Thạc sĩ Hải cho biết bệnh viêm não Nhật Bản B đến nay không có thuốc đặc trị. Bác sĩ chủ yếu điều trị chống phù nào cho các cháu bé. Bệnh điều trị hiệu quả nhất trong 5 đến 7 ngày đầu, sau 7 ngày việc điều trị vô cùng khó khăn.

PGS, TS Trần Đắc Phu -  Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết bệnh viêm não Nhật Bản B là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.

Lợn và chim là những ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc (lợn, trâu bò). Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18 - 22 giờ.

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: Sốt cao từ 38-39 độ C, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).

Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cần tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

+ Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi;

+ Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;

+ Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Hiện nay, ngoài tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản miễn phí ở các trạm y tế phường, người dân có thể chọn tiêm dịch vụ vắc xin viêm não Nhật Bản của Việt Nam sản xuất có giá 80 nghìn đồng/mũi. Vắc xin viêm não Nhật Bản nhập khẩu có giá 140 nghìn đồng/mũi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN