2 người đàn ông tức ngực, tím tái nguy kịch sau khi uống rượu với nhau

Sự kiện: Ngộ độc rượu

Hai người cùng uống rượu với nhau, sau đó có biểu hiện tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, trong đó một người bị tím tái, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện, Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận hai bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu.

Một người 53 tuổi, một người 49 tuổi, ở Hải Dương. Trước đó, hai người cùng uống rượu với nhau, sau đó có biểu hiện tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, trong đó một người bị tím tái, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện loạn nhịp tim, sốc, tụt huyết áp nên được truyền thuốc chữa loạn nhịp, thuốc nâng huyết áp… Xét nghiệm nước tiểu phát hiện aconitin, một chất gây loạn nhịp có trong củ ấu tẩu. Rất may mắn cả hai được đưa đến viện kịp thời, đã được xuất viện.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát.

Trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thậm chí động vật người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nếu sử dụng không đúng cách hoặc đúng liều lượng có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào về việc uống rượu ngâm con gì, cây gì thì tốt cho sức khỏe. Vì thế, quý ông cần hết sức cảnh giác, tốt nhất không nên uống rượu, nếu uống bạn hãy chú ý liều lượng.

Ngộ độc rượu có pha Methanol là nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộ độc Ethanol. Sau một vài giờ uống rượu có Methanol, Methanol đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các acid gây độc cho tất cả các tế bào, đặc biệt các tế bào não, gan và thị giác. Người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ rội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…

Ngoài ra, lái xe khi đã uống rượu là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông, có những năm số lượng vụ tai nạn giao thông tăng đột biến, gây khó khăn cho việc cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Uống rượu cũng là yếu tố gây ra các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý mạch máu não, các loạn thần do rượu…

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Tết khó tránh rượu bia, biết những điều này để tránh ngộ độc rượu

Trong dịp Tết, nếu phải uống rượu, bia thì nên uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG ANH ([Tên nguồn])
Ngộ độc rượu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN