13 “hoang đường” về bệnh ung thư vú

Sự kiện: Ung thư

Đàn ông và phụ nữ trẻ không mắc ung thư vú, phụ nữ ngực nhỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn hay cắt bỏ vòng 1 thì sẽ không còn bị ung thư nữa...

Đàn ông và phụ nữ trẻ không mắc ung thư vú, phụ nữ ngực nhỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn hay cắt bỏ vòng 1 thì sẽ không còn bị ung thư nữa... đều là những suy nghĩ “hoang đường” về căn bệnh nguy hiểm mà chúng ta cần “điểm mặt” trong tháng tăng cường nhận thức về bệnh ung thư vú (tháng 10) này.

1. Chỉ phụ nữ mới mắc bệnh ung thư

Thực tế, cha, chồng và anh em trai của bạn cũng có thể phát triển các tế bào ung thư vú, tuy nhiên, điều này ít phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ. Mỗi năm có khoảng 2.000 đàn ông được chẩn đoán bị ung thư vú, so với khoảng 200.000 phụ nữ.

2. Phụ nữ trẻ không mắc ung thư vú

13 “hoang đường” về bệnh ung thư vú - 1

Chỉ phụ nữ mới mắc ung thư vú là quan niệm sai lầm. (Ảnh minh họa)

Ung thư vú xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ sau khi mãn kinh, nhưng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở bất kỳ độ tuổi nào. Trong thực tế, phụ nữ dưới 50 tuổi chiếm 25% các trường hợp ung thư vú và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Điều này một phần do phụ nữ trẻ thường có mô vú dày, ảnh hưởng tới việc phát hiện khối u trong quá trình chụp X.quang tuyến vú.

3. Bị ung thư vú - bạn sẽ chết ngay trong “một sớm một chiều”

Điều này đúng trong tất cả các bộ phim. Nhất là các bộ phim tâm lý – tình cảm của Hàn Quốc, bệnh ung thư được miêu tả như một bản án tử hình, bệnh nhân ung thư sẽ chết trong “một sớm một chiều”. Nhưng sự thật thì tỷ lệ sống 5 năm đầu cho bệnh ung thư vú giai đoạn đầu là hơn 90%. Đặc biệt, gần đây, các nhà nghiên cứu liên tục sáng chế ra nhiều loại thuốc giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư vú.

4. Ung thư vú xảy ra phần lớn do di truyền

Các nhà nghiên cứu ước tính chỉ có 5 - 10% bệnh nhân mắc ung thư vú là di truyền, do lỗi gen BRCA1 và BRCA2. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những trường hợp có bệnh sử gia đình vẫn có thể mắc bệnh mà không phải do đột biến gen riêng biệt. Nói cách khác, cả lối sống và di truyền đều là nguyên nhân gây bệnh.

5. Mang gen đột biến BRCA - bạn chắc chắn sẽ bị ung thư vú

Mang gen đột biến BRCA không có nghĩa là bạn chắc chắn bị ung thư vú, mặc dù nó là một tác nhân làm tăng đáng kể nguy cơ mắc căn bệnh này. Thậm chí, nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh thì vẫn còn rất nhiều phương pháp để giảm nguy cơ ung thư vú như: Ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, giảm uống rượu, bia...

6. Chỉ cần xem tiền sử bệnh của những người phụ nữ trong gia đình

Thực tế, nam giới cũng mắc ung thư vú, vì vậy, xem xét tiền sử bệnh của gia đình không thể chỉ về một phía là phụ nữ. Hơn nữa, gen đột biến BRCA còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh của cả ung thư vú và ung thư buồng trứng.

7. Bệnh nhân ung thư vú luôn xuất hiện khối u

Khoảng 10% người bị chẩn đoán ung thư vú không xuất hiện khối u, cũng không có cảm giác đau hay những dấu hiệu cho thấy ngực của họ có vấn đề.
Trong khi đó, có tới 80-85% số trường hợp phát hiện khối u là lành tính. Chúng thường là u nang hoặc u sợi tuyến vú không gây ung thư. Do đó, khi thấy xuất hiện những triệu chứng ngực hoặc núm vú thay đổi hình dạng bên ngoài, phần da gần vú hoặc ở khu vực dưới cánh tay u lên... trong thời gian dài thì bạn nên tới gặp bác sĩ.

8. Phụ nữ ngực nhỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn

Thực tế, kích thước ngực không đóng vai trò trong việc bạn có dễ bị ung thư hay không. Ung thư vú phát triển trong tế bào tại ống dẫn hoặc tiểu thùy - các bộ phận sản xuất sữa và chuyển sữa tới núm vú. Số lượng và tính chất của các bộ phận trên ở mọi phụ nữ là như nhau, bất kể kích thước ngực như thế nào. Yếu tố quyết định việc ngực to hay nhỏ là lượng chất béo và mô xơ, mà điều này lại tác động rất ít tới nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

13 “hoang đường” về bệnh ung thư vú - 2

Cho rằng, phụ nữ ngực nhỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn là sai lầm. (Ảnh minh họa)

9. Chụp X.quang thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh ung thư vú

Chụp X.quang tuyến vú đều đặn không thể ngăn chặn hay làm giảm nguy cơ ung thư vú. Đó chỉ là công cụ tốt nhất có sẵn để giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, làm giảm tỷ lệ tử vong khoảng 16%. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bệnh ung thư vú đã tồn tại 6 - 8 năm rồi mới được phát hiện khi bệnh nhân chụp X.quang tuyến vú. Do đó, điều quan trọng là tất cả phụ nữ phải tiến hành thăm khám ngực hàng năm và chú ý tới những thay đổi bất thường trên cơ thể.

10. Chụp X-quang nhiều gây ra bệnh ung thư vú

Thực tế, nguy cơ tổn hại từ bức xạ là rất nhỏ so với những lợi ích to lớn của việc phát hiện bệnh sớm. Hiệp hội Hóa học Mỹ ACS khuyến cáo rằng, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp X.quang tuyến vú hàng năm. Lượng bức xạ được Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ FDA quy định khá thấp. Thêm vào đó, hiện nay lượng bức xạ khi chụp X.quang tuyến vú đã giảm được khoảng 50 lần so với lượng bức xạ nếu chụp 20 năm trước. Do đó, theo FDA, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài do chụp X.quang gần như bằng không.

11. Nếu phải làm xét nghiệm bổ sung sau khi chụp X.quang tuyến vú nghĩa là bạn bị ung thư

Thực tế, chỉ có khoảng 5 - 10% kết quả chụp X.quang tuyến vú đòi hỏi phải kiểm tra sinh thiết để xét nghiệm thêm, và sau khi làm kiểm tra này, chỉ có 15% kết quả là ung thư.

12. Mắc ung thư vú – bạn phải phẫu thuật cắt bỏ vú

Tỷ lệ phẫu thuật cắt bỏ vòng 1 ở phụ nữ bị ung thư vú đang thực sự giảm trong những năm gần đây, chỉ khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư vú chọn hình thức phẫu thuật này. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn điều trị dựa vào giai đoạn ung thư, tiền sử bị bệnh của gia đình và nhiều yếu tố khác.

13. Phẫu thuật cắt bỏ vú Bạn sẽ không bao giờ mắc bệnh ung thư vú nữa

Trên thực tế, phẫu thuật cắt bỏ bầu ngực làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát ung thư vú, nhưng vẫn có nguy cơ nhỏ vì các tế bào ung thư còn lại có thể phát triển tiếp trên thành ngực. Và phẫu thuật cắt bỏ vòng 1 không thể triệt bỏ được nguy cơ các loại ung thư ở những nơi khác trên cơ thể của bạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Nga (Pháp luật xã hội)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN