11 bài thuốc từ cây tía tô chữa bệnh thường gặp
Tía tô được xếp vào loại thuốc chữa cảm lạnh phong hàn. Ngoài ra tía tô còn có thêm rất nhiều tác dụng chữa bệnh khác: Giảm ho, giải độc, trị mẩn ngứa...
1. Tác dụng của cây tía tô
Theo nghiên cứu y học hiện đại, nước sắc của cành và lá tía tô có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn ruột kết, trực khuẩn lị, tụ cầu khuẩn; một số nấm gây bệnh ngoài da; tăng cường nhu động dạ dày, ruột; làm giảm sự phân tiết dịch nhầy trong phế quản, hoãn giải sự co thắt phế quản, do đó có tác dụng giảm ho, trừ đờm và cắt cơn hen suyễn; có tác dụng giải nhiệt, trấn tĩnh và làm tăng đường huyết; chống đông máu, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, giảm độ đặc và độ dính của máu...
Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ấm, lợi vào kinh tỳ, phế. Tác dụng phát tán phong hàn, hóa đờm, giải uất, giải độc, an thai, chữa hen suyễn, tê thấp, trị ho, thúc đẩy tiêu hóa, giảm đau…
Có thể sử dụng toàn cây làm thuốc, dưới dạng dùng tươi, thuốc sắc, tinh dầu hoặc dạng bột mịn.
Không dùng lá tía tô trong trường hợp cảm phong nhiệt
2. Bài thuốc thường dùng từ cây tía tô
2.1 Bài thuốc chữa cảm lạnh: Tô diệp (lá tía tô khô) 8g, trần bì 6g, hương phụ 8g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát, sắc uống.
2.2 Bài thuốc tiêu đờm giảm ho: Tô diệp 15g, gừng khô 3g sắc uống mỗi ngày. Nước sắc đem chia thành 2 lần uống.
2.3 Bài thuốc chữa hen suyễn, ho nhiều đờm: Hạt tía tô, hạt cải thìa , hạt củ cải, liều lượng bằng nhau, tán bột, trộn đều. Ngày uống 9g, chia 3 lần
2.4 Bài thuốc chữa đau bụng do ngộ độc thực phẩm: Lá tía tô tươi, giã nát, lọc lấy nước uống. Hoặc dùng tô diệp (lá tía tô khô) 10g sắc uống.
2.5 Bài thuốc chữa trúng độc"tô tử giải độc thang": Tô diệp 10g, cam thảo 4g, gừng tươi 8g sắc với 600ml nước, còn 200ml. Chia thành 3 phần, uống khi thuốc còn nóng.
2.6 Bài thuốc chữa dị ứng mẩn ngứa: Lá tía tô tươi, giã nát, xát vào chỗ bị bệnh hoặc dùng nước sắc từ cây tía tô đem rửa bên ngoài.
Hương phụ kết hợp với tía tô trong bài thuốc chữa cảm lạnh
2.7 Bài thuốc chữa thai động bất an: Tô ngạch (cành tía tô) 9g, Tô diệp (lá tía tô) 9g bạch truật 9g, trần bì 6g, phục linh 6g Sắc lấy nước, chia 2-3 lần, uống trong ngày.
2.8 Bài thuốc chữa chướng bụng, kiện vị, cầm nôn: Lá tía tô giã lấy nước đem hòa với một ít muối và uống trong 1 lần. Nếu nôn mửa do thai nghén, nên dùng nước sắc từ cành tía tô để uống.
2.9 Bài thuốc chữa sưng vú: Lá tía tô 30g đem sắc nước uống, dùng bã đắp lên vú.
2.10 Bài thuốc làm đẹp da: Vò nát lá tía tô hòa vào nước tắm
2.11 Bài thuốc chữa tiêu chảy, miệng nôn trôn tháo: Lấy lá tô tử cho vào nồi đun, sau đó bỏ bã và nấu đặc thành cao. Đậu đỏ rang vàng, tán bột mịn rồi trộn với thuốc cao tía tô hoàn viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần dùng 50 viên, chia 2 lần.
Lưu ý: Nước tía tô tươi nên đun từ 10- 15 phút. Không nên đun sôi quá 15 phút. Vì các tinh dầu trong đó sẽ bị bay hơi, giảm hiệu quả điều trị. Nước lá tía tô tươi nên sử dụng ngay hoặc bảo quản ngăn mát tủ lạnh uống trong ngày để đảm bảo chất lượng và hương vị. Người bị cảm phong nhiệt không nên dùng nước lá tía tô. Không dùng nước tía tô trong thời gian dài có thể gây đầy bụng, khó tiêu. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trứng gà là thức ăn bổ dưỡng và cũng là một vị thuốc quý chữa tăng huyết áp, giảm mỡ máu, chống xơ vữa động mạch và viêm loét đường tiêu hóa…