11 bài thuốc trị bệnh từ cây ổi
Ổi là một loại thực phẩm bổ dưỡng, có rất nhiều công dụng quý đối với sức khỏe. Không những thế các bộ phận của cây ổi còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.
1. Đặc điểm của cây ổi
Cây ổi còn gọi là ủi, phan thạch lựu, guajava. Tên khoa học Psidium guyjava L. (P. pomiferum L. Psidium Pyriferum L.). Thuộc họ Sim Myriaceae.
Ổi là một cây nhỡ, cao chừng 3-5m, cành nhỏ thì vuông cạnh. Lá mọc đối có cuống ngắn, hình bầu dục, nhẵn hoặc hơi có lông ở mặt trên, mặt dưới có lông mịn, phiến nguyên, khi soi lên có thấy túi tinh dầu trong.
Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả là một quả mọng có vỏ quả giữa dày, hình dáng thay đổi tùy theo loài, ở đầu quả có sẹo của đài tồn tại. Rất nhiều hạt, hình thận, không đều, màu hơi hung.
Cây ổi nguồn gốc miền nhiệt đới châu Mỹ, sau được phổ biến và trồng ở khắp miền nhiệt đới châu Á, châu Phi.
Đặc biệt ở nước ta, cây ổi mọc hoang tại nhiều vùng núi miền Bắc, nhưng phần nhiều người ta trồng để lấy quả ăn.
Ngoài ra, ổi còn cung cấp các bộ phận sau đây dùng làm thuốc: Búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân, nhưng hay dùng nhất là búp non và lá non. Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Các bộ phận của cây ổi cho ta nhiều vị thuốc quý chữa bệnh.
Trong quả ổi có chứa pectin và vitamin C. Lượng vitamin thay đổi tùy theo bộ phận của quả và tùy theo loài, thường tập trung nhiều nhất ở vỏ ngoài sau đến phía ngoài của vỏ quả giữa.
Trong lá và búp non chứa 7-10% một loại tannin pyrogalic, acid psiditanic, chừng 3% nhựa và rất ít tinh dầu (0,36%).
Có tác giả thấy trong thân và lá một chất tritecpenic.
Trong hạt có 14% chất dầu đặc sánh, mùi thơm, 15% chất protein và 13% tinh bột.
2. Bài thuốc trị bệnh từ ổi
Theo Đông y, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng.
Các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa đại tiện lỏng, lỵ mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính, sang thương xuất huyết, đái tháo đường...
2.1. Ổi chữa đau bụng đi ngoài
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, quả ổi còn xanh thì chát có tính gây táo bón và có thể dùng chữa đi ngoài lỏng. Khi chín, quả ổi có tác dụng nhuận. Người ta ăn ổi chín hoặc chế thành mứt đóng hộp.
Lá non và búp ổi non là một vị thuốc chữa đau bụng đi ngoài, kinh nghiệm lâu đời trong nhân dân. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Ngày dùng 15-20g búp non hay lá non, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác như chè, gừng…
Vỏ rễ và vỏ thân cũng được dùng để chữa đi ngoài và rửa vết thương, vết loét. Uống trong người ta dùng với liều 15g sắc với 200ml nước, nấu cạn còn chừng 100ml.
Quả ổi - thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc chữa bệnh.
2.2. Chữa tiêu chảy cấp
Theo Lương y Đình Thuấn, búp ổi hoặc vỏ rộp ổi (vỏ thân cây ổi) 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g. Sắc đặc uống.
Hoặc búp ổi 12g, vỏ rộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g, sắc với 200ml nước, cô còn 100ml. Trẻ 2-5 tuổi mỗi lần uống 5-10ml, cách 2 giờ uống một lần. Người lớn mỗi lần uống 20-30ml, ngày 2-3 lần.
2.3. Tiêu chảy do hàn
Búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ. Hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày.
Hoặc búp ổi 15g, trần bì 15g và hoắc hương 18g. Sắc uống.
2.4. Tiêu chảy do nhiệt
Vỏ rộp ổi 20g sao vàng, lá chè tươi 15g sao vàng, nụ sim 10g, trần bì 10g, củ sắn dây 10g sao vàng. Tất cả tán bột, người lớn mỗi lần uống 10g, trẻ em uống bằng nửa liều người lớn.
Hoặc vỏ rộp ổi sao vàng 20g, vỏ duối sao vàng 20g, vỏ quýt sao vàng 20g, bông mã đề sao vàng 20g. Sắc đặc uống nóng.
2.5. Tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu
Lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g. Tất cả sắc cùng 3 bát nước, cô còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày.
2.6. Viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính
Lá ổi non sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 6g, ngày 2 lần.
Hoặc lá ổi 1 nắm, gừng tươi 6-9g, muối ăn một ít. Tất cả vò nát, sao chín rồi sắc uống.
Hoặc quả ổi, xích địa lợi (thồm lồm) và quỷ châm thảo, mỗi thứ từ 9-15g. Sắc uống.
Búp ổi chữa tiêu chảy.
2.7. Chữa lỵ mạn tính
Quả ổi khô 2-3 quả, thái phiến, sắc uống.
Hoặc lá ổi tươi 30-60g sắc uống.
2.8. Chữa lỵ trực khuẩn cấp và mạn tính
Lá ổi 30g, phượng vĩ thảo 30g, cam thảo 3g. Tất cả sắc với 1.000ml nước còn 500ml, ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml.
2.9. Đái tháo đường
Quả ổi 250g, rửa sạch, thái miếng, ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày.
Hoặc lá ổi khô 15-30g, sắc uống hàng ngày.
2.10. Ðau răng
Vỏ rễ cây ổi sắc với dấm chua, ngậm nhiều lần trong ngày.
2.11. Mụn nhọt mới lên
Lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương.
Kiêng kỵ: Người bị táo bón hoặc tả, lỵ có trướng bụng không tiêu không nên dùng.
Đậu đen còn được gọi là hắc đại đậu, ô đậu, đông đậu tử... là một loại ngũ cốc rất thông dụng trong đời sống. Về mùa hè, đậu đen được dùng rất rộng rãi nấu...
Nguồn: [Link nguồn]