1.000 đơn vị máu “lên đường” trong đêm góp sức cùng miền Nam chống dịch COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Đêm 29/7, rạng sáng 30/7, 1.000 đơn vị khối hồng cầu đã kịp thời được chuyển qua đường hàng không từ Hà Nội tới TP. HCM để chi viện cho kho máu của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy đã đưa được máu về kho an toàn

Chuyến bay khởi hành lúc 1h sáng tại Hà Nội và đến hơn 4h sáng nay (30/7) Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy đã đưa được máu về kho an toàn.

Thời gian qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương luôn trao đổi, cập nhật tình hình tiếp nhận và cung cấp của các địa phương trên cả nước. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng khan hiếm máu lần lượt xảy ra ở các địa phương nhưng đây là lần đầu tiên, tình hình hết sức khó khăn và căng thẳng bởi dịch bệnh lan rộng và khó kiểm soát hơn.

1.000 đơn vị máu mới tiếp nhận với hạn sử dụng dài (đến đầu tháng 9/2021) được cung cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy.

1.000 đơn vị máu mới tiếp nhận với hạn sử dụng dài (đến đầu tháng 9/2021) được cung cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy.

Hai lần liên tiếp trong tháng 7, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh) đã phải phát đi lời kêu gọi hiến máu. Đến ngày 28/7, Trung tâm chỉ còn 1.700 đơn vị máu. Nếu không được bổ sung, lượng máu này chỉ cung cấp được chưa đầy một tuần.

TS.BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, cho biết hiện mỗi ngày, trung tâm cung cấp từ 100-200 đơn vị máu cho các bệnh viện, cơ sở điều trị tại TP. HCM và nhiều tỉnh. “Chúng tôi lo lắng sẽ thiếu hụt nguồn máu nếu tình hình không được cải thiện”, bác sĩ nói.

Thấu hiểu những khó khăn này, dù lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu TW cũng đang rất hạn chế nhưng ngay sau trao đổi ngắn với Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, Viện đã ngay lập tức lên kế hoạch, phương án để vận chuyển 1.000 đơn vị máu tới Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ: “Vài ngày qua, sau kêu gọi thì lượng người hiến máu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc – nơi dịch kiểm soát tốt đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi nghĩ cần phải làm gì đó khi chúng ta vẫn có thể tiếp nhận máu, vẫn phối hợp được để góp sức cùng miền Nam kiên cường chống dịch. Nếu không giúp đỡ thì chỉ trong vài ngày nữa, không còn đơn vị máu nào để phục vụ nhu cầu điều trị, đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 nặng”.

TS. Bạch Quốc Khánh cũng rất mong muốn các địa phương khu vực phía Bắc hiện nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm mới, hãy tổ chức hiến máu để giúp có máu, không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị các tỉnh phía Bắc, mà còn giúp cho TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Khi dịch bệnh, thiên tai xảy đến bất ngờ hoặc diễn biến trong thời gian, việc đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời luôn là thách thức với các cơ sở truyền máu, không chỉ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Khi miền Bắc khó khăn thì hàng ngàn đơn vị máu của đồng bào Tây Nguyên tại Lâm Đồng, Đắk Lắk đã vượt cả nghìn cây số ra đến Hà Nội, chi viện cho các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Khi miền Nam cần tiếp viện thì những đơn vị máu ấm nóng từ Hành trình Đỏ của Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội… lập tức được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khó khăn chồng chất ở các ngân hàng máu trên cả nước

Dịch bệnh phức tạp khiến lịch hiến máu liên tục phải hoãn, hủy. Nhiều địa phương không thể tổ chức hiến máu trong thời gian dài như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ…

Lượng máu giảm nghiêm trọng trong khi nhu cầu sử dụng máu tại các bệnh viện vẫn rất lớn, gồm cả chế phẩm máu cho điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có ngày chỉ đáp ứng được 50% – 70% nhu cầu máu cần cho cấp cứu và điều trị.

TS.BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy cho biết: “Lượng máu dự trữ giảm mạnh, nhiều thời điểm gần chạm đáy. Chúng tôi không thể tiếp nhận máu lưu động, chỉ còn cách kêu gọi người dân trực tiếp đến trung tâm hiến. Tuy nhiên, thành phố siết chặt Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra đường cũng làm cho công tác tiếp nhận máu từ cộng đồng thêm nhiều thử thách”.

Tình trạng khan hiếm máu tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (TP. Hồ Chí Minh) cũng tương tự khi có ngày chỉ đón tiếp 30 – 50 người đến hiến máu. Trong khi đó, mỗi ngày, Bệnh viện cần phải cung cấp 300 đơn vị. Lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 1/10 lượng máu máu cần để cung cấp cho gần 150 bệnh viện trong thành phố.

Trong khi nguồn máu rất hạn chế, hai bệnh viện này luôn ưu tiên cung cấp nguồn máu cho các bệnh viện dã chiến và nhiều bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền như suy thận, ung thư…

Còn tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ – nơi chịu trách nhiệm cung cấp máu cho hơn 50 bệnh viện khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có ngày chỉ tiếp nhận được 50 – 150 đơn vị máu, thậm chí vài đơn vị.

BSCKII. Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ cho biết: “Trước đây, dự trữ của kho máu đều trên 4.000 đơn vị máu. Nhưng hiện tại, bệnh viện chỉ còn khoảng 1.000 đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân”.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Hiến máu giữa ‘tâm dịch’ COVID-19

Sáng 29-7, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã cùng tham gia hiến máu nhằm bổ sung nguồn dự trữ máu đang bị thiếu hụt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viện Huyết học Truyền máu TW ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN