10 suy nghĩ sai lầm về tiêm phòng cho trẻ
Mặc dù chiến dịch tiêm phòng hiện nay đã phát triển mạnh, Chương trình Tiêm chủng mở rộng về tới tận các thôn bản xa xôi nhưng không ít phụ huynh, ngay giữa thành phố lớn vẫn có những quan niệm sai lầm về tiêm chủng.
1. Không cần tiêm phòng sởi đơn lúc 9 tháng
Chúng ta có vaccine 3 trong 1 bao gồm sởi - quai bị - rubella, được tiêm khi trẻ 1 tuổi. Cùng với đó có khá nhiều phụ huynh bỏ qua mũi tiêm phòng sởi lúc bé 9 tháng tuổi và đợi khi bé đủ 1 tuổi tiêm vaccine 3 trong 1 cho tiện. Đây là một hiểu biết sai rất thường gặp.
Bạn không nên bỏ qua mũi này, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị có bệnh sởi, vì sởi là bệnh rất nguy hiểm. Sau đó khi bé 1 tuổi bạn vẫn cho con tiêm mũi 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella) bình thường.
Cần cho bé đi tiêm đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả nhất.
2. Chỉ tiêm được cùng 1 loại vaccine
Đó là hiểu biết rất sai về mũi vaccine 5 trong 1. Nhiều phụ huynh khuyên nhau đã tiêm vaccine 5 trong 1 dịch vụ - pentaxime hoặc 6 trong 1- infanrix thì không nên tiêm 5 trong 1- quinvaxem nữa và ngược lại.
Điều này không đúng, nếu trong tình trạng khan hiếm vaccine, bạn có thể tiêm luân phiên các vaccine trên mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh miễn dịch.
3. Không cần tiêm phòng bệnh thủy đậu
Nhiều phụ huynh không muốn cho bé tiêm vaccine thủy đậu, vì nghĩ rằng đó là bệnh trong đời ai cũng sẽ bị và nhiều bé tiêm rồi vẫn bị.
Điều này không đúng. Không phải ai cũng sẽ bị thủy đậu kể cả tiêm chủng hay không tiêm chủng. Những người được tiêm chủng thì khả năng bảo vệ lên đến 90% và nếu có bị thì cũng nhẹ hơn người không tiêm rất nhiều.
4. Ở thành phố thì không cần tiêm vaccine viêm não Nhật Bản
"Sống ở thành phố không nuôi lợn, vì vậy không cần tiêm vaccine viêm não Nhật Bản" - Đó là quan điểm của khá nhiều phụ huynh về vaccine viêm não Nhật Bản.
Tuy nhiên, quan điểm này là hoàn toàn sai. Bởi bạn không thể đảm bảo là con bạn không đi đến vùng có nuôi lợn và chim... trong suốt cuộc đời (du lịch, cắm trại, về quê…). Vì vậy vẫn nên tiêm phòng cho bé. Viêm não Nhật Bản là bệnh khá nặng, nếu không may bị mắc rất dễ để lại di chứng nặng nề.
5. Uống vaccine rotavirus thì bé sẽ không bị tiêu chảy
Tiêu chảy do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó rotavirus hay gây tiêu chảy nặng. Uống vaccine ngừa rotavirus vẫn có thể bị tiêu chảy do rotavirus nhưng mức độ nhẹ hơn, giảm nguy cơ mất nước và phải nhập viện.
6. Không nên tiêm nhiều mũi vaccine cùng lúc
Nhiều phụ huynh cho rằng khi tiêm loại vaccine phối hợp hoặc tiêm vài mũi vaccine cùng lúc sẽ làm bé mệt, dễ phản ứng hơn.
Tuy nhiên, ở các nước có nền kinh tế cũng như y tế phát triển, tiến bộ, người ta khuyên nên tiêm nhiều vaccine cùng buổi đi tiêm nhằm:
- Giúp trẻ hoàn thành sớm chương trình tiêm chủng, tránh tình trạng thiếu do khan hiếm vaccine, do sức khỏe của trẻ không đảm bảo.
- Giảm chi phí đi lại, nghỉ học, ngày công lao động của bố mẹ, tiền khám sàng lọc.
- Giúp trẻ ít phải tới bệnh viện/phòng khám, giảm sự sợ hãi và ác cảm của trẻ, tránh lây nhiễm chéo các bệnh từ trẻ khác trong môi trường đông đúc.
- Xác suất xảy ra phản ứng phụ không cao hơn so với tiêm từng mũi một.
Phụ huynh cần nhớ lịch tiêm mũi nhắc lại để trẻ được tiêm đủ vaccine phòng bệnh.
7. Trẻ đang ho, sổ mũi hay phân lỏng thì không thể tiêm ngừa
Đây là hiểu biết của đa số phụ huynh khi đưa bé đi tiêm chủng. Họ sợ rằng khi con mình hơi mệt, nếu tiêm vào sẽ làm bệnh nặng hơn.
Nhưng đây cũng là một hiểu biết không đúng. Bởi trừ khi trẻ bệnh nặng hoặc đã xác định mắc một loại bệnh mà không nên tiêm phòng tại thời điểm đó, mới không tiêm ngừa để tránh nhầm lẫn các dấu hiệu bệnh trở nặng với phản ứng phụ của vaccine sau tiêm.
Còn các bệnh nhẹ như cảm, tiêu chảy… vẫn tiêm phòng bình thường.
Việc trì hoãn cho con tiêm phòng khi chỉ có các dấu hiệu ốm nhẹ chính là lý do nhiều trẻ em Việt Nam bị thiếu nhiều mũi vaccine rất cần thiết.
8. Tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella có thể gây bệnh tự kỷ
Đây là một điều hoàn toàn không đúng, đã bị bác bỏ từ lâu, người đưa ra nghiên cứu này đã phải rút bài và xin lỗi. Tạp chí The Lancet đăng bài này của tác giả cũng đã phải rút bài.
9. Nếu bị lỡ 1 liều vaccine thì phải tiêm lại từ đầu
Không đúng. Nếu bạn bị lỡ 1 liều vaccine vì lý do gì đó, bạn vẫn được tiêm tiếp bình thường.
Ví dụ, mũi 2 của viêm não Nhật Bản được hẹn sau 1-2 tuần, nhưng vì lý do gì đó 1-2 tháng sau bạn mới quay lại được thì mũi 2 vẫn được tiêm và 1 năm sau vẫn nhắc mũi 3 như bình thường.
10. Cúm chỉ là bệnh vặt không cần tiêm chủng
Cúm không hề là bệnh vặt. Ở Mỹ, khi được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng cúm, tỉ lệ tử vong do cúm ở trẻ dưới 18 tuổi là 0.05-0.38/100.000. Con số này sẽ cao hơn ở các nước nghèo và đang phát triển.
Ngoài ra cúm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm: Viêm phổi, viêm tai. Người già yếu, trẻ dưới 2 tuổi, trẻ có bệnh nền… là những đối tượng nguy cơ cao, do đó cần tiêm vaccine phòng cúm.
Đã khỏi COVID-19, một số người có thể đạt "miễn dịch tự nhiên", vậy có cần tiêm vaccine? Nghiên cứu cho thấy, tiêm chủng cung cấp một lớp bảo vệ bổ sung hiệu quả...
Nguồn: [Link nguồn]