10 nơi bẩn nhất trong nhà có thể gây hại sức khỏe
Mỹ - Ngăn đựng nước và đá trong tủ lạnh, vòi nước, công tắc đèn, tay nắm cửa... là những nơi tích tụ vi khuẩn, cần vệ sinh định kỳ.
GS. Rachel Noble, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, ĐH Bắc Carolina, cho biết khi lau dọn nhà cửa, mọi người hay chú ý những nơi như nhà vệ sinh, tay nắm cửa, bồn rửa... Tuy nhiên, có rất nhiều khu vực ít ai nghĩ tới để dọn dẹp, tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh. Điều này có thể gây ra các loại bệnh truyền nhiễm, đặc biệt có hại cho những người bị suy giảm miễn dịch.
Theo bác sĩ Neha Vyas, Phòng khám Cleveland, nhà bếp và phòng tắm là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Trong đó, nhà bếp thường là nơi trú ngụ vi khuẩn Salmonella hoặc E. coli, gây ngộ độc thực phẩm, các bệnh nhiễm trùng. Ở phòng tắm, tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) dễ sinh sôi phát triển, là thủ phạm gây viêm phổi và nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Những tác nhân này có thể lây lan qua tiếp xúc bề mặt và một số vi khuẩn có thể tồn tại trên bề mặt tường nhà trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
"Nấm mốc cũng xuất hiện ở những nơi ẩm ướt", bác sĩ Vyas nói, thêm rằng điều này có thể gây ra những phản ứng có tác dụng phụ nghiêm trọng, dẫn đến các bệnh về hô hấp, dị ứng.
Các chuyên gia nêu ra 10 nơi nên chú ý khi dọn dẹp nhà vào mùa này:
Các bề mặt phía trên bếp
Đun sôi nước hoặc hấp thức ăn có thể dẫn đến việc tích tụ hơi ẩm các bề mặt phía trên bếp. Đây có thể là nơi sinh sản của nấm mốc, gây dị ứng hoặc lên cơn hen suyễn cũng như những vấn đề sức khỏe khác.
Ngăn đựng nước và đá trong tủ lạnh
Độ ẩm thường tích tụ khiến nơi đây trở thành môi trường hấp dẫn cho nấm mốc phát triển.
Thùng rác trong nhà bếp và phòng tắm
Thùng rác gia đình chứa nhiều vi trùng. Mỗi thùng rác cần được làm sạch kỹ lưỡng từ trong ra ngoài.
Bất kỳ loại vải nào trong phòng khách
Những bề mặt này có thể tích tụ vi trùng theo thời gian, đơn cử rèm, thảm hoặc bề mặt sofa, ghế ngồi...
Bên trong tủ lạnh
Các kệ của tủ lạnh là nơi chứa nhiều loại thực phẩm có thể mang vi khuẩn, chẳng hạn thịt gia cầm, rau củ... Do đó, mọi người nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.
Các bề mặt thường xuyên chạm vào
Công tắc đèn, tay nắm cửa, thiết bị tay cầm, vòi xả bồn cầu và bất kỳ bề mặt nào tay thường xuyên chạm vào đều cần được làm sạch kỹ lưỡng.
Ngưỡng cửa, bậc của tất cả lối vào
Các ô cửa trong phòng sinh hoạt chung, phòng tắm hoặc những không gian khác mà mọi người bước vào sẽ chứa rất nhiều vi trùng từ bên ngoài ngôi nhà.
Vòi rửa trong nhà bếp và phòng tắm
Độ ẩm thường tích tụ ở khu vực bếp và phòng tắm, là môi trường hấp dẫn của nấm mốc.
Cống thoát nước
Dù ở bồn rửa nhà bếp hay phòng tắm, cống thoát nước trong nhà đều là nơi tiếp xúc với nhiều vi khuẩn.
Bộ lọc không khí
Chúng có thể thu thập bụi và phấn hoa, đặc biệt là vào mùa xuân.
Minh họa một người dọn dẹp. Ảnh: loveproperty
Giáo sư Noble khuyến cáo không cần dự trữ, đầu tư tiền vào khăn lau cồn đắt tiền hoặc dung dịch tẩy trắng cường độ cao. Bốn sản phẩm chủ lực nên có khi dọn dẹp nhà là nước oxy già, rượu/ bia, giấm, chất tẩy trắng (javen).
Nên đeo găng tay khi làm việc với hóa chất mạnh để tránh thấm vào da và gây kích ứng. Không trộn thuốc tẩy với các dung dịch tẩy rửa khác, đặc biệt nếu chúng chứa amoniac vì có thể tạo ra khí độc. Nếu bạn lau bề mặt bằng giấm (hoặc một sản phẩm tẩy rửa tương tự) và muốn lau lại bằng thuốc tẩy, điều quan trọng là phải lau sạch bằng nước trước khi tiến hành bước tiếp theo.
Không nên bật quạt quay gần các bề mặt đang lau chùi để tránh nguy cơ vi trùng lây lan sang các khu vực khác trong nhà, Nếu có trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch hoặc người lớn tuổi sống trong nhà, nên dọn dẹp khi mọi người không ở nhà, bởi vi khuẩn và nấm mốc có thể gây hại nếu họ hít hay ăn phải.
Nguồn: [Link nguồn]
Dưới đây là một số vật dụng nhà bếp thường bị bỏ qua nhưng nên được vệ sinh hàng ngày vì lý do vệ sinh và an toàn thực phẩm.