10 nguyên tắc ăn uống giúp người bệnh đái tháo đường yên tâm ăn Tết

Tết cổ truyền Việt Nam có rất nhiều món ăn ngon nhưng lại chứa nhiều đường, tinh bột và chất béo. Những hướng dẫn dưới đây của chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường có thể được xem là 'nguyên tắc vàng' trong ăn uống, giúp người bệnh đái tháo đường ăn Tết ngon mà vẫn duy trì được chỉ số đường huyết ổn định.

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn nhất đến đường huyết, các món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam như: bánh chưng, xôi gấc, bánh kẹo, mứt Tết, ô mai, canh móng giò nấu măng, thịt nấu đông, giò thủ, nem rán... thực sự không thân thiện với người bệnh đái tháo đường. Ăn không đúng cách khiến cho nhiều người bệnh đái tháo đường phải nhập viện vì đường máu tăng cao sau mỗi dịp Tết.

Tuy nhiên, nếu biết cách lựa chọn đồ ăn, ăn với lượng hợp lý và khéo léo phối hợp các nhóm thực phẩm khác nhau thì người bệnh đái tháo đường vẫn được thưởng thức hầu hết những món ăn vô cùng hấp dẫn mà không phải kiêng khem khổ sở.

Người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng.

Người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng.

1. Ăn tinh bột đúng cách

Xôi, bánh chưng và miến là những thực phẩm tiêu biểu chứa nhiều tinh bột có chỉ số đường huyết cao nên sẽ khiến đường huyết tăng nhanh và nhiều sau khi ăn.

Người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng hoặc non nửa bát xôi (lượng tinh bột tương đương với 01 bát cơm tẻ).

Với miến dong thì lượng ăn hợp lý là 01 bát con miến đã nấu chín. Nếu đã ăn bánh chưng thì bỏ cơm, xôi, miến hoặc các loại thức ăn chứa bột đường khác.

Điều quan trọng là nhất thiết phải ăn những thức ăn trên cùng với nhiều rau xanh, nhóm đạm (thịt, trứng cá, các loại đậu đỗ) bởi những thực phẩm này có tác dụng "kìm" đường, làm cho tinh bột trong bữa ăn hấp thu chậm hơn, do vậy mà lượng đường trong máu sẽ không bị tăng cao.

2. Cần biết cách quy đổi thực phẩm

Nhóm thực phẩm chứa tinh bột là nhóm chủ đạo làm tăng đường huyết sau mỗi bữa ăn. Nắm được cách quy đổi thực phẩm có chứa tinh bột là bí quyết vàng giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết.

Người bệnh đái tháo đường rất cần biết cách quy đổi lượng ăn hợp lý để tránh việc ăn quá nhiều tinh bột trong cùng 1 bữa ăn làm cho đường huyết tăng cao.

Một số sai lầm người bệnh hay mắc phải, đó là coi khoai tây, khoai sọ, bí đỏ như là rau và ăn rất nhiều cùng với cơm. Thực tế, các loại khoai củ (khoai tây, khoai sọ, khoai lang) đều thuộc nhóm tinh bột. Nên nếu ăn cơm cùng với canh khoai, người bệnh cần lưu ý khi ăn 01 lạng khoai (01 củ trung bình) cần bớt đi 1/3 bát cơm và lưu ý cần bổ sung thêm rau xanh để ổn định đường.

3. Chuẩn bị nhiều rau củ

Các món ăn ngày Tết thường chứa nhiều chất bột đường và chất béo. Hàm lượng chất xơ cao trong các loại rau xanh giúp cản trở việc hấp thu chất bột đường và chất béo rất tốt. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường nên chủ động mua nhiều rau củ để trong những ngày Tết luôn có rau xanh trong mỗi bữa ăn.

Rau củ có thể chế biến đa dạng như hấp, luộc, xào, nấu. Ngoài ra, nên chuẩn bị sẵn rau sống, xà lách, dưa leo, cà chua để khi cần là có ngay đĩa salad tiện lợi.

4. Ăn vừa phải chất béo

Các món nem rán, giò tai, thịt kho, canh móng giò ninh măng... là những món ăn hấp dẫn, tuy nhiên chứa nhiều cholesterol và nhiều năng lượng. Vì vậy người bệnh đái tháo đường có rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì cần ăn lượng vừa phải, khi chế biến nên chọn nguyên liệu thịt ít mỡ.

5. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế các thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn, các loại thịt muối, giò chả, xúc xích, lạp xưởng...

Các loại dưa muối (củ kiệu, dưa hành, dưa chua, kim chi...) là những thực phẩm kích thích vị giác, giúp tiêu hóa, dễ ăn nhưng lại chứa nhiều đường, muối. Người bình thường ăn nhiều cũng không tốt cho sức khỏe. Do vậy người bệnh đái tháo đường cũng nên hạn chế, đặc biệt là những người có bệnh suy thận kèm theo.

6. Ăn trực tiếp trái cây tươi tốt cho người đái tháo đường

Với nhóm trái cây, nên ưu tiên chọn những loại quả ít ngọt, nhiều chất xơ như: bưởi, ổi, táo, dâu tây, thanh long, đào, cam, đu đủ...

Nên ăn trực tiếp trái cây tươi sẽ tốt hơn xay nhuyễn và đặc biệt không nên ép lấy nước. Lượng trái cây ăn trong mỗi lần tương đương với: nửa quả cam, táo, ổi, 2 múi bưởi to, 1 quả chuối trung bình, 1/4 quả thanh long trung bình...

Nên ăn trực tiếp trái cây tươi.

Nên ăn trực tiếp trái cây tươi.

7. Chọn đồ ăn vặt lành mạnh

Đối với những món ăn vặt, người bệnh nên lựa chọn các loại hạt không muối như: hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt mắc ca... thay thế cho các loại mứt, bánh kẹo, trái cây sấy khô, ô mai...

Những loại hạt này không những không làm tăng đường huyết mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi, chất chống oxy hóa và đặc biệt giàu chất béo lành mạnh rất có lợi cho tim mạch, giúp phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

8. Lưu ý ngưỡng rượu bia an toàn

Rượu, bia có thể làm tăng hoặc giảm đường huyết có thể gây nên những hậu quả không lường trước được. Người bệnh đái tháo đường nếu uống bia, rượu thì chỉ nên uống với số lượng theo khuyến cáo.

Cụ thể: với nữ không quá một lon bia hoặc 148ml rượu vang hoặc 44ml rượu 40 độ; Nam không quá 2 lon bia hoặc 296ml rượu vang, 88ml rượu 40 độ trong 1 ngày. Lưu ý không nên uống rượu bia khi bụng đói.

9. Tránh sử dụng nước ngọt đóng chai

Các loại nước giải khát, nước ngọt đóng chai sẽ làm đường trong máu tăng nhanh sau khi uống nên người đái tháo nên tránh sử dụng.

Trung bình 100ml nước ngọt có chứa 10g carbohydrate, nếu người bệnh muốn uống thêm nửa lon nước ngọt trong bữa ăn thì hãy chủ động bớt đi một nửa bát cơm để đảm bảo đường huyết không bị tăng cao.

Cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để điều chỉnh ăn uống phù hợp.

Cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để điều chỉnh ăn uống phù hợp.

10. Kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn

Vào những ngày Tết người bệnh đái tháo đường nên đo đường huyết mao mạch tại nhà thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện những thời điểm đường huyết tăng cao hoặc khi bị hạ đường huyết. Từ đó sẽ phát hiện ra những sai lầm trong ăn uống để điều chỉnh kịp thời.

Thời điểm đo đường huyết mao mạch phù hợp là trước và sau các bữa ăn từ 1 - 2h tính từ thời điểm bắt đầu bữa ăn. Mục tiêu đường huyết nên đạt được là glucose máu lúc đói ở mức <7mmol/l, sau ăn 1-2h <10mmol/l.

Trường hợp nếu người bệnh đang dùng Insulin, đường huyết thử trước ăn cao hoặc muốn ăn thêm lượng tinh bột, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc chủ động tiêm tăng liều Insulin trước bữa ăn khoảng 2-4 đơn vị.

Người mắc bệnh tiểu đường cần biết về mức độ rượu được cho phép nạp vào cơ thể từ rượu vang, rượu mạnh đến cocktail.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN