10 nguyên nhân khiến “chưa đông đã lạnh”
Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 37oC, có dao động một chút tùy thuộc vào điều kiện xung quanh. Chỉ khi nào nhiệt độ môi trường xuống thấp hơn nhiệt độ cơ thể hơn 10oC thì người ta thường mới có cảm giác lạnh.
Nhưng nếu ai đó thường xuyên cảm thấy lạnh, khi mọi người xung quanh chưa mặc áo dài tay thì mình đã phải mặc áo khoác, áo len thì nên tìm hiểu nguyên nhân.
Sau đây là 10 nguyên nhân thường gặp làm bạn cảm thấy dễ bị lạnh hơn người khác:
Cơ thể thiếu vitamin B12: Vitamin B12 không những có nhiệm vụ chuyển đổi thức ăn thành năng lượng cho cơ thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch của chúng ta hoạt động bằng cách duy trì sự tái tạo tế bào cũng như hoạt động hệ thống tiêu hóa và thần kinh. Thiếu vitamin B, nhất là B12 có thể khiến cơ thể thường xuyên có cảm giác lạnh lẽo. Thiếu máu ác tính thường là kết quả của sự thiếu hụt vitamin B kéo dài, điều này có thể làm giảm sản sinh hồng cầu trong cơ thể, dẫn tới cảm giác lạnh. Tình trạng này có thể là do sự hấp thu kém hoặc bệnh tự miễn dịch, thiếu cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hoặc tiền sử phẫu thuật dạ dày.
Giải pháp: Khuyến cáo mức tiêu thụ B12 cho những ai bị chứng bệnh này. Tăng cường vào thực đơn hàng ngày các sản phẩm từ sữa, trứng cùng với các thực phẩm giàu B12 khác như thịt và ngũ cốc.
Cơ thể thiếu sắt: Thiếu sắt cũng có thể gây ra triệu chứng cảm giác lúc nào cũng thấy lạnh. Do thiếu hụt sắt trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tổng hợp hemoglobin và gây thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, thiếu sắt cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của tế bào do thiếu hụt các men có chứa sắt. Hemoglobin là một phần chính của tế bào hồng cầu tạo màu đỏ của máu và cũng có trách nhiệm vận chuyển ôxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Các triệu chứng thiếu sắt gồm có yếu người, cảm thấy lạnh, da nhợt nhạt, lưỡi bị viêm, đề kháng thấp và mệt mỏi.
Người gầy nên tập các môn tập sức mạnh và tăng cơ bắp để tránh mắc chứng dễ bị lạnh.
Biện pháp khắc phục: Trong trường hợp thiếu chất sắt, nên bổ sung các loại rau có màu xanh đậm trong chế độ ăn. Một số loại trái cây và một số ngũ cốc cũng là nguồn cung cấp chất sắt. Thịt bò nạc, gan gà, hàu và trai cũng nên được bổ sung vào chế độ ăn uống.
Rối loạn chức năng tuyến giáp: Rối loạn tuyến giáp cũng có thể là lý do gây ra cảm giác lạnh suốt ngày. Tuyến giáp có trách nhiệm tạo ra năng lượng bằng cách sử dụng ôxy và calo, từ đó tạo ra năng lượng nhiệt.Tuy nhiên, ở một số cá nhân, tuyến giáp có thể không hoạt động tốt. Tình trạng này thường phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới và có thể xảy ra ở tuổi dậy thì, sau khi mang thai hoặc mãn kinh. Triệu chứng bao gồm cảm giác kim châm ở chân tay, tóc thưa mỏng đi, tăng cân liên tục mặc dù không thèm ăn, táo bón, chậm chạp và kinh nguyệt kéo dài.
Điều trị: Đánh giá nồng độ TSH nếu tuyến giáp không hoạt động tốt. Liệu pháp thay thế hormon thường là giải pháp điều trị được lựa chọn.
Có thể là hội chứng Raynaud: Trong bệnh Raynaud, có cảm giác lạnh giá ở ngón tay, tai, ngón chân và mũi cùng cảm giác rát và đỏ. Hội chứng Raynaud là kết quả của sự gián đoạn cung cấp máu trong một số bộ phận cơ thể do sự co thắt của cơ trơn thành động mạch.
Hầu hết mọi người gặp phải hội chứng Raynaud trong thời tiết lạnh giá, xảy ra trong khi hút thuốc hoặc sau khi chạm tay vào cái gì đó ướp lạnh. Hội chứng này có thể gây ra đau đớn, loét hoặc hoại tử, hoặc nhẹ hơn là cảm giác không thoải mái. Hội chứng Raynaud thường cho thấy có một bệnh tự miễn dịch tiềm ẩn như chứng xơ cứng bì chẳng hạn. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ, nên trao đổi sớm với bác sĩ.
Người cao tuổi: Người cao tuổi thường có tình trạng lão hóa sinh lý và suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cơ thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ hoặc sự thay đổi khí hậu. Sức khỏe kém cũng có thể dẫn đến khó duy trì giữ ấm cho cơ thể. Các nguyên nhân khác như chứng suy giáp cũng gặp nhiều hơn ở người già. Phụ nữ đang trong giai đoạn mãn kinh có thể cảm thấy cơ thể lạnh do dao động thay đổi của nồng độ estrogen.
Người gầy: Gầy - cơ thể ít mỡ có thể làm ảnh hưởng đến việc giữ nhiệt cho cơ thể và do đó có thể cảm thấy lạnh nhiều hơn so với những người có chỉ số BMI cao hơn. Trong trường hợp thiếu cân, nên chú trọng tới chế độ dinh dưỡng, ăn uống cân bằng. Hãy thử cải thiện khối lượng cơ, vì có nhiều cơ có nghĩa là sự tạo nhiệt nhiều hơn trong cơ thể. Do đó, trong kế hoạch tập luyện, nên cố gắng tập luyện các môn tập sức mạnh.
Hệ thống miễn dịch yếu: Cảm giác lạnh suốt ngày có thể trên toàn bộ cơ thể hoặc chỉ xuất hiện ở tay chân. Cảm giác lạnh ở bàn tay và bàn chân có thể là do hệ miễn dịch suy yếu, có thể là do sự tồn tại tình trạng viêm và nhiễm trùng nào đó gây tổn hại cho cơ thể.
Mắc bệnh đái tháo đường: Nồng độ đường huyết trong máu cao kéo dài có thể làm tổn hại thận và có thể có cảm giác lạnh suốt ngày. Một số triệu chứng khác bao gồm: buồn nôn, ngứa, chán ăn, khó thở, sưng phù, lú lẫn.
Mắc chứng biếng ăn: Đó là một rối loạn ăn uống mà có thể làm cho người bệnh rất gầy ốm và một trong những triệu chứng của nó là cảm thấy thường xuyên lạnh. Để nhận biết có phải người bệnh mắc chứng biếng ăn hay không, cần lưu ý các dấu hiệu sau: giảm trên 15% trọng lượng cơ thể, bản thân nhận được nhiều quan tâm của người khác về trọng lượng cơ thể, không có kinh nguyệt trong hơn 3 tháng.
Do tác dụng phụ từ các loại thuốc bạn đang dùng: Đối với chứng đau thắt ngực, bệnh tăng huyết áp và đau nửa đầu, các thuốc chẹn beta có thể có tác dụng không mong muốn là cảm thấy lạnh suốt ngày ngay trong thời tiết bình thường. Thuốc chẹn beta làm giảm lưu thông máu ở các chi dẫn tới lạnh các chi, người bệnh cũng có thể bị chuột rút, buồn ngủ, mất ngủ và yếu đuối. Người bệnh không nên ngừng thuốc ngay mà nên trao đổi với bác sĩ để thay thế thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng.
Củ đậu không chỉ dễ tìm, rẻ mà còn có vô vàn công dụng với sức khỏe mà không phải ai cũng biết.