10 câu hỏi nhanh đáp gọn về tiêm vaccine COVID-19

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Ngoài những thông tin hướng dẫn chuẩn bị trước và sau tiêm vaccine COVID-19 trên những kênh thông tin chính thống, vẫn còn một số vấn đề cộng đồng quan tâm mong có được thông tin đầy đủ.

10 câu hỏi nhanh đáp gọn về tiêm vaccine COVID-19 - 1

Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) trân trọng giới thiệu TS. BS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế giải đáp cho bạn đọc về vấn đề cấp thiết và thời sự này.

Dù đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, nhưng bạn có phải tiêm nhắc lại trong tương lai không?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Có là khả năng rất cao, lý do đầu tiên là hiệu quả miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giảm theo thời gian, thường chỉ bảo vệ an toàn cho bạn trong 12 tháng trở lại. Ngoài ra, có nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện do quá trình tiến hóa và đột biến không còn tương thích với các loại vaccine cũ. Ví dụ: vaccine phòng cúm phải thay đổi liên tục mới theo kịp ra đời các chủng mới của virus gây cúm mùa.

Theo thực tiễn diễn biến dịch COVID-19 hiện nay, khả năng rất cao phải tiến hành tiêm nhắc lại định kỳ, đi kèm phát triển nhanh và chủ động có các loại vaccine mới, có vậy mới theo kịp với sự xuất hiện các biến thể mới và tái tạo miễn dịch bền vững lâu dài cho bạn.

Bạn đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng sau đó có triệu chứng nghi COVID-19, bạn có cần khai báo y tế và làm xét nghiệm PCR?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Cần, vì bạn vẫn có thể mắc COVID-19 dù tỷ lệ thấp hơn, nếu bạn có triệu chứng nghi COVID-19 (sốt, ho đau họng, mất khứu giác, khó thở…) cần khai báo y tế và làm xét nghiệm PCR chẩn đoán xác định sớm.

Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều, bạn có cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa không (giữ khoảng cách, khẩu trang, rửa khử khuẩn tay… 5K)?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Có, vì bạn vẫn có thể mắc COVID-19 dù tỷ lệ thấp hơn, và vẫn có thể làm lây truyền virus cho người khác, nếu không may bạn bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bạn muốn thấy được tính hiệu quả sau tiêm vaccine, vậy có cần thiết làm test nhanh kháng thể sau tiêm vaccine ngừa COVID-19?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Không cần thiết, do việc làm test nhanh kháng thể sau tiêm phòng COVID-19 không đem lại thông tin phục vụ hiệu quả cho phòng ngừa COVID-19. Nếu test nhanh kháng thể dương tính, chưa chắc bạn đã được bảo vệ an toàn đối với COVID-19, do test nhanh kháng thể dương tính chỉ nói lên bạn đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 do mắc phải trước đó hay cơ thể sinh ra kháng thể sau tiêm phòng vaccine.

Ngoài ra, test nhanh kháng thể chỉ định tính, không định lượng được lượng kháng thể, vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận khả năng miễn dịch của bạn đã đạt yêu cầu hay chưa. Nếu test nhanh kháng thể âm tính, cũng không nói là cơ thể chưa được bảo vệ, do ngoài kháng thể tạo ra mà bạn mong đợi sau tiêm vaccine, cơ thể còn được bảo vệ bằng nhiều tế bào miễn dịch khác đối với virus SARS-CoV-2.

Hiện tại, không khuyến cáo làm test nhanh kháng thể cho những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, làm xét nghiệm PCR có cho kết quả dương tính không?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Không, vaccine ngừa COVID-19 không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm PCR dùng để chẩn đoán xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Bản chất của xét nghiệm PCR là tìm kháng nguyên (mRNA) của virus SARS-CoV-2. Mặc dù, những vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna, có chứa mRNA nhưng chỉ rất nhỏ, vì vậy xét nghiệm PCR sẽ không phát hiện được.

Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều, bạn có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho người khác không?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Có thể, mặc dù đủ liều vaccine ngừa COVID-19, bạn vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng có thể không có triệu chứng, vô tình bạn trở thành "người lành mang virus" và vẫn có thể phát tán, lây truyền virus cho người khác.

Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều, bạn vẫn có thể mắc bệnh COVID-19 không?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Có thể, nhưng bệnh nhẹ hơn và ít chuyển nặng, giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong.

Chưa tiêm mũi 2 của vaccine ngừa COVID-19, chỉ mới tiêm được mũi 1, vậy có giá trị phòng COVID-19 không?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Có, sau 14 ngày của tiêm mũi 1 cho thấy đã có khả năng phòng mắc COVID-19, nhưng giá trị phòng mắc COVID-19 cao hơn sau tiêm mũi 2.

Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, chính vaccine có làm cho bạn mắc bệnh COVID-19?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Không, do tất cả vaccine được phê duyệt không sử dụng virus sống gây bệnh COVID-19, vì vậy không thể gây bệnh COVID-19 cho người được tiêm chủng.

Có cần thiết làm test nhanh kháng thể trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19?

TS.BS. Lê Thanh Hải: Không cần thiết, do việc làm test nhanh kháng thể trước tiêm phòng COVID-19 không đem lại thông tin phục vụ hiệu quả cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Vì nếu test nhanh kháng thể dương tính, chưa chắc bạn đã được bảo vệ an toàn đối với COVID-19, do test nhanh kháng thể dương tính chỉ nói lên bạn đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 do mắc phải trước đó.

Nhưng vấn đề mấu chốt ở chỗ, test nhanh kháng thể chỉ định tính, không định lượng được lượng kháng thể, vì vậy vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận khả năng miễn dịch của bạn đã đạt yêu cầu hay chưa. Nếu cơ thể bạn đã có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, việc tiêm vaccine tiếp theo xem như là một mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại, vì chắc gì bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn với kháng thể có trước đó, không có chuyện thừa thiếu kháng thể đặt ra ở đây. 

Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy COVID-19 an toàn kể cả với người đã nhiễm virus SARS-CoV-2, các nghiên cứu cũng cho thấy, nếu tiêm vaccine ở người đã từng nhiễm bệnh COVID-19 sẽ kích hoạt tốt lượng tế bào lympho B và kháng thể trung hòa tăng gấp nhiều lần. Tốt nhất, bạn vẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 khi đến lượt, không cần thiết phải làm test nhanh kháng thể trước tiêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước đầu tiên nào trên thế giới tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ 2 tuổi?

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ vị thành niên luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế. Nhiều quốc gia như Mỹ,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS.BS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế Chia sẻ facebook ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN