10 bí quyết giúp chống khô môi ngày lạnh

Đôi môi giúp bạn ăn, nói và cho bạn nụ hôn, nhưng bạn đã biết chăm sóc nó đúng cách khi khô môi trong mùa lạnh chưa? Lớp da trên môi này rất mỏng và nhạy cảm so với da ở các vùng khác trên cơ thể, môi cũng không có tuyến mồ hôi hay lỗ chân lông, nên luôn cần sự chăm sóc đặc biệt.

Tránh các tác nhân thời tiết

Một trong những bước đơn giản nhất để bảo vệ môi là tránh để cho môi tiếp xúc với các tác nhân gây hại từ môi trường - nắng nóng, gió, giá rét... Không khí khô có thể làm môi bạn bị mất nước. Ánh nắng mặt trời thậm chí còn nguy hiểm hơn do môi không thể sản sinh ra melanin để tự bảo vệ trước các loại tia sáng của mặt trời.

Nếu không thể ở nhà trong những thời tiết như vậy, tốt nhất khi ra đường, bạn nên đeo khẩu trang vào mùa nắng, quấn khăn choàng che miệng vào mùa lạnh hoặc có thể đội nón rộng vành.

10 bí quyết giúp chống khô môi ngày lạnh - 1

Chọn son dưỡng

Có thể nói “công cuộc” bảo vệ môi của bạn sẽ không hoàn thiện nếu thiếu son dưỡng. Chỉ nên bôi một lớp mỏng son dưỡng lên môi, đừng bôi quá nhiều vì bạn dễ liếm sạch phần thừa, không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn nên chọn chọn son dưỡng có SPF từ 15 để chống các tia gây hại từ mặt trời.

Son dưỡng cũng có thể làm khô môi

Trong thực tế, một vài thành phần nhất định trong một số loại son dưỡng thực sự có thể phá hoại tất cả những nỗ lực dưỡng môi của bạn. Một số son dưỡng môi chứa các thành phần như phenol hoặc dầu bạc hà giúp tẩy tế bào chết, các vảy da nứt nẻ trên môi nhưng chúng lại gây khô.

Hãy chọn các son dưỡng có thành phần giữ ẩm như sáp ong, bơ hạt mỡ, bơ ca cao, hoặc loại dầu như dầu hạnh nhân hoặc jojoba và tốt hơn nữa là có thành phần chống nắng.

Nói không với việc liếm môi

Trái với suy nghĩ của nhiều người, liếm môi hầu như không giúp môi bớt khô hơn bao nhiêu mà nó còn làm cho thành tế bào trên môi yếu đi, làm môi thậm chí còn khô hơn. Nước bọt dù trong suốt như nước nhưng không phải nước. Nó là một loại enzyme hỗ trợ tiêu hóa, nên việc liếm môi cũng không khác việc bạn đang cố tự… tiêu hóa môi mình. Bên cạnh đó, cắn môi cũng không hề tốt cho đôi môi của bạn.

Hãy tránh xa các thành phần gây kích ứng

Kem đánh răng và các loại súc miệng có thể chứa một lượng lớn sodium lauryl sulfate (một loại hóa chất tạo bọt có trong kem đánh răng, sữa rửa mặt hay dầu gọi đầu) và guaiazulene (một loại chất tạo màu) gây kích ứng và viêm da đối với một số người. Trong các loại son (kể cả son dưỡng) cũng có các thành phần gây dị ứng như phenyl salicylate hay propyl gallate. Các thành phần từ thiên nhiên cũng có thể gây dị ứng đối với làn môi nhạy cảm. Hương liệu của son cũng có thể gây kích ứng đáng kể. Vì vậy, trước khi mua một sản phẩm cho môi, hãy lưu ý đến thành phần của nó.

Đừng thở bằng miệng

Môi bạn tất nhiên sẽ bị khô nếu luôn có một luồng hơi thổi qua chúng! Ngoài ra, việc thở bằng miệng còn gây ra chứng ngưng thở khi ngủ và hôi miệng.

Tẩy tế bào chết cho môi

Nhiều người thường tẩy da chết trên mặt hay trên cơ thể mà quên mất đi đôi môi. Việc tẩy da chết cho môi giúp loại bỏ những vảy da khô, để lộ ra lớp da mới mịn hơn, mềm hơn ở phía dưới.

Bạn có thể thử một số cách tẩy môi sau đây: Nhẹ nhàng chà đôi môi với một chiếc khăn ẩm mềm mại hoặc bàn chải đánh răng, hoặc sử dụng các loại mỹ phẩm tẩy da chết cho môi chuyên dụng. Bạn cũng có thể sử dụng son dưỡng có thành phần phenol, axit salicylic, hay AHA (alpha hydroxy axit).

Giữ ẩm cho môi

Uống ít nhất tám ly nước một ngày - để giữ cho bạn độ ẩm cân bằng. Ghi nhớ: Nếu bạn cảm thấy khát thì bạn đã bị mất nước. Máy điều hòa hay lò sưởi có thể gây mất nước, bạn nên mua một chiếc máy giữ ẩm để trong nhà.

Tăng cường các loại vitamin

Uống đủ nước sẽ đảm bảo đôi môi của bạn có được độ ẩm từ trong ra ngoài nhưng đôi khi, nứt nẻ môi, khô hoặc nứt lại là kết quả của sự thiếu hụt vitamin. Tất cả các vitamin nhóm B đóng góp rất nhiều vào sức khỏe của da và môi, đặc biệt Vitamin B3 (có trong các loại rau có màu xanh đậm như rau bina, củ cải, đậu xanh) và Vitamin B2 (sữa, hạnh nhân) giúp da của bạn có thể duy trì độ ẩm. Bạn có thể uống các viên vitamin nếu không có điều kiện ăn các loại thực phẩm trên mỗi ngày.

Và khi tất cả các cách trên đều thất bại…

Nếu tất cả các cách trên đều thất bại, tốt nhất bạn nên đến đến bác sĩ da liễu để tìm ra nguyên nhân.

Bác sĩ sẽ xem xét các khả năng có thể gây ra chứng khô môi của bạn, kiểm tra các loại bệnh dị ứng, thậm chí chẩn đoán các nguyên nhân sâu xa như tiền ung thư, các bệnh về tuyến giáp, rối loạn hệ miễn dịch... gây ra chứng khô môi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Diễm (Người lao động/ health Me Up)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN