Thể thao Việt Nam hướng đến SEA Games 32: Bước chuyển mình đặc biệt

Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu "vừa sức", giành từ 89 đến 120 huy chương vàng và lọt vào tốp 3 bảng tổng sắp toàn đại hội. Đây là bước chuyển mình phù hợp với thể thao Việt Nam trong lúc chúng ta còn nhiều mục tiêu quan trọng hơn trong năm 2023 và 2024.

Thiếu vắng nhiều ngôi sao Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, Nguyễn Tiến Minh sẽ không tham dự SEA Games. Trong danh sách 702 vận động viên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố vào ngày 20/4, cựu tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam không có tên.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh sẽ không tham gia SEA Games 32.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh sẽ không tham gia SEA Games 32.

Đây là diễn biến khá bất ngờ với người hâm mộ thể thao Việt Nam, nhưng không quá sốc. Lý do vì Nguyễn Tiến Minh đã tròn 40 tuổi và bắt đầu rút dần khỏi các giải cầu lông lớn trong năm qua. Tay vợt này có nhiều dự định cho cá nhân và việc nước chủ nhà Campuchia hạn chế một số nội dung cầu lông là lý do hoàn hảo để anh rút lui. Sự vắng mặt của Nguyễn Tiến Minh có thể được xem là "biểu tượng" cho bước chuyển mình đặc biệt của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Từ quốc gia đứng đầu bảng tổng sắp 1 năm trước với 205 huy chương vàng, Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành từ 89 đến 120 huy chương vàng tại Campuchia, qua đó đảm bảo nằm trong nhóm dẫn đầu.

Bỏ qua việc lựa chọn môn thể thao và phân bổ huy chương của nước chủ nhà - điều vốn rất quen thuộc ở SEA Games, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu cao hơn với sự phát triển của các môn thể thao thành tích cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự khiêm tốn của chúng ta có ý nghĩa lớn lao hơn. Đó giống như một cách "bật đèn xanh" để các đội tuyển trẻ hóa lực lượng, không đặt nặng thành tích. Ví dụ như cầu lông, Nguyễn Tiến Minh vắng mặt sẽ giảm bớt áp lực cho các tay vợt trẻ như Lê Đức Phát hay Nguyễn Hải Đăng. Tương tự như vậy, tuyển điền kinh Việt Nam cũng có sự trẻ hóa và thay máu lực lượng khá đáng kể. 4 ngôi sao từng giành 6 HCV tại SEA Games 31 sẽ không tham dự đại hội tại Campuchia...

Trong số 79 vận động viên lên tuyển điền kinh Việt Nam tập huấn vào tháng 2 vừa qua, gần 30 người đã bị loại. "Nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh được bổ sung vào phút chót sau khi đảm bảo thể trạng tốt nhất, cho dù vẫn chưa rõ cô sẽ thi đấu ở các nội dung nào. Ở môn cử tạ, nhà vô địch hạng 64kg Phạm Thị Hồng Thanh quyết định không đến SEA Games 32 để sẽ tập trung để thi đấu cho giải vô địch châu Á 2023 diễn ra vào tháng 5.

Ở môn pencak silat, những nhà cựu vô địch ASIAD 2018 Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam vắng mặt vì lý do sức khỏe. Sau khi giành HCV SEA Games 31, Trần Đình Nam từng bày tỏ mong muốn phẫu thuật để chữa trị dứt điểm chấn thương. Các ngôi sao võ thuật quen thuộc như Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo đều vắng mặt. Các võ sĩ nữ như Trịnh Thị Diễm Kiều, hay 2 nhà đương kim vô địch Vương Thị Vỹ, Trần Thị Linh cũng không góp mặt. Trong số này, Đình Hoàng và Kiều Diễm đã quyết định chia tay Boxing đỉnh cao.

Trước đó, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng chính thức từ giã đường bơi xanh để tập trung cho các dự án cá nhân.

Không có Ánh Viên, số lượng huy chương môn bơi của đoàn Việt Nam có nguy cơ giảm mạnh. Nhưng SEA Games 32 là thời điểm phù hợp để bước ngoặt này xảy ra. Với việc hai kỳ SEA Games diễn ra liên tiếp trong vòng 12 tháng, đại hội tại Campuchia không chỉ giảm bớt sự quan trọng với đoàn Việt Nam mà với nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Thái Lan, Singapore và Malaysia. Hầu hết đều xem đây là dịp hoàn hảo để cải tổ, thử nghiệm và đưa ra các thay đổi quan trọng ở các môn thể thao chủ lực.

Những niềm hy vọng mới Trong danh sách 702 vận động viên Việt Nam dự SEA Games 32, Nguyễn Thuý Hiền là người nhỏ tuổi nhất. Kình ngư mới 14 tuổi này được đánh giá là có khả năng cạnh tranh tại các cự li ngắn của nội dung bơi tự do. Năm ngoái, Thúy Hiền đã gây bất ngờ khi phá kỷ lục 50m tự do mà Nguyễn Thị Ánh Viên nắm giữ.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào tháng 12/2022, Nguyễn Thúy Hiền tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng khi phá 2 kỷ lục nội dung 50m tự do nữ và mang về tấm huy chương vàng cho đoàn Quân đội. Cô là một trong 8 kình ngư Việt Nam được đi tập huấn 2 tháng tại Hungary và hứa hẹn là ngôi sao mới trên làn đua xanh của Việt Nam cũng như của Đông Nam Á. Cũng ở môn bơi, kình ngư 15 tuổi Lê Quỳnh Như và em trai Ánh Viên, Nguyễn Quang Thuấn là các niềm hy vọng khác của đoàn thể thao Việt Nam. Cả hai đều tiến bộ rất nhanh trong vòng một năm qua và nằm trong danh sách đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam. Cộng thêm sự vắng mặt của các ngôi sao lớn trong khu vực, những cái tên này hoàn toàn có thể giành thành tích cao để tạo đà thăng tiến trong tương lai.

Ở môn điền kinh, Hoàng Thị Ánh Thục hứa hẹn sẽ trở thành hiện tượng tại SEA Games 32, cho dù đây là kỳ đại hội đầu tiên của nữ vận động viên 18 tuổi này. Tại giải điền kinh U18 châu Á 2022, cô gái người dân tộc Ra Glai từng gây bất ngờ lớn khi giành HCV cự ly 400m với thành tích 55,03 giây. Ngoài ra, các môn võ vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng có thể trình làng các nhân tố mới bên cạnh các cựu binh còn sót lại.

Theo bạn đoàn thể thao Việt Nam sẽ giành thứ hạng ra sao ở SEA Games 32?

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại khai mạc SEA Games 32

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vinh dự là người cầm cờ của đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 32 ngày 5/5 tới.

Theo An Khánh ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN