Những ngày chuẩn bị thầm lặng của Muay Việt Nam

Không tập huấn nước ngoài, cũng không ra quân rầm rộ, đội tuyển Muay Việt Nam đang trải qua khoảng thời gian bình yên trước thềm SEA Games 32. Thật khó tin khi biết các thành viên đội tuyển vẫn điềm tĩnh chuẩn bị bước vào giải đấu lớn dù biết ngay sau đó, họ có thể bị cấm thi đấu 2 năm.

Trong tâm bão

Khoảng 2 tháng trước khi SEA Games 32 diễn ra, nước chủ nhà Campuchia gây bất ngờ bằng thông báo loại môn Muay khỏi chương trình thi đấu. Thay vào đó, họ sẽ đưa vào Kun Khmer, môn võ có thể thức đấu và cách cho điểm tương tự Muay Thái Lan. Điều đó đã khiến Liên đoàn Muay Thế giới (IFMA), với nòng cốt là những quan chức người Thái Lan nổi giận.

Các võ sĩ Muay Việt Nam được tạo điều kiện tập luyện thoải mái.

Các võ sĩ Muay Việt Nam được tạo điều kiện tập luyện thoải mái.

Để đáp trả phía Campuchia, IFMA cho biết Thái Lan sẽ không cử đội tuyển tham dự môn Kun Khmer tại Campuchia. Bên cạnh đó, những quốc gia có võ sĩ thi đấu Kun Khmer cũng cần nghiêm túc cân nhắc. Nếu họ tiếp tục đấu Muay sau khi SEA Games 32 khép lại, IFMA sẽ cấm những vận động viên này thi đấu ở các giải thuộc hệ thống của IFMA (cả Muay nghiệp dư và chuyên nghiệp) trong 2 năm.

Trước phán quyết của IFMA, những quốc gia có đội tuyển Muay mạnh trong khu vực như Malaysia và Philippines ít nhiều lo ngại. Nhưng trong hoàn cảnh đó, đội tuyển Muay Việt Nam vẫn tập luyện, chuẩn bị theo đúng kế hoạch. Dường như những võ sĩ Muay hàng đầu Việt Nam không quá lo ngại trước viễn cảnh có thể bị cấm thi đấu bởi IFMA.

Không lâu sau khi Tết Nguyên đán khép lại, đội tuyển Muay Việt Nam đã tập trung, chia thành 2 đội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo chia sẻ của những người làm chuyên môn, mục tiêu đội tuyển hướng đến khi thi đấu Kun Khmer là giành được 3-4 HCV, giống với thành tích từng làm được ở kỳ SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà.

Vì sao Muay Việt Nam mạnh dạn đăng ký chỉ tiêu không khác SEA Games 31, dù các đội tuyển khác hạ chỉ tiêu xuống rất thấp? Có 2 nguyên nhân khiến những người làm chuyên môn không e ngại thành tích Muay Việt Nam thụt lùi. Thứ nhất, Thái Lan không cử VĐV tham dự, giúp Việt Nam loại bớt một đối thủ tiềm tàng. Thứ hai, chương trình thi đấu Kun Khmer có tới 19 bộ huy chương (13 nam, 6 nữ).

Số bộ huy chương của Kun Khmer tăng lên cũng đồng nghĩa cơ hội giành HCV cho các VĐV Việt Nam cũng tăng. Ngoài ra, võ sĩ Việt Nam không quá e ngại trước khả năng bị IFMA cấm thi đấu 2 năm. Thực tế là bên cạnh IFMA, Thái Lan còn rất nhiều tổ chức khác quản lý hệ thống thi đấu Muay chuyên nghiệp. Về Muay thành tích cao, võ sĩ Việt Nam vẫn chủ yếu thi đấu trong nước.

Nếu đi sâu về mặt câu chữ, có thể thấy lệnh cấm thi đấu của IFMA cũng không có nhiều tác dụng đến quá trình chuẩn bị môn Muay SEA Games 33, diễn ra tại Thái Lan vào năm 2025. Bởi khi đó, những VĐV bị IFMA cấm thi đấu cũng hết thời gian bị "treo" và có thể thi đấu quốc tế trở lại. Vì thế, Muay Việt Nam vẫn có thể đưa đội hình mạnh nhất đến giải và hướng đến mục tiêu cao nhất.

Không tập huấn nước ngoài là chiến thuật

Trong bối cảnh nhiều đội tuyển võ thuật như Taekwondo, Vovinam, Boxing... liên tục tập huấn, thi đấu nước ngoài trước thềm SEA Games 32, đội tuyển Muay Việt Nam vẫn tập luyện như bình thường. Họ tập luyện trong nước và chỉ thi đấu đúng 1 giải Cúp các CLB Muay toàn quốc diễn ra cuối tháng 3 tại tỉnh Gia Lai. Đáng chú ý hơn, đây không phải quyết định đưa ra dựa trên hoàn cảnh thực tế.

Một thành viên ban huấn luyện đội tuyển Muay Việt Nam cho biết ngay cả khi không ra nước ngoài tập luyện, thành tích của các võ sĩ vẫn được đảm bảo. Xét về mặt khách quan, Muay Việt Nam có nòng cốt đội tuyển là những võ sĩ hàng đầu khu vực. Nếu phải xuất ngoại tập luyện, thi đấu, điểm đến duy nhất có thể giúp các VĐV nâng cao trình độ là Thái Lan.

Nhưng ở một góc độ nào đó, việc cử VĐV đi tập huấn nước ngoài cũng là con dao hai lưỡi, đặc biệt ở những môn võ thi đấu đối kháng như Muay. Thứ nhất, điều đó chẳng khác nào đội tuyển Muay Việt Nam đã để lộ những thành viên tốt nhất để chuẩn bị cho những giải đấu quốc tế trong thời gian tới. Vì thế, công tác chuẩn bị cho đội tuyển Muay tập trong nước sẽ giúp chúng ta tránh bị lộ bài.

Thứ hai, thể thao Việt Nam đã nếm trải nhiều bài học lớn khi việc tập luyện, thi đấu ở nước ngoài không như kỳ vọng. VĐV đôi lúc phải sinh hoạt theo kiểu tự túc, không có người đồng hành. Nếu không thể cải thiện thành tích khi ra nước ngoài tập luyện, thì việc tiếp tục duy trì tập trong nước cũng là một lựa chọn không tồi.

"Chúng ta đôi lúc thường thần thánh hóa việc tập luyện ở nước ngoài", một HLV chia sẻ. "Với nhiều VĐV, quyết định đưa họ ra nước ngoài một thời gian có thể đảo lộn cuộc sống cá nhân của VĐV đó. Không phải ai cũng sẵn lòng đánh đổi cuộc sống thường ngày. VĐV cũng là con người. Họ chỉ thi đấu tốt khi thể trạng và tâm trạng ở mức thoải mái nhất".

Câu chuyện tập luyện trong nước đúng hơn cả với những VĐV võ thuật. Khoản thu nhập khiêm tốn từ các địa phương, cũng như đội tuyển quốc gia khó có thể đảm bảo cuộc sống đầy đủ. Nếu phải ra nước ngoài tập luyện, VĐV cũng mất nguồn thu từ những lớp dạy phong trào. Vì thế, thay vì cứng nhắc với những chuyến tập huấn, thi đấu xa nhà, những người làm công tác huấn luyện cũng cần tạo điều kiện cho VĐV đảm bảo thu nhập để họ thi đấu với tâm trạng thoải mái.

HLV kiêm "bác sĩ tâm lý"

HLV trưởng đội tuyển Muay Việt Nam (tập luyện tại khu vực phía Nam) chuẩn bị cho SEA Games 32 là ông Trương Ngọc Hiếu, Trưởng bộ môn Muay Kickboxing Bình Dương. Từ lâu, ông được xem như một trong những HLV mát tay nhất trong việc đào tạo, huấn luyện những võ sĩ Muay Việt Nam thành tài với xuất phát điểm khiêm tốn. Dưới thời của HLV Trương Ngọc Hiếu, đội Muay Bình Dương dần dần trở thành một trong những thế lực của Muay Việt Nam. Địa phương này đang nắm trong tay những võ sĩ có tên tuổi ở khu vực như Trương Cao Minh Phát, Huỳnh Hoàng Phi, Dương Đức Bảo. Đáng chú ý hơn, các võ sĩ của Muay Bình Dương không nhất thiết phải có mặt ở địa phương để chấm công tập luyện như những đơn vị khác. Việc thực hiện cơ chế mở, cho phép VĐV được chủ động chọn địa điểm tập luyện với điều kiện đảm bảo thành tích giúp Muay Bình Dương có nhiều VĐV tốt. Họ vẫn có thể làm những công việc bên ngoài như huấn luyện phòng tập, dạy võ cho học viên trong thời điểm không có giải đấu nào diễn ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Lý Hoàng Nam quyết bảo vệ HCV ở SEA Games

Sau khoảng thời gian thi đấu ở các giải quốc tế, Lý Hoàng Nam đã trở lại Việt Nam, tập trung vào việc luyện tập cùng chuyên gia Ivan Miranda (Peru - hạng 104 năm 2003 khi 23 tuổi)...

Theo An Khánh ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN