Lời hứa chơi đẹp của Campuchia!
Chỉ còn một ngày nữa, ngọn đuốc SEA Games 32 sẽ cháy rực trên lễ đài ở vận động trường Morodok Techo, tổ hợp thể thao do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại trị giá 160 triệu USD.
Nước chủ nhà Campuchia đã chi thêm 118 triệu USD cho các cơ sở hạ tầng khác và công tác tổ chức hứa hẹn một kỳ SEA Games bùng nổ nhất từ trước tới nay.
Mọi con đường dẫn đến Morodok
Những trục đường chính ở thủ đô Phnom Penh được trang hoàng lộng lẫy hơn ngày thường với biểu ngữ, cờ xí rợp trời. Sân vận động Olympic quốc gia vẫn nhộn nhịp như thường lệ khi người dân Campuchia chiều chiều tản bộ đến tập thể dục.
Các nẻo đường dẫn về sân vận động trung tâm Morodok cách thủ đô Phnom Penh hơn 20 km nằm hẻo lánh suốt bốn năm xây dựng, bây giờ cũng thật rộn ràng bởi sự tò mò chen lẫn niềm tự hào của người dân Campuchia lần đầu tiên sau 64 năm SEA Games mới hiện diện ở sân nhà nước mình.
SEA Games 32 đang chuẩn bị tất cả cho lễ khai mạc. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Cũng chưa có quốc gia nào chơi đẹp như Campuchia khi móc hầu bao lo miễn phí khách sạn, ăn uống, di chuyển cho hơn 9.000 VĐV, HLV trực tiếp tập luyện và thi đấu ở SEA Games, một hành động đi vào lịch sử mà chủ nhà mong mỏi các nước khác sẽ học theo. Chi phí này mỗi ngày ước tính chính phủ hoàng gia mất khoảng nửa triệu USD nhưng có hề gì, bởi điều Campuchia khao khát là cho thế giới biết mình dù chỉ là một nước nghèo nhưng có tấm lòng bao la như đại dương.
Xóa“lệ làng” SEA Games được không?
Một điều quan trọng mang tính truyền thống khác nữa là khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói chuyện với các thành viên của đoàn thể thao quốc gia rằng ông muốn thấy họ luôn nỗ lực giành nhiều HCV hơn so với các kỳ SEA Games trước. Ông không quên nhắc nhở các VĐV là chỉ có những chiến thắng chính đáng mới mang lại vinh quang cho vương quốc: “Một huy chương do chơi xấu hoặc không tuân theo các quy tắc sẽ chỉ mang lại sự xấu hổ, ô nhục và không nên được tính là một chiến thắng”.
Lời cảnh báo của Thủ tướng Hun Sen cho 1.136 thành viên đoàn thể thao Campuchia không khác gì với hầu hết quốc gia đã từng đăng cai SEA Games luôn tuyên bố chơi đẹp với một tinh thần thể thao cao thượng. Tuy nhiên, không phải lúc nào những lời hô hào cũng có giá trị ở môi trường thể thao Đông Nam Á.
VĐV Việt Nam sớm có mặt tại Campuchia hứa hẹn sẽ đạt thành tích tốt. Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Ai cũng biết hễ quốc gia nào tổ chức SEA Games tốn kém đều có những thủ thuật của các nhà làm thể thao để mang về tối đa huy chương cho chủ nhà. Ngay cả Campuchia lần đầu tiên sau 64 năm đăng cai một kỳ đại hội thể thao lớn nhất của mình đã đưa nhiều môn thi đấu xa lạ với nhiều nước khác và chỉ cần ba nước đồng thuận là đưa ra tranh huy chương.
Chủ nhà Campuchia đã tranh thủ đưa các môn võ dân tộc Bokator, Kun Khmer hay cờ Ouk Chaktrang (cờ ốc) vào tranh tài và quên đi những môn thuộc hệ thống Olympic vốn là thế mạnh của nhiều quốc gia khác. Cũng không thể trách Campuchia vì khi sang dự SEA Games của nước khác trước đây vẫn phải gấp rút cho VĐV đi học hoặc do chính chủ nhà huấn luyện để chơi như đánh bài, lặn, trượt patin, võ gậy, vượt chướng ngại vật, khúc côn cầu dưới nước…
Bộ trưởng Bộ Du lịch Thong Khon, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia tin tưởng số huy chương chủ nhà sẽ giành tăng gần 200% so với 63 huy chương ở SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm 2022. Lần đó, Campuchia đã gặt hái 9 HCV, 13 HCB và 41 HCĐ. Con số hơn 100 huy chương có thể giúp Campuchia lần đầu tiên nhảy vào top 3 đoàn thể thao mạnh nhất Đông Nam Á, vượt trội những lần họ chỉ lẹt đẹt trong nhóm nửa dưới bảng xếp hạng khi đi xa nhà.
Ông Hun Sen khuyến cáo tất cả VĐV của chủ nhà phải tuân thủ nguyên tắc fair play để giữ gìn uy tín và phẩm giá của quốc gia. Hy vọng những lời khuyên vàng ngọc của Thủ tướng Campuchia cho người nhà cũng chính là kim chỉ nam cho tất cả đại gia đình thể thao Đông Nam Á.
Khó khăn của đoàn thể thao đứng đầu Đông Nam Á tại kỳ SEA Games trước Hoàn cảnh của Campuchia hiện tại gần giống với Việt Nam năm ngoái thay Indonesia tổ chức SEA Games ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã giành kỷ lục với 205 HCV, đứng đầu một cách thuyết phục. Cuộc chơi lần này tại Campuchia, nước chủ nhà đã “bóp” các môn thế mạnh như bắn súng, bắn cung, đua thuyền… khiến thể thao Việt Nam khiêm tốn chỉ đặt mục tiêu giành 89-120 HCV mà thôi. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm qua (3/5), nhiều môn thể thao của SEA Games 32 đã tranh tài và điểm nhấn đáng chú ý nhất trong ngày đến từ môn đua vượt chướng ngại vật. Bởi kỷ lục thế giới vừa xuất...