"Vị đắng" cuộc đời Lê Công Tuấn Anh
Giữa lúc con đường nghệ thuật đang mở rộng và Lê Công Tuấn Anh đang ở đỉnh cao danh vọng thì bất ngờ người ta phát hiện anh tự tử chết vào sáng 17/10/1996 khi chỉ mới 29 tuổi đời.
Lê Công Tuấn Anh là một cái tên rất quen thuộc trong lĩnh vực điện ảnh của thập niên 1990 không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả nước.
Anh là “thần tượng” của giới trẻ, nổi lên từ vai bác sĩ Quang “Đông ki sốt” trong bộ phim nhựa Vị đắng tình yêu của đạo diễn Lê Xuân Hoàng do Hãng phim Giải Phóng sản xuất.
Lê Công Tuấn Anh đóng rất nhiều phim, có năm anh đóng cùng lúc tới 20 bộ phim đồng thời còn diễn kịch xuất phát từ Đoàn kịch nói Kim Cương và về sau ở Đoàn kịch Trẻ TP.HCM.
Cái chết của Quang “Đông ki sốt”- biệt danh của Lê Công Tuấn Anh (LCTA) mà bạn bè và công chúng hâm mộ đặt xuất phát từ vai diễn thành công rực rỡ của anh trong phim Vị đắng tình yêu đã là một cú sốc lớn không chỉ cho người hâm mộ tài năng của anh chàng diễn viên trẻ này mà còn đối với dư luận, là một scandal gây choáng trong giới nghệ sĩ bởi LCTA tự tử vì tình.
Nhưng nguyên nhân sâu thẳm của chuyện tình này như thế nào, LCTA yêu ai, thất vọng vì ai và người con gái nào có đủ sức mạnh làm cho LCTA phải tự tử và đâu là nguyên nhân chính của cái chết bất ngờ này thì cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.
LCTA được các thầy đánh giá là một thiếu niên có tính cách, khác hẳn những đứa trẻ lang thang bụi đời khác. LCTA hiền lành, chịu khó, siêng năng nên được các thầy quý mến. Thấy LCTA “trắng trẻo, sạch sẽ” và dễ thương nên các thầy chọn vào giúp việc cho phòng y tế của trường. LCTA làm việc rất tận tụy, thông minh, chỉ cần nói một lần là biết chính xác tên thuốc và công dụng. |
Đã 16 năm trôi qua, ẩn số này vẫn chưa có lời giải rõ ràng, ngày 17/10/2012 tới đây là ngày giỗ thứ 16 của LCTA, chúng tôi quay lại chuyện này để mong làm sáng tỏ một uẩn khúc, một “nghi án” dù vụ án không có thủ phạm để khởi tố nhưng cũng là một cách để soi rõ ngọn nguồn và là một nén tâm hương thắp lên để tưởng nhớ anh chàng Quang “Đông ki sốt” thân thương ngày nào như vẫn còn hiện diện trong cuộc sống có quá nhiều chuyện buồn vui, đau khổ, hạnh phúc và luôn bí ẩn, bất ngờ này…
Tuổi thơ cay đắng
LCTA sinh ngày 2/2/1967 (nhằm 23 tháng chạp năm Bính Ngọ) tại Sài Gòn. Ba của anh họ Lê, mẹ họ Công Huyền thuộc dòng dõi quý tộc ở Huế, do đó anh có tên gọi rút gọn kiểu thân mật là Lê Công, chính là ghép từ họ cha và họ mẹ mà thành, lúc nhỏ đến 10 tuổi LCTA ở với bà nội tại đường Điện Biên Phủ.
Nhưng sau ba mẹ LCTA chia tay, Lê Công về ở với mẹ nhưng rồi cũng chẳng bao lâu mẹ đi lấy chồng khác sống ở Vũng Tàu, Lê Công bị mẹ bỏ rơi. Không nơi nương tựa, LCTA thành đứa trẻ mồ côi, sống vất vưởng, lang thang ngoài lề đường theo đám trẻ bụi đời làm đủ mọi việc vặt vãnh để kiếm sống như bán báo dạo, đánh giày… thậm chí trước đó có lúc LCTA phải đi ăn xin.
Lê Công Tuấn Anh bị bắt vào Trường Giáo dục thiếu niên 3 vào năm 1979. Ở đây LCTA và những đứa trẻ cùng trang lứa khác có chung một hoàn cảnh là con “Bà Phước” được học văn hóa và học nghề để chuẩn bị cho bước trưởng thành đi vào đời.
Trong khi đó ba của LCTA có vợ khác và sinh được 2 cô con gái là Lê Thị Ngọc Ánh và Lê Thị Ngọc. Ba của LCTA bị tai nạn giao thông mất vào ngày 3/1/1977, từ đó hầu như LCTA không bao giờ gặp hai cô em gái cùng cha khác mẹ. Ở Trường Giáo dục thiếu niên 3, LCTA được các thầy đánh giá là một thiếu niên có tính cách, khác hẳn những đứa trẻ lang thang bụi đời khác. LCTA hiền lành, chịu khó, siêng năng nên được các thầy quý mến.
Thấy LCTA “trắng trẻo, sạch sẽ” và dễ thương nên các thầy chọn vào giúp việc cho phòng y tế của trường. LCTA làm việc rất tận tụy, thông minh, chỉ cần nói một lần là biết chính xác tên thuốc và công dụng. LCTA hồi mới vào trại… bị ghẻ rất nhiều.
Thầy Mến đã chữa trị cho anh hết ghẻ và LCTA đã nhận thầy Mến làm “sư phụ”. Từ đó về sau LCTA đã phụ giúp thầy Mến xức thuốc, chữa trị ghẻ cho học viên rất tích cực nên trở thành trợ thủ đắc lực của thầy Mến.
Thấy LCTA rất thật thà, giao cho quản lý tủ thuốc mà không hề mất một viên, thầy Mến rất tin tưởng nên có việc đi vắng là thầy Mến giao luôn phòng y tế cho LCTA quản lý. Ban ngày LCTA làm việc tại phòng y tế của trường, tối mới về trại ngủ. LCTA sống rất tình cảm, sau khi học được nghề “chữa ghẻ”, LCTA giúp các bạn trong trại từ việc xức thuốc, cho uống nước, vệ sinh, trực phòng… rất tận tình.
Tuy LCTA rất hiền lành nhưng không đứa trẻ nào trong trại dám dụng đến, kể cả đám “đại bàng”, vì LCTA có cú đá “song phi” rất thần sầu, mỗi khi thi triển thì không đối thủ nào đỡ nổi. Ít lâu, LCTA được người cô ruột là bà Lê Thị Ngoan đã 63 tuổi bảo lãnh đưa về nuôi dưỡng tại nhà số 48 đường Huỳnh Tịnh Của, Q3.
Từ đây cuộc đời của LCTA bước vào một khúc quanh mới, tuy bà cô rất nghèo nhưng LCTA vẫn được cho đi học tử tế. Anh học bổ túc văn hóa đến hết lớp 10 thì nghỉ để học nghề thợ hàn tại Trung tâm Dạy nghề Q.3 và trở thành "một cây văn nghệ" của lớp, của trường. Hồi đó phong trào văn nghệ quần chúng lên rất mạnh, LCTA học lớp hàn 2 gồm 4 học viên từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng.
Thời gian LCTA học nghề thợ hàn ở Trung tâm Dạy nghề Q.3 đã bộc lộ năng khiếu diễn kịch bẩm sinh, LCTA đã sáng tác kịch bản Ngộ nhận vừa làm diễn viên vừa làm đạo diễn tham gia hội thi văn nghệ quần chúng và đạt được giải thưởng cao.
Sau khi ra trường LCTA trở thành một anh thợ hàn chuyên nghiệp đi làm kiếm sống. Nhưng sẵn có máu nghệ sĩ, LCTA tham gia sinh hoạt văn nghệ tại Nhà văn hóa Quận 3, lúc đó nghệ sĩ Lê Bình phụ trách văn hóa quần chúng tại đây đã phát hiện ra năng khiếu bẩm sinh của LCTA nên đã hết lòng giúp đỡ chàng trai trẻ đam mê nghệ thuật này bằng cách cho LCTA thử đóng kịch.
Bước vào con đường nghệ thuật
Khi LCTA được 18-19 tuổi, một hôm anh dẫn cô bạn gái tên Hồng Điệp đến Đoàn kịch nói Kim Cương đang đóng đô ở rạp Hào Huê xin thi làm diễn viên. Lúc đó có tới 400 thí sinh dự thi nhưng đoàn chỉ chọn hơn 10 người thôi, như thế là tỷ lệ “chọi” cũng khá căng. Và LCTA không dám dự thi mà chỉ hỗ trợ tinh thần cho cô bạn gái.
Trong lúc Hồng Điệp đang chuẩn bị thi tiểu phẩm thì nghệ sĩ Kim Cương nhìn thấy có một thanh niên lấp ló ở hậu đài của rạp. Bằng con mắt nghề nghiệp, Kim Cương nhận ra cậu thanh niên này có thể trở thành một diễn viên… đóng cặp với Hồng Điệp thành một đôi diễn viên hoàn hảo trên sân khấu. Thế là nghệ sĩ Kim Cương nhận luôn cả Hồng Điệp và LCTA vào đoàn. |
Cặp mắt nghề nghiệp của nghệ sĩ Kim Cương đã đúng, nhưng bước đầu LCTA chỉ làm cái anh “hụ hợ”, sai gì làm nấy, sai đâu đánh đó, nhưng rồi đến một ngày LCTA cũng được bước ra sân khấu, đó là một vai phụ, vai “nhân chứng” trong vở Nhân danh công lý. Lúc đó LCTA còn chưa biết pha phấn để hóa trang, chính nghệ sĩ Kim Cương đã giúp cho LCTA làm việc này.
Sau vai diễn mang tính quần chúng nói trên, LCTA được đóng một vai nữa trên sân khấu Đoàn kịch nói Kim Cương nhưng vẫn chưa bộc lộ tài năng, phải đợi đến khi đóng vai Chu Xung trong vở “Lôi Vũ” thì LCTA mới ghi được ấn tượng và bắt đầu được các nhà làm phim chú ý. Nhưng rồi thử sức ở lĩnh vực điện ảnh lúc đầu LCTA cũng không thành công, nên đóng được vài phim LCTA lại xin nghệ sĩ Kim Cương trở về đoàn kịch vì cho rằng mình không hợp với điện ảnh.
Khoảng một năm sau, bất ngờ đạo diễn Xuân Hoàng mời LCTA đóng vai bác sĩ Quang “Đông ki sốt” trong bộ phim Vị đắng tình yêu, LCTA lại xin phép nghệ sĩ Kim Cương rời sân khấu kịch để thử đóng phim một lần nữa. Lần này thì LCTA đã thành công, vai Quang “Đông ki sốt” của LCTA trở thành một hiện tượng trong giới điện ảnh và LCTA nổi lên từ vai này. Có thể nói một bước thành “sao”.
Để từ đó về sau tên tuổi của LCTA nổi như cồn, hầu như có phim mới nào bấm máy LCTA cũng có vai, mà đều là vai chính. Không chỉ LCTA là diễn viên được các hãng phim TP.HCM săn đón mà các hãng phim Trung ương cũng không kém sự nồng nhiệt.
Chàng diễn viên này quả thật đắt show đến nỗi trong một năm anh đóng khoảng 20 bộ phim, có nhiều lúc LCTA phải thức trắng đêm để hoàn thành vai diễn và có vai diễn chỉ hoàn thành trong 4 ngày thậm chí có vai theo yêu cầu chỉ hoàn thành trong 2 ngày.
Vai Quang “Đông ki sốt” trong bộ phim Vị đắng tình yêu của LCTA trở thành một hiện tượng trong giới điện ảnh và LCTA nổi lên từ vai này. Có thể nói một bước thành “sao”. Để từ đó về sau tên tuổi của LCTA nổi như cồn, hầu như phim mới nào bấm máy LCTA cũng có vai, mà đều là vai chính. Không chỉ LCTA là diễn viên được các hãng phim TP.HCM săn đón mà các hãng phim Trung ương cũng không kém sự nồng nhiệt.Ngoài vai Quang “Đông ki sốt” trong phim Vị đắng tình yêu, LCTA còn ghi ấn tượng ở một số vai diễn khác như: vai Quang Sơn trong Em còn nhớ hay em đã quên, vai Tuấn trong Ngọt ngào và man trá, vai Đại trong Mặt trời đêm. |
Nhưng phim LCTA đóng thì rất nhiều, có thể kể một số phim tiêu biểu: Tuổi thơ dữ dội (là phim đầu tay vào nghề của LCTA), Vị đắng tình yêu (là phim thứ hai, LCTA đã đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10), Hiệp sĩ cuối cùng, Em không thể xa anh, Vĩnh biệt mùa hè, Xác chêt trên cao nguyên, Vị đắng tình yêu 2, Em và Michael Jackson, Mảnh đất tình đời, Bản tình ca cuối cùng, Tôi với em, Sắc hoa màu nhớ, Mặt trời đêm, Tình biển, U tôi…trong đó có phim đang đóng dở dang là Nàng Hương (Hãng phim Tây Đô, đạo diễn Lê Văn Duy).
Ở lĩnh vực sân khấu, LCTA cũng đã đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc đợt 2 tại TP.HCM năm 1995 với vai Sỏi trong vở kịch Bước qua lời nguyền. Ngoài ra LCTA còn đoạt giải Mai Vàng 3 năm liền: 1993, 1994, 1995 do độc giả báo Người Lao Động bình chọn.
Có thể nói, đối với con đường nghệ thuật, Lê Công Tuấn Anh đã lên đến tột đỉnh vinh quang bằng tài năng thực sự của mình.