Trọng Tấn kể thời mò cua, bắt ốc và mơ ước…đổi đời
“Tôi nhớ ngày đó, nhà tôi nghèo nhất khu chúng tôi ở. Trong khi tất cả các nhà đều có điện nhưng riêng nhà tôi vẫn không có đủ tiền để mắc, phải thắp đèn dầu”, ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ.
Có bữa, tôi quên cả việc nhà làm khê nồi cơm của mẹ khiến nhiều lần mẹ định cầm cây đàn vứt ra ngoài sân. Từ tập đàn, tôi mới tập hát. Tôi không biết mình hát tốt hay dở nhưng thấy mọi người có vẻ thích. Họ đi qua nhà thấy tôi hát thì đứng ở ngoài nhìn vào, sau đó thì mon men vào trong sân ngồi nghe.
- Khi theo con đường âm nhạc, anh có nghĩ mình sẽ thành công và khá giả như bây giờ không?
Chẳng ai nghĩ trước được tương lai đâu. Mỗi một bước đi thành công có một niềm hạnh phúc riêng. Ngay năm đầu tiên theo học Nhạc viện, tôi đã được giải khuyến khích giọng hát hay Hà Nội đấy cũng là niềm vui lớn. Hai năm sau, tôi lại đạt giải nhất cuộc thi này và được những người bạn giới thiệu cho đi làm.
Cảm giác có công việc và nhận 30 - 50 nghìn cho một đêm diễn có thể nói nó đáng nhớ hơn số tiền rất nhiều kiếm được bây giờ. Hay mua được chiếc xe máy dù nợ nửa tiền nhưng vẫn hạnh phúc hơn mua được ô tô hiện nay.
- So với ngày xưa giờ có thể gọi Trọng Tấn là "đại gia" được rồi đấy nhỉ vì nghe nói anh vừa mua hẳn một trang trại rộng lớn ở Hòa Bình?
Chuyện là thế này, trong những lần đi công tác, tôi quan sát thấy người nông dân chăn dắt 1 đến 2 con bò tôi lạ lắm. Tôi có hỏi một chị nông dân thì mới biết đó là cả tài sản của họ. Tôi cứ thắc mắc tại sao con bò lại là tài sản lớn như vậy thì họ nói, con bò sẽ đẻ ra con bò.
Tôi lại hỏi tiếp, vậy tại sao họ nuôi chỉ có một con thì họ bảo mỗi con bò trị giá 15 đến 20 triệu người nông dân làm sao có tiền, thậm chí còn phải đi vay ngân hàng. Nhưng nếu không nuôi thì một hai năm nữa họ sẽ không có tiền đóng học cho con.
Tôi thấy bài toán của người nông dân quá ấn tượng, trong đầu nghĩ nếu mình nuôi 100 con hoặc 1000 con thì sao? Một năm sau tôi sẽ có một đàn bó gấp đôi lúc đầu. Nghĩ như vậy, tôi quay ra thuyết phục một người bạn làm kinh tế rồi cùng nhau rong ruổi đi tìm đất để chăn bò. Tuy nhiên thực tế cho thấy làm người nông dân cũng không hề dễ, nhiều người bảo rằng, để nuôi một đàn bò lớn như vậy không hề dễ.
Cứ tưởng giấc mơ làm nhà nông sẽ tiêu tan nhưng sau đó chúng tôi lại được gợi ý chăn dê vì dê dễ sống hơn và không cần chăm sóc nhiều. Tôi liều thuê một trang trại ở Hòa Bình rồi chuyển qua chăn dê và thử nghiệm luôn lĩnh vực mới là kinh doanh nhà hàng đặc sản dê.
- Đã có một cuộc sống sung túc nhờ nghệ thuật nhưng có vẻ ước mơ "đổi đời" từ nhỏ của Trọng Tấn vẫn còn rất mãnh liệt. Anh không sợ sẽ thất bại sao?
Hình như năm vừa qua cả nước có trên 2000 doanh nghiệp phá sản, có nghĩa là sự thành bại trong việc kinh doanh hoàn toàn có thể xảy ra với cả những nhà kinh tế thật sự cơ mà.
Biết thế nên tôi không lấn sân quản lý mà để một người bạn "tỉnh táo" hơn tôi làm. Tôi chỉ đảm nhận nhiệm vụ là đưa ra niềm đam mê và thổi hồn đam mê cho mọi người đồng hành cùng mình.
- Nhiều nghệ sĩ lâm vào cảnh "tan cửa nát nhà" vì kinh doanh. Anh có lường trước những rủi ro này không?
Tôi luôn nói lợi ích cốt lõi trong cuộc sống vẫn là được sống bình an cho nên không bao giờ tôi đánh cược cuộc sống và gia đình mình chỉ cho một niềm đam mê.