Trọng Tấn kể thời mò cua, bắt ốc và mơ ước…đổi đời

Sự kiện: Sao Việt

“Tôi nhớ ngày đó, nhà tôi nghèo nhất khu chúng tôi ở. Trong khi tất cả các nhà đều có điện nhưng riêng nhà tôi vẫn không có đủ tiền để mắc, phải thắp đèn dầu”, ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ.

Gần đây, khán giả bất ngờ khi Trọng Tấn mở nhà hàng tại Hà Nội. Việc nam ca sĩ dòng nhạc đỏ lấn sân kinh doanh khiến không ít fan hâm mộ anh lo sợ thần tượng sẽ đi vào vết đổ của nhiều nghệ sĩ trước như: Siu Black, Phước Sang… Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện gần đây, Trọng Tấn cho biết, dù lớn lên trong một gia đình nghèo khó nhưng anh không bao giờ đánh đổi sự bình yên của bản thân và gia đình chỉ vì niềm đam mê mới là kinh doanh.

Trọng Tấn kể thời mò cua, bắt ốc và mơ ước…đổi đời - 1

Ca sỹ Trong Tấn.

- Tuổi thơ của "ông hoàng" dòng nhạc đỏ như Trọng Tấn có gì khác biệt so với người bình thường không?

Hồi còn nhỏ, tôi sống cùng gia đình ở thị xã Thanh Hóa khi đó nó chỉ là vùng ven đô, nằm heo hút trên đường đi Sầm Sơn.

Bố mẹ tôi là công nhân đóng gạch nhưng tuổi thơ tôi lại gắn với đồng ruộng sông ngòi. Tôi thích câu cá, bắt cua nên ngày nào tôi cũng phơi mình ở ngoài ao, hồ. Giờ mỗi lần trở về nhà tôi vẫn hay chạy ra con sông cũ và tôi hiểu ra rằng, tại sao lại có nhiều bài hát gắn bó với dòng sông hay như thế. Nó khiến tôi nhớ lại những ngày còn nhỏ ôm quần áo ra sông tắm gội, giặt giũ...

- Việc "cậu bé" Trọng Tấn ra sông bắt cua, bắt cá chỉ là do sở thích hay còn vì mưu sinh?

Tôi nhớ ngày đó, nhà tôi nghèo nhất khu chúng tôi ở. Trong khi tất cả các nhà đều có điện nhưng riêng nhà tôi vẫn không có đủ tiền để mắc, phải thắp đèn dầu.

Thế nên việc ra đồng bắt tôm, bắt cá hoàn toàn là vì mưu sinh. Thành tích của tôi là từng tát cạn một hố bom cùng cậu bạn thân trong nửa ngày trời và kiếm được một xô cá đầy. Một ít chúng tôi mang đi bán còn lại thì phơi lên để ăn dần. Hồi đó không hiểu sao lại khỏe như thế và tôi còn được mệnh danh là "sát" cá nhất của khu.

- Lúc đó anh có cảm nhận được hết cái nghèo của gia đình mình không?

Có thể đôi lúc cũng chạnh lòng nhưng tôi có một tinh thần rất lạc quan. Tôi vẫn thích thú với cuộc sống hàng ngày của mình bởi xung quanh tôi lúc đó ai cũng vất vả.

Giờ nghĩ lại tôi cho đó là một sự trải nghiệm của cuộc đời. Những khó khăn khiến giúp tôi sớm có những trăn trở, những suy nghĩ về tương lai nhiều hơn.

- Sự "trăn trở" của Trọng Tấn khi đó chỉ là mong kiếm được ít tiền để nhà mình cũng có thể mắc điện hay là tìm một con đường để... thay đổi cuộc đời?

Có thể nói ngoài thời gian nghịch ngợm bươn trải kiếm ăn thì việc học vẫn được tôi đầu tư nhiều nhất. Với tôi đó là con đường cứu cánh cho tương lai. Suốt năm cấp 1 và cấp 2 tôi luôn nằm trong top 3 của lớp.

Năm cấp 3, tôi bắt đầu trăn trở việc thi lên đại học. Nhà tôi nghèo nên nếu học tiếp mỗi tháng sẽ phải chi đến 500 ngàn trong khi dưới tôi vẫn còn hai cậu em và mẹ tôi vẫn phải chạy ăn từng bữa.

Lúc đó, tôi thích Trường sĩ quan Lục Quân lắm vì cảm giác rất oách và không phải lo đầu vào đầu ra. Nhưng ngay vòng sơ tuyển tôi đã rớt vì không đủ cân nặng.

Tôi lại định làm hồ sơ thi trường Kiến trúc. Bài vẽ mẫu của tôi cũng đã qua vòng sơ tuyển nhưng học kiến trúc vô cùng tốn kém, nó vượt cả mức dự tính 500 ngàn/1 tháng mà tôi từng nghĩ trước đó.

Trong lúc trăn trở, tôi vô tình gặp một anh học ở Nhạc viện, tôi đánh đàn và hát để anh nghe thử. Nghe xong anh bảo: "Ôi giời ơi giọng như em thi Nhạc viện đi. Học Trung cấp không mất tiền đâu".

Những lời anh nói với tôi đó là một tia sáng rất lớn, âm nhạc cũng là một nghề tôi thích nhưng vì người đời hay nói "xướng ca vô loài" nên tôi không thi. Giờ lại nghe thông tin không mất tiền học nên mọi gánh nặng trong tôi như được buông hết.

- Sống giữa cái nghèo khó, Trọng Tấn phát hiện và nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc của mình như thế nào?

Năm lớp 5 tôi về quê nghỉ hè ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Lúc đấy ở quê tôi đang rộ phong trào đào vàng, tôi cũng theo anh nhà bác đi tời vàng và nằm cả tuần ở ngoài suối. Những lúc nghỉ ngơi, anh tôi lại ôm đàn guitar ra đánh chơi vì chẳng có gì làm.

Hết hè tôi học lỏm bấm được vài gam nên thích thú lắm. Về nhà tôi tìm hỏi mượn cậu bạn cây đàn guitar thì được cho luôn vì bạn tôi không biết chơi. Tôi coi nó như vật báu và tập suốt ngày đến nỗi phồng rộp cả tay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Sùng ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN