Tóc Tiên: Dễ đến thì dễ đi
Tóc Tiên vẫn là một cái tên “hot” tại thị trường âm nhạc hải ngoại và luôn được săn đón khi về nước. Thế nhưng với cô gái thông minh mà phương châm sống là “easy come, easy go”, thì đó chưa phải là đích đến.
- Thời gian này Tóc Tiên có vẻ hơi im ắng so với trước…
- Mọi việc vẫn rất ổn, tôi vừa về thăm nhà tại Việt Nam rồi trở lại Mỹ tiếp tục học tập và ca hát. Tôi vẫn đi show đều đặn, đến trường hàng ngày. Cuộc sống ở Mỹ là vậy, không chật vật, bôn ba, cũng không nhiều sóng gió để người nghệ sĩ có thể phô diễn bề nổi của mình. Tôi vừa tái kí hợp đồng với trung tâm ca nhạc lớn nhất dành cho người Việt tại Mỹ, nghĩa là tôi vẫn còn giá trị với thị trường âm nhạc.
- Chỉ một hợp đồng được tái kí đã khẳng định được giá trị?
- Ở hải ngoại thì có thể nói vậy. Môi trường hoạt động nhỏ hơn trong nước, nhưng cũng chính vì vậy quy luật đào thải càng ác liệt hơn rất nhiều. Có thể do ảnh hưởng của lối sống phương Tây nên nhà đầu tư ở đây chỉ lưu tâm nhiều đến giá trị thị trường, kinh doanh và lợi nhuận, chứ không bàn nhiều về tình cảm. Chỉ cần bạn không còn khán giả, đĩa bán không được, show bán ít vé và ít người gọi show thì out, không cần phải nói nhiều.
- Hẳn bạn sống trong nỗi nơm nớp không biết ngày sau thế nào khi ca sĩ mỗi ngày một nhiều?
- Nếu tôi nói tôi không lo thì tôi quá không thành thật rồi. Đến thời điểm hiện tại, khi tôi vẫn đang hát để kiếm tiền trang trải học phí ngành y rất tốn kém, thì đây chính là chiếc phao cứu sinh để tôi có thể hoàn thành việc học dễ dàng nhất, có nền tảng lo cho tương lai của mình ở phần hậu ca hát.
Mỗi ngày có không biết bao nhiêu ca sĩ xuất hiện, từ trong nước cho đến tại Mỹ. Trung tâm của tôi cũng muốn có nhiều nét mới lạ để thu hút khán giả đến với chương trình của họ. Nên trước mỗi sự xuất hiện của người mới, tôi luôn tự nhủ mình phải luôn làm mới bản thân và không ngừng cố gắng.
Nhưng tôi nghĩ lo lắng này sẽ không còn quá to tát khi tôi hoàn tất tấm bằng đại học của mình và bắt đầu làm thêm một công việc ổn định khác ngoài nghệ thuật.
Tóc Tiên vừa tái kí hợp đồng với trung tâm ca nhạc lớn nhất dành cho người Việt tại Mỹ
- Nhiều ca sĩ không cần hợp đồng độc quyền với trung tâm, vừa hoạt động tự do vừa được tham gia ghi hình chương trình của trung tâm. Sao bạn không chọn giải pháp này cho đỡ nặng đầu?
- Phương án này chỉ dành cho những tên tuổi thượng thặng, lâu năm ở hải ngoại. Thật tình chia sẻ, một người trẻ như tôi, nếu không có sự bảo bọc, chở che của công ty, trung tâm thì sẽ "chết" ngay lập tức.
- Có vẻ hơi khác với trong nước nhỉ, các ca sĩ tự do lại hoạt động có vẻ hiệu quả hơn ca sĩ của các công ty?
- Chắc do đặc thù phát triển, hoạt động của 2 nền showbiz và kinh tế mà thôi. Ngày xưa tôi cũng từng là một ca sĩ tự do trong nước, tôi hiểu rõ điều này. Nhưng có thể nhìn nhận đơn giản thế này, ngày xưa trong nước tôi có thể chạy show 7 ngày trong tuần, nhưng tiền thu được chưa chắc bằng tôi hát 2 ngày cuối tuần như bây giờ. Như vậy tôi có nhiều thời gian hơn để học tập.
Hơn nữa, tôi có người giúp định hướng khán giả, bài vở, chọn phong cách… Tôi không còn phải gồng mình để sống chết với showbiz như những tháng ngày hoạt động trong nước. Không thể phủ nhận thành công của tôi tại Mỹ có sự hậu thuẫn của cả một trung tâm, nhưng khi về nước, tôi vẫn phải tự làm tất cả để phát hành album và MV của mình. Nôm na là nhập gia tùy tục…
- Người ta sẽ nghĩ bạn không còn lửa nghề, bởi ngại đấu tranh nên dựa vào người khác?
- Không hẳn như vậy, tôi không bao giờ thích dựa dẫm vào ai. Nhưng giai đoạn này việc học đang bước vào thời kỳ quan trọng thì tôi dành nhiều hơn quan tâm cho nó, có người khác giúp đỡ mình phần nào để có thể tiếp tục với ca hát đã là quá tốt. Mà từ xưa đến giờ tôi vốn không thích sự tranh giành. Lửa nghề nó hiện lên vào lúc bạn bước lên sân khấu, bước vào phòng thu kìa.
Hơn nữa, tôi thấy việc tôi làm việc theo hợp đồng độc quyền vẫn phù hợp với xu hướng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trên thế giới.
- Ca hát chuyên nghiệp đã gần 10 năm, bạn rút ra điều gì?
- Năm nay tôi gần 24 tuổi mà đã có tròn 10 năm ca hát chuyên nghiệp, con đường ấy không dài, nhưng chẳng ngắn chút nào. Còn quá sớm để rút ra điều gì đó về nghệ thuật, một đam mê quá lớn mà tôi sẽ theo đuổi suốt cuộc đời mình nếu có thể. Nhưng sẽ không phải cái cách rất nhiều bạn trẻ bất chấp tất cả để nổi tiếng. “Easy come, easy go” tôi viết câu ấy và dán lên đầu giường của mình dù có di chuyển đi bất kì đâu.
- Thị trường bây giờ khác xưa, khán giả dường như nghiện scandal, không có scandal thì không nổi tiếng được đâu?
- Nhưng tôi vẫn đang tồn tại trong cái thị trường ấy, mà tôi đâu có phải như thế. Đừng biện bạch cho hoàn cảnh, đừng thấy người ta như vậy thì mình cũng phải như vậy. Muốn dựng chuyện thì thật ra cũng phải có một chút tư liệu, tôi thì không biết tìm đâu ra. Tôi không có nhu cầu tạo ra lối sống ảo để quấy rối tầm nhìn khán giả.
Tôi nghĩ bằng cấp, học thức nó “chắc cú” hơn nhiều chứ. Một chiếc giỏ Hermes dù đắt tiền đến đâu rồi cũng cũ, chứ cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ ngành y tại Mỹ, thì chắc vài chục năm sau vẫn xài tốt. Bạn có bao nhiêu người yêu theo đuổi, làm sao hơn bạn có bao nhiêu cái bằng? Nếu tôi không nghĩ được như vậy thì tôi đã không mạnh dạn để từ bỏ tất cả mà ra đi.
Cái lúc mà tôi quyết định ra đi là thời điểm sự nổi tiếng với tôi còn là niềm ao ước lớn lắm. Bạn thử tưởng tượng, một con bé ca hát từ 3 tuổi, đến 14 tuổi thì ca hát chuyên nghiệp, thì có điều gì khác mà nó mong đợi ngoài sự nổi tiếng. Nhưng chính gia đình đã cho tôi nền tảng để suy nghĩ thấu đáo hơn mọi việc. Tôi tin mình vẫn nổi tiếng theo cách của tôi, chắc chắn và bền vững. Tôi hát từ bé, đến lớn, đến già, chứ không bước vào rồi lại bước ra nền âm nhạc một cách giỡn chơi được.
- Bạn có vẻ hơi cay cú với những bạn trẻ đang hoạt động nghệ thuật một cách hời hợt?
- Tôi cũng chỉ trạc tuổi các bạn ấy nên không dám nhìn nhận hay phán xét. Nhưng với tư cách một khán giả thì tôi cũng có quyền khó chịu chứ. Tôi theo dõi tin tức trong nước hàng ngày, và mệt mỏi thay cho sự nhá nhem của những tin đồn, lối sống sai lầm…
- Bạn có theo dõi các cuộc thi ca hát trong nước chứ?
- Có chứ, tôi theo dõi tất cả, vì tôi cũng là người từng tham gia thi cử rất nhiều trước khi sang Mỹ định cư đấy. Tuổi trẻ mà, ai cũng muốn có cơ hội để thử sức. Trong các thí sinh bước ra từ các cuộc thi gần đây, tôi dành nhiều tình cảm cho chị Uyên Linh. Đây là tài năng thật sự, hoạt động nghề nghiêm túc, mà hơn nữa chị cũng là một cựu học sinh Lê Hồng Phong như tôi, cũng có nền tảng kiến thức bên cạnh năng khiếu nghệ thuật.
- Bạn có theo dõi cuộc thi The Voice lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam?
- Bỏ qua tất cả những ồn ào không đáng có, tôi nghĩ chúng ta vẫn còn có rất nhiều tài năng. Đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về thế hệ trẻ của Việt Nam. Tôi thích đội của chị Thu Minh, các bạn ấy thật sự rất có chất. Tôi vẫn hay chia sẻ những dòng tâm sự trên facebook về cảm nhận chương trình, với tư cách của một khán giả theo dõi từ xa, như một du học sinh thực thụ dành cho nền giải trí nước nhà, chứ không phải một người trong nghề đâu. Những nhận xét có vẻ ngây ngô, ngơ ngáo, nhưng chân thật.
- Tôi thấy bạn hay viết status bình phẩm lối sống của một vài người mẫu. Bạn không sợ mếch lòng?
- Tôi không chỉ trích trực tiếp người nào, nên tôi không sợ họ giận. Mà tôi nói đâu có sai? Tôi không thích loại con gái sống dựa dẫm vào người khác và lấy đó làm niềm tự hào. Thời đại bình đẳng nam nữ, thì ai cũng phải cố gắng sống tốt, có trách nhiệm với chính bản thân mình. Tôi là kiểu người như vậy, làm ít xài ít, làm nhiều lắm lúc cũng xài ít.
- Vậy tự lập có khó không với một cô gái hoàn toàn có thể dựa vào người khác như bạn?
- Ngay từ khi đi làm có tiền, tôi đã biết thế nào là cách sống tự lập với bản thân và tròn nghĩa vụ với gia đình. Hai em của tôi vẫn còn bé, còn đi học, tôi không thể chất thêm gánh nặng lên vai bố mẹ dù họ rất sẵn lòng làm chuyện đó. Gần đây, tôi đã dọn hẳn ra sống riêng một mình, để mẹ có thể toàn tâm hơn với em, và tôi cũng hiểu thêm ý nghĩa thật sự của cuộc sống tự lập. Hẳn có rất nhiều khó khăn, nhiều lúc cũng nản lắm, nhưng tôi tin mình có thể làm được thì cứ cố thôi. Tại sao cứ ỷ lại khi mình còn có thể?
- Điều cuối cùng, cho tôi hỏi thật nhé, yêu xa có khổ không?
- Tôi vẫn còn có thể chịu đựng được và duy trì mối quan hệ này suốt 6, 7 năm qua thì rõ ràng là nó không khó khăn, cực khổ như mọi người vẫn nghĩ. Tôi học hành, làm việc, hơn nữa còn ngược múi giờ nữa chứ, đó có thể là điều thử thách duy nhất của cả hai. Nhưng tôi nghĩ, chỉ với bao nhiêu đó mà không vượt qua được, thì nghĩ gì đến chuyện ăn đời ở kiếp với nhau. Tạm thời, tôi thấy mình may mắn khi có anh ấy để cùng chia sẻ, an ủi cho nhau những lúc cần. Chưa biết về sau thế nào, nhưng ở thì hiện tại thì okie. (cười)