Sốt với những bản chế nhạc Việt
Nhạc chế và trào lưu chế nhạc đã được giới trẻ biết đến như một loại hình để giải trí nhằm tạo tiếng cười. Nội dung chế ca từ những ca khúc quen thuộc có khi chỉ là vô thưởng vô phạt, có khi nhằm lên án một hiện tượng xã hội.
Lời chế hài hước đã giúp những bản nhạc này lan truyền rộng rãi trong giới trẻ và được nhiều người hưởng ứng. Loại bỏ những sản phẩm biến tướng thì nhiều bản chế nhạc Việt đã gây sốt trong cộng đồng mạng trong một thời gian dài.
Chế nhạc phim
Mới đây nhất, hai anh chàng vui tính - diễn viên Duy Nam, học trò của NSND Lê Khanh, và Leg – chàng trai mix nhạc nổi tiếng trong giới trẻ đã cho rời ca khúc độc đáo Đời nghệ sĩ, chế từ nhạc phim Mỹ nhân kế.
Duy Nam và Leg sáng tác nhạc chế dựa theo nhạc phim Mỹ nhân kế
Ca khúc dựa trên nhạc phim Chờ người nơi ấy và sáng tạo thành nội dung về đời nghệ sỹ nghèo “suốt ngày chỉ cơm với rau”, qua đó khắc họa những nỗi buồn giấu kín phía sau sân khấu.
Thú vị không chỉ ở những lời chế hài hước “thầy mẹ có xuống thăm, đóng cho con tiền nhà một năm”, “một chai rượu nấu, vài quả nem chua, gói mỳ, ngồi cạnh bên nhau uống cho vơi sầu”… Đời nghệ sỹ còn tạo khác biệt bởi những đoạn rap, mix thú vị, nêu bật đời sống thực tế của những anh chàng ca sỹ nghèo.
Video Đời nghệ sĩ
Trước đó nổi tiếng có bản nhạc chế từ ca khúc Cơn đau cuối cùng của ca sỹ Lê Hiếu dựa theo nội dung phim Bụi đời Chợ Lớn do một cư dân mạng có nick Nhật Anh. Ngay sau khi công bố, ca khúc chế đã đạt được lượng người xem “khủng”.
Người sáng tác đã giới thiệu về hệ thống nhân vật của bộ phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu bằng những ngôn từ dí dỏm. “Dáng lom khom trên màn hình là Lâm “ngây thơ, dễ bị gái lừa, võ công khá cùi”… Tiếp đó một loạt nhân vật như Hương, Tài “nhớt”, Hùng đại ca…cũng được miêu tả hài hước. Bản tóm tắt nội dung bộ phim bằng một bản nhạc chế đã tạo sự thích thú và mới mẻ cho giới trẻ.
Sinh viên chế nhạc Việt
Một đặc điểm của những bản nhạc chế là cảm hứng được lấy từ những ca khúc quen thuộc hoặc gắn liền với ngôi sao đang gây sốt hay những hiện tượng xã hội được chú ý. Lượng sáng tác nhạc chế nhiều nhất chính là sinh viên – những người trẻ thích đùa và muốn tạo cái mới. Họ yêu thích một ca khúc và làm mới nó bằng chính ngôn từ “rất sinh viên”. Nội dung có khi chỉ là vô thưởng vô phạt nhưng đánh trúng tâm lý của những cô cậu ngồi trên ghế giảng đường.
Đời sinh viên trở thành cảm hứng sáng tác vô bờ cho nhạc chế
Từ những câu chuyện đi thi, học lại, tình yêu, chia tay, nhớ nhà… sinh viên đều lấy làm cảm hứng sáng tác nhạc chế. Những ca khúc gốc phần lớn thuộc về nhạc trẻ, của các ca sỹ trẻ với phần nhạc mang tính thị trường dễ nghe và dễ thay lời.
Cũng từ đó đã ra đời những bản nhạc chế “bất hủ” như Thi xong học lại (chế từ Yêu lại từ đầu), Suy nghĩ khi thi (chế từ Suy nghĩ trong anh), Chuyện tình chàng vứt giấy (chế từ Chỉ anh hiểu em), chế Cầu vồng khuyết 2013, Lắng nghe nước mắt thằng sinh viên (chế từ Chợt thấy em khóc)...
Video Suy nghĩ khi thi (chế từ Suy nghĩ trong anh)
Ngay từ tiêu đề của những bản nhạc chế đã thấy chất hài. Nghe xong ca từ càng thấy hài. Nhưng tiếng cười của những bản nhạc chế đó không chỉ để mua vui mà còn lay động sự đồng cảm của biết bao người.
Khi nghe bản nhạc chế Nỗi trăn trở của một sinh viên được sáng tác dựa trên bài Lắng nghe nước mắt của Mr.Siro, tác giả là anh chàng Nhật Anh đã khiến nhiều người phải ngậm ngùi vì vừa nhớ một thời sinh viên đói ăn, gầy vì học, stress vì thi nhưng cũng nhiều niềm vui khôn xiết.
Anh chàng Nhật Anh nổi tiếng với những ca khúc nhạc chế về sinh viên
Chế nhạc về hiện tượng xã hội
Những vấn đề bức xúc nổi cộm trong cuộc sống đương thời luôn là đề tài nóng hổi tạo ra những ca khúc nhạc chế thịnh hành. Mỗi khi xăng tăng giá, người ta lại thấy nô nức những bản nhạc chế. Có khi chế từ những ca khúc trữ tình, có khi chế từ nhạc thiếu nhi, vậy mà vẫn nói hết được nỗi niềm của bao người dân Việt Nam “đau” vì xăng tăng giá.
“Ngày xưa đó giá xăng có hơn 5 nghìn. Ngày xưa đó bão giá nào có đâu. Ngày xưa ta lĩnh lương tiêu pha bét nhè, bơm xăng sao phải xoắn đâu. Mà giờ đây xăng tăng gấp hơn 3 lần. Rồi lạm phát theo đó mà tiến lên. Ngày nay ta lĩnh lương tiêu nhanh phát phờ. Xăng tăng, mọi thứ tăng hết rồi…”. Đó là lời ca khúc nhạc chế Chuyện được sáng tác ngay trong thời kỳ bão giá vì xăng tăng. Cứ đôi ngày, người dân lại choáng váng vì tin xăng tăng giá.
Ca khúc nhạc chế Chuyện được sáng tác ngay trong thời kỳ bão giá vì xăng tăng
Video Chuyện
Nỗi niềm của những ngày ngập lụt, tắc đường… cũng được sáng tác thành những bài nhạc chế nghe thấy hài nhưng trong lòng khó mà cười được. Cười sao cho được khi mà qua bao nhiêu năm đường sá vẫn thế.
Những ngôi sao Việt bị “ném đá” vì scandal cũng được cư dân mạng đưa vào nhạc chế. Chuyện nam ca sỹ Yanbi đánh bạn gái Andrea ngay trên phố đã bị cộng đồng mạng chỉ trích. Ngay sau đó, bản nhạc chế mỉa mai mang tên Thu đấm, lấy phần nhạc của bài hit Thu cuối nổi tiếng do chính Yanbi thể hiện đã ra đời. Trước đó, việc người mẫu Ngọc Quyên khỏa thân lấy lý do vì môi trường cũng bị bêu trong một ca khúc nhạc chế.
Như một cái thú, việc sáng tác và hát nhạc chế ngày một phát triển rộng trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, theo thời gian thể loại này đôi khi bị bóp méo, biến tướng thành một loại hình văn hóa độc hại.