NSƯT Phạm Bằng phủ nhận việc "sờ soạng" trước bàn thờ
NSƯT Phạm Bằng khẳng định, cảnh phim hài ông sờ soạng cô vợ anh Lý Trưởng được diễn trong buồng bên cạnh chứ không diễn ngay trước ban thờ như lời của một người con của làng cổ Đường Lâm chia sẻ.
Mới đây, một người con của làng cổ Đường Lâm (ngoại thành Hà Nội) đã viết bài đăng trên báo chí về việc bàn thờ tổ tiên, nếp nhà cổ ở đây bị xâm hại. Trong đó anh nhắc tới việc các nhà làm phim với các diễn viên đã diễn những cảnh hài tục tĩu, không phù hợp ngay trước ban thờ ở trong nhà thờ họ của anh.
"Ông Phạm Bằng (diễn viên) sờ soạng, cởi yếm cô Kim Oanh (diễn viên), ông Quang Thắng chửi bới tục tĩu “tổ cha tổ mẹ”, lũ nọ lũ kia, ông Quốc Anh rầm rĩ “bắt nó ăn ba bát cứt chó”, dân làng ơi vào xem thằng này ăn hết ba bát cứt chó cấm rớt ra tí nào", tác giả bài viết ví dụ.
Tác giả bài viết trên cũng kể ra một câu chuyện là con gái nhà bác ruột anh là cô giáo và chưa có chồng nhưng phải tái mặt khi bị học trò trêu là nhà có "đường lên trời". Nguyên nhân là do trong tiểu phẩm hài Thầy Rởm (của đạo diễn Phạm Đông Hồng), diễn viên Quốc Anh trong vai một thày đồ, đã bắc thang lên để nhòm vào nhà một bà góa. Khi bị bà góa bắt gặp, để chữa ngượng, ông thầy đánh trống lảng bảo "đây có phải đường lên giời không".
Hình ảnh nhà các diễn viên hài được người con của Đường Lâm cung cấp cho báo chí khi lên tiếng về việc nhà thờ họ ở Đường Lâm bị xâm hại.
Những chia sẻ của tác giả bài viết thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Chúng tôi đã liên hệ với những nhà làm phim, diễn viên được nhắc tới trong đó để tìm hiểu những suy nghĩ của họ.
Diễn viên, NSƯT Phạm Bằng cho biết, clip được người con của làng cổ Đường Lâm đưa ra nằm trong một tiểu phẩm hài, trong đó ông vào vai Chánh Tổng. Cảnh ông sờ soạng cô vợ anh Lý Trưởng được diễn trong cái buồng bên cạnh chứ không diễn ngay trước ban thờ.
NSƯT Phạm Bằng cho rằng, những câu thoại sử dụng trong các tiểu phẩm hài phong cách dân gian là cách nói của người xưa chứ không có gì tục tĩu cả.
Diễn viên Phạm Bằng cho biết, cảnh quay của ông được thực hiện ở gian phòng bên cạnh chứ không phải trước ban thờ.
Phạm Đông Hồng là đạo diễn của hàng loạt những tiểu phẩm hài mang phong cách dân gian, trong đó có tiểu phẩm Thầy rởm được nhắc đến. Theo đạo diễn này, Đường Lâm vốn được mệnh danh là "Hollywood của Việt Nam". Tất cả các bộ phim nào dính tới đề tài nông thôn, nhà quê đều vào đó quay. Tuy nhiên, không phải mọi thứ vì thế mà được diễn ra một cách tùy tiện.
"Trước khi đoàn làm phim đến quay, họa sỹ và người thiết kế bối cảnh sẽ phải đi khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp. Khi chọn được rồi, họ sẽ liên hệ với chính quyền địa phương và người chủ nhà. Nếu chính quyền địa phương và chủ nhà đồng ý, đoàn làm phim mới được phép quay còn không đồng ý, chúng tôi không thể nào làm việc được.
Trong quá trình quay, vì đoàn làm phim có rất đông người nên có thể có những người sơ ý, đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi xảy ra điều đó thì đoàn làm phim sẽ phải xin lỗi chủ nhà. Chủ nhà có ý kiến gì, đoàn làm phim cũng sẽ tôn trọng và tiếp thu chứ không có chuyện tùy tiện, muốn làm gì thì làm", đạo diễn Phạm Đông Hồng nói.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng chỉ đạo các diễn viên hài diễn xuất trong tiểu phẩm "Giận mày tao ở với ai".
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng chia sẻ thêm: "Tôi làm phim dân gian rất nhiều và cũng là người có tuổi rồi nên luôn chú ý nhắc các thành viên đoàn làm phim phải có ý thức khi thực hiện những cảnh quay ở nhà người dân. Điều đầu tiên tôi luôn nhắc họ là khi ngồi không được quay lưng vào bàn thờ, không được nằm trên cái sập trước ban thờ. Nếu có cảnh nào phải sử dụng ban thờ mà được sự cho phép của chủ nhà, tôi cũng yêu cầu các nhân viên trong đoàn dỡ hết tranh ảnh của chủ nhà nếu không thì phải phủ vải đỏ lên".
Còn về đoạn "đường lên giời" trong tiểu phẩm Thầy rởm, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho rằng, có vẻ như nhiều người đang nhầm lẫn giữa câu chuyện được phản ánh trên phim ảnh và ngoài đời. Trong phim, luôn có những tiểu tiểu tiết này, chi tiết kia gần gũi với đời thực nhưng không phải vì thế mà vận vào cuộc sống thực.
"Phải rạch ròi ra cái gì là phim, cái gì là cuộc sống bên ngoài. Quan niệm như kia như thế nó nặng nề quá" - đạo diễn này nói.
Trích đoạn video Thầy rởm của đạo diễn Phạm Đông Hồng có sự tham gia của diễn viên Quốc Anh:
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay, anh cũng đã đi tới nhiều miền quê khác nhau trên khắp đất nước để làm phim nhưng chưa thấy dân ở đâu tốt và hiếu khách như dân ở làng cổ ở Đường Lâm: "Người dân ở Đường Lâm rất tốt và nhiệt tình. Khi chúng tôi tới quay, họ còn nấu cơm, lo nước uống cho chúng tôi".
Trước ý kiến cho rằng, các bộ phim hài dân gian mang ý nghĩa tục tĩu, phản cảm, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói: "Cái này tôi không bình luận. Tuy nhiên, với mỗi tiểu phẩm hài, các cơ sở sản xuất họ cũng phải tính tới chuyện làm sao để sản phẩm có thể ra mắt khán giả, nhất là khi ở Việt Nam còn có rất nhiều hệ thống kiểm duyệt. Đối với những vấn đề không vi phạm đạo đức, có lẽ chúng ta không nên nâng cao quan điểm quá".
Diễn viên Quốc Anh, người trực tiếp được nhắc tên trong bài viết kêu cứu về Đường Lâm cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Anh nói rằng: "Tôi là diễn viên nên trách nhiệm cao nhất là hoàn thành vai diễn này, còn phần địa điểm là phía nhà sản xuất lo".
"Khi tới quay ở nhà người dân, ngoài việc xin phép chủ nhà, chúng tôi bao giờ cũng thắp nhang xin phép các cụ rằng, chúng con mượn bối cảnh ở đây để phục vụ cho việc làm phim, mong các cụ cho phép", diễn viên Quốc Anh cho biết thêm.
Diễn viên Quốc Anh nói rằng, trước khi quay phim, các anh luôn xin phép chủ nhà và thắp hương khấn vái gia tiên của họ.
Nam diễn viên hài này cũng khẳng định, khi quay, cả đoàn ngồi hướng ra ngoài chứ không bao giờ quay lưng về phía bàn thờ. Từ diễn viên, đạo diễn tới các nhân viên trong đoàn làm phim đều có ý thức như thế.
"Các tiểu phẩm đó đều được xây dựng dựa trên những câu chuyện dân gian. Đó là cách nói của người xưa, là tiếng cười dân dã của người nông dân nên tục tĩu hay không thì cũng tùy vào cách nghĩ của từng người", Quốc Anh nói.
Còn với khía cạnh khán giả, diễn viên Quốc Anh cho rằng, họ xem trên phim thì chỉ biết đó là một cái nhà cổ giống như bao nhiêu ngôi nhà cổ khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên cũng không có gì đến mức quá nghiệm trọng.
Riêng với Diễn viên Quang Thắng anh không bình luận về những thông tin trên mà chỉ nói rằng, mỗi lần về Đường Lâm quay phim, anh được người dân ở đây rất quý.
____________________
Người dân ở Đường Lâm nghĩ gì về việc các đoàn làm phim đến diễn cảnh "sờ soạng", "tục tĩu" trong những ngôi nhà thờ của họ? Mời bạn đọc theo dõi bài tiếp theo vào 15h30 ngày 13/8.