Những hóa thân không son phấn để đời
Từng nếp nhăn trên trán, từng quầng thâm trên mắt và cả làn da nhăn nheo trên gương mặt đã có tuổi đã quá đủ để nhân vật trở nên thật và “đẹp” chứ không phải là lớp phấn son trang điểm.
Trong những ngày thực hiện phim Ma làng 2 (đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần), NSƯT Trần Hạnh vẫn rong ruổi theo đoàn làm phim để hóa thân thành một lão nông nghèo khó. Cả đời gắn bó với nghiệp diễn, NSƯT Trần Hạnh đóng khung với dạng nhân vật khốn khổ, bất hạnh, hiền lành, chân chất. Không biết có phải vì thế mà lúc nào lên phim, khán giả cũng nhìn thấy gương mặt mộc, không son phấn hiện rõ lên từng nếp nhăn, từng sợi râu, tóc bạc của ông hay không?
Cần gương mặt thật
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, những ai đã gặp Trần Hạnh đều thấy rằng trên phim và ngoài đời ông không khác nhau là mấy. Vẫn gương mặt hiền lành, khắc khổ, làn da nhăn nheo, râu tóc bạc lơ thơ… Và ông mang tất cả những đường nét thật trên gương mặt ấy lên phim. Cho đến nay, Trần Hạnh không thể nhớ hết mình đóng bao nhiêu phim, gắn bó với bao nhiêu vai diễn nhưng dường như vai nào của ông cũng là một gương mặt Trần Hạnh mộc và thật nhất.
NSƯT Trần Hạnh không son phấn trong một vai diễn. Ảnh: Trịnh Mão
Dù vai nào, Trần Hạnh cũng để lại ấn tượng sâu đậm ở lối diễn chân thật với gương mặt hiền lành, khắc khổ. “Vai diễn của ông ấy vừa già vừa nghèo thì cần gì tới hóa trang, cứ để mặt tự nhiên vậy cho khán giả thấy từng cơ mặt, từng nếp nhăn. Nhưng có lần ông được đóng vai người giàu có, nhà cao cửa rộng trong phim Vệt nắng cuối trời, Trần Hạnh cũng từ chối trang điểm vì theo ông, cái đẹp của nhân vật không phải nằm ở lớp phấn son bên ngoài” - đạo diễn Hữu Phần kể.
Cũng giống như Trần Hạnh, sinh thời, nghệ sĩ Văn Hiệp cũng không bao giờ nhờ đến bộ phận hóa trang mỗi khi xuất hiện trên màn ảnh. Vóc dáng bé nhỏ, làn da đen sạm, gương mặt chân chất, hài hước... đó là “tài sản” quý giá mà trời phú cho ông để ông làm nghề. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết: “Lúc còn tuổi tứ tuần, Văn Hiệp và Trần Hạnh đã không cần trang điểm khi đóng phim chứ không phải chờ tới tuổi già. Gương mặt của hai ông ấy đã quá đủ để khán giả khóc cười cùng nhân vật rồi, không có lớp phấn son nào có thể tô vẽ lên được!”.
Diễn viên Nguyễn Hậu từng nói rằng trong nghệ thuật, ông thích cái gì cũng tự nhiên nên khi hóa thân vào nhân vật, ông cũng muốn để gương mặt tự nhiên như vậy. Trước giờ diễn, người ta tất tả son phấn thì ông dành thời gian nghiên cứu lại kịch bản. Nguyễn Hậu bảo trong phim Thung lũng hoang vắng, ông để mặt mộc không trang điểm để hóa thân vào vai thầy giáo Tành, vậy mà vai diễn ấy trở thành “để đời”. Ông nói: “Khán giả sẽ cảm nhận được nội tâm nhân vật qua việc thể hiện từng cơ mặt, ánh mắt, từ đó sẽ thấy nhân vật đẹp. Hơn nữa, cả đời tôi ăn mặc giản dị đã quen, khoác lên người bộ đồ đẹp hay lớp phấn son thì tôi thấy không còn là mình nữa”.
Diễn viên Thành Lũy cũng nói rằng trong đời làm nghề của ông, những gương mặt của ông trên phim đều là những gương mặt thật nhất. “Tôi cảm thấy không thoải mái khi có một lớp phấn dày trên mặt, giống như che đi khuôn mặt thật của mình vậy” - Thành Lũy nói thêm.
Phim phải thật như đời
Mới đây, khán giả có dịp gặp lại gương mặt “hai lúa” quen thuộc của NSƯT Thanh Nam trong vai ông Hai Tuất (phim Sông dài). Thanh Nam vẫn chinh phục người xem ở lối diễn xuất tự nhiên và gương mặt dân dã, chân quê. Bao năm qua, chẳng cần những hình ảnh hào nhoáng qua lớp phấn son nhưng Thanh Nam đã ghi dấu ấn với hình ảnh một người nông dân Nam Bộ rất riêng không lẫn vào đâu được: giản dị trong bộ bà ba mộc mạc, gương mặt mộc tự nhiên, cách nói chuyện rề rà. “Ngoài đời như thế nào thì lên phim cứ để y như vậy, như thế nhân vật mới thật” - nghệ sĩ Thanh Nam nói.
Diễn viên Thành Lũy kể rằng mỗi khi ông chuẩn bị cho vai diễn, thường bị nhân viên hóa trang bắt kẻ chân mày, đánh phấn, xịt keo vuốt tóc hẳn hoi, kể cả vai ông già đạp xích lô nghèo khổ. “Thử hỏi có ông đạp xích lô nào ở ngoài đời mà da mặt hồng hào, tóc chải chuốt như vậy không? Tạo hình nhân vật ngược đời như vậy thì làm sao khán giả xúc động?” - Trần Lũy kể. Diễn viên Nguyễn Hậu cũng nhiều lần phải trao đổi lại với đạo diễn khi họ bắt ông phải kẻ mắt, kẻ mày, dặm phấn, thậm chí đánh son. Ông nói: “Cái đẹp của nhân vật trước hết phải phù hợp, gần gũi, chân thật; sau đó là cái đẹp toát ra từ diễn xuất nội tâm chứ không được tạo ra từ son phấn”. NSƯT Thanh Nam cho rằng: “Cũng tùy vào nhân vật mà có lúc phải cần trang điểm nhưng không phải lạm dụng, tô vẽ quá lên sẽ khiến nhân vật trở nên kệch cỡm, lố bịch, khôi hài”.
Nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Phim phải thật như đời, phải làm sao cho nhân vật hiện lên gần gũi, chân thật nhất. Phấn son không phải để làm nhân vật đẹp hơn, trẻ hơn ở mọi hoàn cảnh”.
Chăm chút thái quá Chẳng còn xa lạ gì khi xem phim thường thấy một cô gái nông thôn nhà nghèo mà mắt xanh, môi đỏ; ốm đau bệnh tật mà da mặt cứ hồng hào; buổi sáng thức giấc còn nằm trên giường nhưng gương mặt đã dày phấn son, lông mi cong vút; nhà có đám tang cũng son môi hồng, kẻ mắt đậm... Lỗi không chỉ ở đạo diễn sơ suất mà chủ yếu là do lớp diễn viên trẻ quá chăm chút vào ngoại hình vì sợ lên hình không đẹp. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bức xúc: “Nhiều diễn viên trẻ sợ lên hình xấu, già nên luôn yêu cầu trang điểm đẹp mọi lúc mọi nơi. Dù đạo diễn đã không cho phép nhưng cũng lén lút tô son, đánh phấn trước mỗi phân cảnh. Sự thiếu hiểu biết đó không chỉ giết chết nhân vật mà về lâu về dài, những người trẻ sẽ không bao giờ có được một vai diễn ghi dấu trong lòng khán giả”. |