Nhạc sĩ Nguyễn Cường tự sự về tuổi thơ
"Tôi có một tuổi thơ khá êm đềm và sung sướng hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa....", ông kể lại.
Từng đồ đạc quý giá trong nhà phải lần lượt đội nón ra đi. Lần thì bán cái quạt trần, đàn piano, khi là chiếc bút máy Packer… Dần dần, đến món đồ kỷ niệm của bố tặng mẹ là chiếc đồng hồ Omega bằng vàng cũng phải bán đi... Mỗi lần như thế, mẹ lại cải thiện bữa ăn “tươi” cho cả nhà.
Nhạc sỹ Nguyễn Cường (ngày còn trai trẻ) bên người mẹ yêu quý.
Tôi có một tuổi thơ khá êm đềm và sung sướng hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Ngày đó, bố tôi là phi công cho Hãng hàng không Air France nên cả gia đình được sống theo chế độ của Pháp. Căn nhà rộng tới 450m2 trên phố Phan Chu Trinh chia làm 7 phòng với 7 nhân khẩu và một người quản gia. Cuộc sống khá giả tới mức, bố tôi cứ một năm là thay chiếc xe ô tô đời mới của Pháp. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, năm 1953, khi tôi mới 10 tuổi, bố tôi bị tử nạn trên một chuyến bay dân dụng vì đâm vào núi ở Sơn Trà (Đà Nẵng). Sự ra đi đột ngột của bố tôi đã kéo theo nhiều biến động về cuộc sống của mẹ và 5 anh em chúng tôi, đến mức nhiều khi cũng không thể tưởng tượng được.
Với những gì dành dụm được trong nhà, cùng số tiền bồi thường của hãng Air France khá lớn, cộng với 45 đồng tiền lương làm nhân viên mậu dịch ở Hàng Ngang nữa thì cuộc sống của mấy mẹ con tôi vẫn cáng đáng được. Nhưng sau năm 1954, cả nhà tôi chuyển đến căn nhà chật hẹp trên phố Hàng Bạc. Tôi bị cắt học bổng ở trường nhạc và thay vì học khoa sáng tác thì tôi phải học khoa violoncelle để tìm cách đi “đường vòng”. Có một kỷ niệm về “món ăn thời bao cấp” khá hài hước thế này: Khi tôi làm việc ở Trường Mỏ địa chất, tiêu chuẩn cho suất ăn của mỗi người là cơm, canh và một miếng thịt “to” chừng một ngón tay. Hôm nào tôi và nhạc sĩ Đặng Nhất Mai cũng đi ăn cùng nhau, nhưng có một hôm, họ cho hai đứa có một miếng thịt, chỉ vì cái miếng thịt hôm đó trót to hơn một đốt ngón tay. Tư duy về miếng ăn ngày đó kinh khủng như thế đấy!
Ngày bố tôi còn sống, mẹ hay làm món bún thang cho cả nhà ăn. Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có nhiều đời ở Hà Nội nên nấu ăn rất khéo. Lấy chồng xong, bà ở nhà chăm con chăm chồng nên tuổi thơ của 5 anh em chúng tôi được chăm chút từng ly, từng tí. Nhưng kể từ khi bố ra đi, cộng với biến cố của một thời kỳ nhiều giông bão của đất nước vừa qua chiến tranh, món bún thang đúng chất của người Hà Nội chỉ còn trong kỷ niệm. Đến nước mắm cũng là món xa xỉ thì nói gì đến những thứ ngon hơn. Chúng tôi phải hòa muối ra để làm nước chấm. Bữa ăn thường xuyên có món rau luộc và bát lạc rang cho cả nhà. Được cái, tuy có khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn là gia đình Hà Nội nên tuổi thơ của 5 anh em chúng tôi không phải sống trong cảnh sơ tán, về nông thôn mò cua bắt ốc... Thêm nữa, bà quản gia ở với chúng tôi từ năm 20 tuổi cũng không nỡ rời đi khi nhà túng quẫn, mà tình nguyện ở lại để chăm sóc con cái cho mẹ tôi đi làm. Sau này, bà vẫn ở với tôi, hai người phụ nữ thiếu chồng vui sống tuổi già với nhau cho đến khi mới mất gần đây.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh TH
Ngày nào cũng ăn rau luộc với lạc, có người mẹ nào mà không xót xa, dù mẹ tôi còn phải cáng đáng nhiều chuyện vất vả hơn chúng tôi gấp trăm lần. Nhưng kể cả ăn uống kham khổ như thế thì một người vợ góa chồng không thể nuôi được 5 đứa con chỉ nhờ vào đồng lương còm. Vậy là từng đồ đạc quý giá trong nhà phải lần lượt đội nón ra đi. Lần thì bán cái quạt trần, đàn piano, khi là chiếc bút máy Packer… Dần dần, đến món đồ kỷ niệm của bố tặng mẹ là chiếc đồng hồ Omega bằng vàng cũng phải bán đi... Mỗi lần như thế, mẹ lại cải thiện bữa ăn “tươi” cho cả nhà. Món bún thang tuy không được đầy đủ vị như ngày xưa nhưng vẫn là món mà tôi thấy ngon nhất, nhớ nhất vì đó không chỉ là ăn nữa, mà là thưởng thức trong đó bao nhiêu tần tảo, bao nhiêu vui buồn của mẹ…
Lớn lên trong một thời kỳ đầy biến động như thế, nhiều người cứ nghĩ tôi phải bị tổn thương nhiều lắm, nhưng ngược lại, tôi thấy hay hay. Ngay từ khi còn sống trong những năm tháng ấy, tôi cũng chưa một lời kêu than. Có lẽ là do khi người ta trẻ, sức chịu đựng cũng mạnh mẽ hơn. Thêm nữa, tôi luôn nuôi dưỡng trong mình ước mơ lớn lao về âm nhạc nên tinh thần lạc quan lắm. Âm nhạc của tôi vì thế mà luôn ngập tràn niềm tin yêu chứ không tồn tại sự bi lụy. Ngay cả khi tôi được đề nghị đi học ở Học viện Tchaikovsky (Nga) nhưng cũng vì “con nhà tư sản” mà tôi đã không nhận được đa số tán thành, tôi cũng không thấy quá buồn lòng! Nếu đi, có lẽ cuộc đời tôi sẽ có nhiều đổi khác, nhưng chắc chắn tôi sẽ không có những tác phẩm như bây giờ. Suy cho cùng, cuộc đời mỗi người ai cũng có những số phận và nỗi buồn riêng. Có những người có trong tay hàng tỷ đôla họ cũng buồn lắm chứ. Cho nên, tôi hiểu và trân trọng những nỗi buồn vì đó chính là tài sản, là giá trị hun đúc nên tâm hồn, sự thành công của mỗi người.