Nghệ sĩ cải lương quá nghèo và nhậu nhiều!
Cuối tháng 8 vừa qua, nghệ sĩ Bảo Thanh – SN 1956, Trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Long An (NTCLLA) – đã bất ngờ ngã quỵ và mất sau đó hơn 1 ngày.
Giới nghệ sĩ cải lương miền Tây đã giật mình khi từ cái chết của Bảo Thanh họ mới nhận ra nhiều điều mà trước đây không để ý đến, đó là: Nghệ sĩ cải lương quá nghèo và nhậu quá nhiều!
Nghệ sĩ Bảo Thanh lúc còn đóng kép chính.
Trưởng đoàn cải lương không có nhà
Nói cho chính xác, vợ chồng Bảo Thanh cũng có 1 chỗ ở gọi là nhà trong con hẻm sâu, nhà bề ngang chỉ hơn 2 mét, dài độ 10 mét, mái nhà thấp nóng... Khi anh trở thành Trưởng đoàn NTCLLA, tỉnh Long An có hứa cấp nhà (mua trả chậm) cho anh, nhưng chưa kịp thực hiện thì anh đã mất. Vì vậy mà đám tang anh không thể tổ chức tại nhà, phải mượn CLB Hưu trí TP.Tân An, dù anh chưa phải là cán bộ về hưu.
Bảo Thanh thành danh trong giai đoạn cải lương Long An hưng thịnh nhất (thập niên 1980). Thời ấy, những vở diễn do Bảo Thanh đóng chính luôn “cháy rạp”, tiền bán vé phải chứa bằng bao tải. Ấy vậy mà Bảo Thanh vẫn nghèo.
Cả đời anh không có xe gắn máy, khi trở thành Trưởng đoàn NTCLLA cách đây 5 năm anh mới được cơ quan “hóa giá” cho chiếc xe cà tàng giá 1 triệu đồng. Anh cũng chưa có tiền để sang tên, cho tới khi anh qua đời chiếc xe vẫn mang biển số xanh.
Nhậu cho tới lúc chết
Nhiều người hâm mộ đến phúng viếng Bảo Thanh. Ảnh: K.Q
Bảo Thanh ngã bệnh lúc 4 giờ chiều ngày 25.8 và mất sau đó hơn 1 ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy gan của anh đã hư hoàn toàn do bị “xơ”. Lẽ ra anh phải bị đau đớn trước đó, còn bụng thì trương lên. Nhưng có lẽ do các tiệc nhậu nối tiếp nhau mà anh không phát hiện ra các triệu chứng bệnh.
Buổi trưa hôm ấy người ta còn thấy anh nhậu ở quán Yesterday (TP.Tân An). Ngày hôm trước anh còn “hạ gục” nhiều cán bộ ở tỉnh Long An trong 1 tiệc nhậu “nổ trời”.
Trong giới nghệ sĩ Long An ai cũng “nể” khả năng nhậu và tửu lượng của Bảo Thanh, nhất là thời gian gần đây anh uống rượu gần như không biết say (có người nói do gan của anh đã bị hư hết nên không “áp phê” với rượu). Những người gần gũi anh cho biết, ít có ngày nào anh không có độ, có ngày 2 – 3 độ. Anh là người ăn nhậu nhiệt tình, không phân biệt hèn sang, ít khi từ chối lời mời nhậu của mọi người.
Trong khi anh lại là nghệ sĩ có tên tuổi, giọng hát vẫn còn hay, thường xuyên cùng Đoàn NTCLLA đi diễn phục vùng sâu, vùng xa. Cán bộ xã, huyện, các chú các anh nông dân quý anh nên mời nhậu liên tục... Hậu quả là lá gan của anh bị tàn phá mà anh không hề hay biết vì anh không bao giờ đi khám tổng quát.
Cách đây hơn 10 năm, Trưởng đoàn NTCLLA lúc đó cũng chết vì bệnh xơ gan. Có lẽ vì “cái huông” đó mà hiện nay chưa ai dám “ngồi” vào chiếc ghế bỏ trống này, ông Phó GĐ Sở VHTTDL Long An phải làm thế công việc của Trưởng đoàn NTCLLA để “từ từ tính”.
Tấm lòng dành cho nghệ sĩ
NSƯT Đoàn Dự kể lại câu chuyện: Ở một bữa tiệc có phục vụ ca hát cải lương, khi các nữ nghệ sĩ lên hát, nhiều khán giả tặng “bông” kèm theo tiền. Khi nghệ sĩ Bảo Thanh lên hát, mọi người vỗ tay tán thưởng càng nhiều hơn, để rồi khi anh kết thúc bài hát, “bông” tặng anh là 3 – 4 ly rượu, không kèm theo tiền. Tình cảm của bạn bè, khán giả dành cho anh quá lớn, phải thể hiện bằng rượu mới xứng, chứ ít người để ý là anh quá nghèo.
Ít khi ở TP.Tân An có đám tang lớn như đám tang Bảo Thanh. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đều đến phúng viếng. Các huyện thị, ban ngành, nhiều xã trong tỉnh Long An đều cử đoàn đến viếng anh. Rất nhiều bạn bè, người hâm mộ đến với anh trong 3 ngày tang, nhiều lúc không đủ chỗ ngồi. Tràng hoa phúng viếng anh không hề thua kém bất cứ đám tang nào ở TP.Tân An...
Nếu trước đây tình cảm của mọi người dành cho anh không quy hết ra rượu, mà bằng nhiều hình thức khác, có lẽ anh không quá nghèo như thế và không bệnh chết sớm như thế. Nếu tình cảm của mọi người không thể hiện bằng những tràng hoa tang đủ màu sắc, mà bằng cách khác, có lẽ vợ con anh còn lại sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng, đời nghệ sĩ cải lương vốn vậy, khi sống phải giao du ăn nhậu, khi chết phải có thật nhiều hoa, và thường phải nghèo!