Mẹ Thanh Lam kể về "cú vấp" đầu đời của con
Bất cứ ai, dù là chính khách nổi tiếng, nhà khoa học thành danh hay nghệ sỹ tài hoa… đều có bên mình và sau mình một “chốn đi về” là gia đình, bố mẹ. Đằng sau ánh hào quang chói lọi của vinh quang hay khó khăn, tủi nhục của thăng trầm cuộc sống, những nghệ sỹ luôn có những người cha, người mẹ dõi theo và buồn vui với từng bước đi của họ.
Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều làm nghệ thuật, Thanh Lam lúc nhỏ không chỉ có khả năng ca hát mà còn nổi tiếng là đứa con chăm chỉ. Nhưng vì “cái tội” xinh đẹp mà chị trở nên xao nhãng học hành, dẫn đến việc làm mẹ ngoài ý muốn khi mới 19 tuổi. Vượt lên dư luận, NSƯT Thanh Hương - mẹ Thanh Lam đã quyết định sẽ nuôi cháu thay con.
Những tháng năm cực nhọc
NSƯT Thanh Hương - mẹ ca sĩ Thanh Lam tiếp chúng tôi tại nhà riêng. Bà bảo, công việc chăm sóc nhạc sĩ Thuận Yến bị bệnh và trông cháu nội khiến bà không còn thời gian để trò chuyện, giao du bạn bè, song vì sự yêu mến với Báo GĐ&XH bấy lâu nay, bà nhờ người trông cháu để có thời gian tiếp chuyện.
Thỉnh thoảng, bà dừng câu chuyện để lau nước mũi cho chồng. “Cô xem đấy, ông ấy mắc bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ) có còn biết gì nữa đâu. Đến những người thân nhất là vợ, con cái cũng không nhận ra. Chăm còn khổ hơn con mọn vì trẻ con còn dễ chăm sóc, còn biết đòi cái nọ, chê cái kia...
Căng nhất là khoản vệ sinh cá nhân vì người ông ấy lúc nào cũng cứng đơ, di chuyển khó mà mình hướng dẫn cũng khó. Một hai năm nay thì ông ấy có khỏe hơn, da dẻ hồng hào hơn. Tất cả là nhờ Lam đấy.
Vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến (Ảnh do gia đình cung cấp)
Hễ nghe nói ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi là đưa về bắt bệnh cho bố. Và vì tình yêu với nhạc Thuận Yến, họ cũng nỗ lực chữa trị rất nhiệt tình. Từ năm ngoái đến nay, có vẻ “gặp thầy gặp thuốc” nên ông ấy ăn uống được hơn nên tôi cũng thấy được an ủi phần nào”.
Rồi NSƯT Thanh Hương ôn lại những kỷ niệm xưa trong sự xúc động, nghẹn ngào. “Nghĩ mà thương ông ấy vô cùng. Cả một đời nghệ sĩ chỉ chuyên tâm vào sáng tác, có biết gì đến việc trong nhà hôm nay còn bao nhiêu gạo, con cái no hay đói đâu. Tất cả đều một tay tôi lo lắng.
Đi biểu diễn nhiều nên cũng có đồng ra đồng vào, chứ ông ấy sáng tác, có khi được tiền, có khi người ta nợ hoặc không trả. Hãn hữu lắm mới đưa cho vợ được ít tiền. Được cái, có được đồng nào là đưa hết cho vợ, chứ ông có giữ thì cũng chả biết tiêu vào việc gì. Nhưng nếu vì nghèo, vì vất vả mà bắt chồng phải làm việc khác để kiếm tiền thì không được. Như thế thì làm sao ông ấy có những tác phẩm để đời được”.
“Bí mật để đời” trong gia đình nghệ sỹ tài danh
Ngừng một lúc lau mắt, NSƯT Thanh Hương bảo rằng có một “bí mật” mà đến bây giờ, Lam và Trí Minh không biết. Hôm nào có ba ở nhà là cơm nước đầy đủ lắm. Nhưng khi ba đi vắng là tôi nấu cháo cho mình và hai con ăn. Đến nỗi, có lần ông ấy đi công tác lâu, phải ăn cháo nhiều quá, cái Lam thì nó không kêu ca gì nhưng thằng Trí Minh thì nhất quyết “đòi” ốm.
Tôi đành phải ra chợ mua bún và thịt về nấu cho nó ăn. Thế là nó không ốm nữa! Cho nên, những năm tháng chật vật ấy, mọi người khổ chứ ông nhà tôi không phải khổ. Ngay cả khi bây giờ ông ấy bệnh như thế nhưng vẫn rất sướng vì được con cái chăm sóc tận tình, giữ hiếu lễ với ba mẹ đến nơi đến chốn. Những loại thuốc bổ, thuốc uống đắt tiền nhất đều được hai con tìm mua.
Con dâu tôi là người Đan Mạch, lúc đầu cũng không biết gì thì bây giờ chăm sóc bố chồng như con gái trong nhà vậy”.
Chia sẻ nỗi niềm với NSƯT Thanh Hương ở tuổi này vẫn chưa hết lo nghĩ, hết chăm chồng, nuôi con giờ lại chăm cả cháu cả ông. Bà thở dài nói: Con cái có cách nghĩ của con cái, mình làm cha mẹ nhưng không thể hướng con cái đi theo ý mình được đâu. Như Lam đấy, lúc đầu tôi hướng cho nó học đàn tam thập lục như mẹ, cốt là để có một cuộc sống bình yên. Học được vài năm thì toàn người mời đi hát. Thế là nó bỏ học đàn dân tộc để sang học thanh nhạc. Và đúng như tôi nghĩ, nghề biểu diễn đã mang lại sự cực nhọc và cả nhiều nỗi đa đoan cho Lam”.
Con trẻ sa chân, mẹ thành chỗ dựa
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến có hai con đều thành danh là ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Trí Minh. Hai chị em nhưng tính cách khác hẳn nhau.
NSƯT Thanh Hương kể: Lúc nhỏ, Lam rất chăm chỉ học hành, còn Trí Minh thì lúc trẻ không được như chị. “Cú vấp” đầu đời của con với tôi đó là khi cô giáo dạy piano của Trí Minh thông báo, học kỳ I con được 7 điểm mà theo quy định, với điểm số này là sẽ bị đuổi học.
Tôi dằn vặt, nhưng không phải vì điểm số của con mà là vì mình mải mê công việc đến nỗi con học hành ra sao cũng không biết. Từ hôm đó, tôi bỏ bớt các sô diễn để ở nhà dạy con học. Khổ nỗi, tôi là nghệ sĩ đàn dân tộc, giờ dạy con học piano thì khác nào “vịt nghe sấm”.
Vậy là tôi nghĩ ra cách múa, hát cho con xem để có cảm xúc chơi piano. Rồi thủ thỉ kể chuyện, vì sao nhà mình nghèo thế, có lúc ăn không đủ mà vẫn có tiền mua được cây đàn quý tộc như thế? Đó là nhờ vào những lần đi diễn, chơi đàn đến đau cả khớp tay của mẹ.
Nhan sắc trời cho đã khiến Thanh Lam phải trải qua cú vấp nặng nề ở tuổi 19
Mua được đàn rồi phải đi nhờ cậy người đứng đầu hãng hàng không lúc bấy giờ để xin được chở chiếc đàn từ TP HCM ra… Vậy là học kỳ sau, Trí Minh được 10 điểm. Sau này Trí Minh chuyển sang học sáng tác, tôi nhớ có hôm trời mưa to lắm, bảo con nghỉ ở nhà thì nó nói: “Bỏ tiền ra mua chữ mà nghỉ học thì tiếc lắm”. Cũng từ câu nói này, tôi biết không còn phải lo lắng vì con nữa.
Với Lam thì khác hơn, vì bản tính của Lam vốn mạnh mẽ, cá tính và nổi loạn. Dạy dỗ Lam không thể quát tháo, yêu cầu theo kiểu ép buộc được mà phải khéo léo, nhẹ nhàng như “mưa dầm thấm lâu”.
Lam có nghe lời hay không cũng không bao giờ nói cho ba mẹ biết mà yên tâm cả, cứ thể hiện bằng việc làm thôi. Vẫn biết trong nhà có con gái xinh giống như bom nổ chậm, từ một đứa trẻ rất chăm chỉ làm việc nhà và học hành tử tế, Lam bắt đầu xao nhãng vì yêu đương. Nhiều lúc nghĩ, có lẽ do lúc trẻ tôi cứ mải mê đi diễn, ít khi để ý đến con mới thế. Nhưng nói là vậy, hồi đó cả nước đều như thế chứ đâu có riêng gì mình.
Lầm lỡ đầu đời của Thanh Lam đã được NSƯT Thanh Hương chấp nhận và hóa giải một cách êm nhẹ.
Sau này khi Lam có gia đình riêng nhưng Hồng Vân chỉ thích sống cùng ông bà ngoại. “Con bé cũng mạnh mẽ như mẹ Thanh Lam vậy, bà hướng cho học piano ở Nhạc viện thì nó học lý luận sáng tác. Học xong hướng cho nó đi làm để có cuộc sống bình thường thì nó lại sang Australia học về thiết kế nội thất.
Thành ra, bây giờ tôi chẳng bao giờ hướng cho đứa nào cả, cứ để cho chúng phát triển tự nhiên thôi. Tôi hướng cho con, nhưng nó không nghe thì tôi không áp đặt. Chính vì vậy, dù có bị coi là “nổi loạn” nhưng Lam chưa bao giờ thôi quan tâm, chăm sóc cha mẹ, con cái trong nhà cả"- NSƯT Thanh Hương nói.
NSƯT Thanh Hương cho rằng, những câu chuyện đã qua bà không coi nó là “biến cố” mà đó là những kỷ niệm đáng yêu và đáng nhớ. Nhờ đó mà dẫu cho Thanh Lam có bản năng đến đâu, nổi loạn đến cỡ nào cũng không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của truyền thống gia đình.
"Cha mẹ nuôi con chứ làm sao giữ được con. Đến khi Lam yêu và có bầu, ông nhà tôi thì ngỡ ngàng và không chấp nhận chuyện “tày trời” đó, nhưng tôi không trách con mà an ủi, vỗ về để con thấy rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, gia đình vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc nhất. (NSƯT Thanh Hương, mẹ ca sĩ Thanh Lam) |