Lại Văn Sâm: Đôi lúc gia vị đắng lắm

Vì quá bận rộn, câu chuyện của chúng tôi đành tranh thủ thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi nhưng không vì thế mà sự nhiệt tình của vị Trưởng ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế bị giảm bớt.

Dường như có quá nhiều nỗi niềm anh muốn trải lòng mình về công việc, về sự cạnh tranh giữa các chương trình giải trí…

Sự cạnh tranh không lành mạnh

Lại Văn Sâm: Đôi lúc gia vị  đắng lắm - 1

- Các chương trình giải trí xã hội hóa đang mọc lên như nấm khiến chương trình do Ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế tự sản xuất mất dần đi sức hút cho dù ê kíp thực hiện luôn cố gắng đổi mới. Anh nghĩ sao về điều này?

- Mất sức hút là một lẽ, thứ hai đó là một sự cạnh tranh không lành mạnh. Tôi đã đề xuất với Tổng Giám đốc Đài THVN cho chúng tôi cơ chế hoạt động, coi chúng tôi như những công ty truyền thông bên ngoài, đầu tư cho họ bao nhiêu thì cho chúng tôi bấy nhiêu và dĩ nhiên, họ cam kết thế nào chúng tôi cam kết như thế. Tổng Giám đốc đã đồng ý chủ trương nhưng toàn bộ chương trình tôi muốn mua họ đã mua hết rồi. Trong tay các công ty truyền thông đã có tất cả các chương trình khủng nhất. Còn lại những cái lởm khởm nếu chúng tôi mua sẽ chết bởi vì nó không “hot”. Thế nên, bây giờ chúng tôi phải cố gắng "đẻ" ra những cái không ‘hot’ bằng nhưng đi vào lĩnh vực khác, có giá trị khác và nếu chỉ đo bằng tiền thì không thể nào đọ được với những format đó.

Tôi đang cố gắng để “Cà phê sáng với VTV3” sẽ khai thác vùng đất mới, khung giờ mới và tạo dựng thành thương hiệu của VTV3. Năm 2014, kì vọng nó thành một morning show lớn như các đài lớn trên thế giới đã có, sẽ kéo dài tối thiểu 2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và là một TV show chứ không phải là một bản tin hay một tạp chí.

- Sự cạnh tranh không lành mạnh ấy có khiến anh em trong Ban nản chí?

- Đúng là có nhiều cái nản. Bởi vì ý tưởng đưa ra nhưng khi thực hiện lại gặp khó khăn về kinh phí. Tôi ví dụ, khi được giao làm chương trình “Đón Tết cùng VTV” phát song đêm Giao thừa, trong đầu tôi nghĩ ngay đến việc tận dụng sân khấu của The Voice. Vì sân khấu rất sang trọng, đẹp, kinh phí tới 1,8 tỉ. Bản thân tôi cũng không muốn bỏ ra 1,8 tỉ để làm mà có thể tận dụng, thuê và làm mới sân khấu theo ý mình. Nản nữa là chúng tôi làm có khi tốt hơn nhưng không được làm trong điều kiện như người ta. Một chương trình chúng tôi làm chi phí không quá 200 triệu. Trong khi đó, các công ty bên ngoài làm quy mô lớn, sẵn sàng chi hơn một tỉ cho sân khấu một chương trình. Họ sẵn sàng chi 10 – 15 triệu để mời một ngôi sao, trong khi chúng tôi chỉ loay hoay khoảng từ 3 – 5 triệu thì làm sao mời được.

Qua rồi cái thời được lên ti vi đã là quý lắm, giờ các ngôi sao không quan trọng chuyện đó bởi chưa cần truyền hình họ đã có lượng fan của mình. Bây giờ là thời nhờ uy tín của chương trình, nhưng uy tín được tạo dựng bởi ý tưởng và sự thực hiện được ý tưởng ấy. Mà không có tiền không thực hiện nổi ý tưởng. Rồi tiền trả công cho ê kíp làm cũng chênh lệch lớn. Định mức quay phim cho ban chỉ có mấy trăm nghìn, trong khi quay phim cho bên ngoài được hơn 1 triệu một chương trình. Sự cạnh tranh không lành mạnh ấy chắc chắn ảnh hưởng đến anh em, làm họ tủi thân.

- Rõ ràng, để có “cuộc cách mạng” làm bật các chương trình tự sản xuất trên kênh VTV3 là điều không hề đơn giản?

- Đúng vậy. Nói gì thì nói, mình không nên ngộ nhận có thể làm được mọi thứ. Tài năng cũng chỉ có hạn thôi, trong lĩnh vực truyền hình mình còn kém lắm. Tư duy của người Việt vẫn bị nhiều cái trói buộc, từ việc cơm áo gạo tiền đến những trói buộc trong phát huy tính sáng tạo. Thế giới có những tác phẩm điện ảnh kinh điển còn Việt Nam làm sao có được. Format truyền hình cũng vậy, đôi khi xem xong tôi nghĩ: “Ơ, cái này mình có thể làm được, tại sao mình không làm?”. Cái chính là mình không nghĩ ra.

The Voice thực ra là một cuộc thi ca nhạc nhưng tại sao họ nghĩ ra vòng giấu mặt mà mình lại không, cứ phải tiêu chí này, tiêu chí kia, hội đồng nghệ thuật này, hội đồng nghệ thuật kia. Vẫn biết là các chương trình truyền hình có nguyên tắc nhất định như 7 nốt nhạc: đồ rê mi pha son si, nhưng sáng tác thế nào ra bản nhạc hay lại là chuyện khác. Tất cả những điều đó tưởng đơn giản nhưng nếu như anh không có tài năng, trí tuệ thì không bao giờ nghĩ ra được.

Tôi đã cố gắng loay hoay, có thời cũng tự ái nghĩ tại sao họ làm được mà mình không làm được, để cuối cùng đến giờ, tôi phải chấp nhận mình chưa có đủ tài để làm như người ta. Mình vẫn cố gắng nhưng những cái mình hài lòng chỉ nằm trong một cái ao làng.

- Từ khi xuất hiện các cuộc thi liên quan đến việc bình chọn qua tin nhắn, khán giả luôn thắc mắc về sự minh bạch. Điều này có khiến anh mệt mỏi và khó giải thích?

- Tôi mệt mỏi vì thấy người Việt Nam đa nghi quá. Động cái gì cũng nghi dàn xếp hay cố tình thế này, thế kia. Hình như dưới con mắt của người Việt Nam, con người không được phép mắc lỗi. Tôi không thích thái độ một số người viết báo như họ được quyền phán xét. Họ không trong sáng trong suy nghĩ. Tại sao không tin sự cố ấy diễn ra ngoài ý muốn và đó là tai nạn? Thực ra mọi cuộc thi đều là mở, chúng ta tạo điều kiện và cơ hội cho những người có tài năng. Nếu họ chưa có tài năng thực sự thì đó cũng là thực tế, làm sao có thể ép được. Đó chỉ là chương trình truyền hình giải trí, để khán giả vui, khuây khỏa, không phải là cuộc thi mang tính hàn lâm, cấp nhà nước. Nếu như cảm thấy xem chương trình ấy ức chế thì có thể xem kênh khác, chứ không nên miễn cưỡng ngồi để rồi đưa ra những nhận xét không mang tính xây dựng.

Công việc quản lý tẻ lắm!

- “Ai là triệu phú” đã lên sóng được 8 năm. Là người dẫn chương trình từ đầu đến cuối, có lúc nào anh muốn thay đổi?

- Khi “Ai là triệu phú” được 3 năm, tôi đã đề nghị thay đổi MC và cam kết mọi việc vẫn ổn nhưng phía đối tác không đồng ý. Năm ngoái, tôi định thay nhưng lại chuẩn bị thay nhãn tài trợ mới. Họ nói tôi không làm thì không thể kêu tài trợ được nên tôi vẫn phải theo. Nhưng thực tế, tôi nghĩ, đến lúc phải thay người dẫn và cả tần suất của chương trình. Tôi muốn một năm chỉ chơi một mùa, sang năm chơi lại thì thú vị hơn. Trong gameshow, người chơi có vai trò quyết định. Người chơi thú vị thì chương trình sẽ rất hay.

Lại Văn Sâm: Đôi lúc gia vị  đắng lắm - 2

Nhà báo Lại Văn Sâm trong chương trình "Ai là triệu phú"

- Ít Trưởng ban nào lại có duyên làm MC như anh. Anh thấy làm nghề và làm quản lý, cái nào khó hơn?

- Tôi không thích làm lãnh đạo mà thích làm nghề hơn. Không phải vì khó mà công việc quản lý tẻ lắm. Họp hành, ký tá rồi những công việc mình bị trói buộc. Đấy không phải sở trường của tôi. Cái gì không phải sở trường thì mình cảm thấy khó. Đối với công việc quản lý, tôi không thể làm trái nguyên tắc được. Còn đối với làm nghề, tôi có thể thay đổi liên tục được.

- Dẫn chương trình cũng là một thứ gia vị thú vị bổ sung cho công việc quản lý tẻ nhạt của anh?

- Có 2 giá trị khi tôi làm quản lý mà vẫn tiếp tục làm nghề. Đó là cuộc sống đỡ tẻ, đỡ bị trói xung quanh 4 bức tường, tôi được đi ra hiện trường, đi công tác. Thứ hai, nó phục vụ cho công việc quản lý của tôi. Tôi có thể tự tin nói rằng tôi là người hiểu nhân viên của mình kỹ nhất, biết năng lực của họ tốt nhất bởi vì tôi trực tiếp làm với họ chứ không chỉ nghe qua người này, người kia. Bởi thực tế đến hiện trường rất khác so với ngồi một chỗ để nghe.

- Nhưng đôi lúc gia vị ấy cũng đắng lắm, khiến anh từng có lần gặp hạn. Tại sao anh vẫn kiên trì?

- Người nào càng làm nhiều thì càng mắc lỗi nhiều. Tôi nói thật, chỉ có bức tượng mới không mắc lỗi nhưng vẫn chưa hoàn hảo được, vẫn có chỗ này xấu, chỗ kia đẹp. Tôi không nghĩ là có ai đó bằng cách này cách khác có thể tránh được hạn chế về lỗi. Đã là cuộc sống, con người nên biết cười và biết khóc. Phải có lúc vui lúc buồn như trời có lúc mưa lúc nắng vậy. Chứ lúc nào cũng se se thì chán lắm. Cũng phải có lúc đang đi mưa ập xuống đầu không tránh kịp ướt hết cả người mới thú vị.

- Con người nên biết cười biết khóc. Vậy lúc bị dư luận “quan tâm” theo chiều hướng tiêu cực, anh có… khóc không?

- Chưa bao giờ dư luận làm tôi khóc cả. Tôi tiếp nhận nó một cách bình tĩnh. Tôi xác định đó là cuộc sống, đừng hy vọng có một ai đó được tất cả mọi người yêu quý hay bị tất cả mọi người ghét. Mọi cái đều có lí do của nó. Miễn sao mình được làm những cái mình thích và cần phải làm. Còn việc mình làm có thể gây cho người nào đó khó chịu hay người kia sự chán ghét, đó là việc của người ta. Nếu vừa làm vừa nghe ngóng xem người ta thích thì làm, không thích thì thôi thì chả làm được cái gì cả.

- Anh có tự ái khi nghe người ta phàn nàn rằng MC Lại Văn Sâm nói nhiều quá, nói hết phần của nhân vật và khách mời?

- Nói thế là oan cho tôi. Tôi là người tôn trọng nhân vật và khách mời nhất. Tôi chỉ nói khi người ta không nói được, cố gắng gợi mở cho người ta nói. Trong “Khách của VTV3”, đấy là chương trình tôi giao lưu nhiều nhưng chủ yếu là khách nói. Tôi chỉ đồng tình hay không đồng tình quan điểm với họ, có một chút trao đổi qua lại, nhưng chủ yếu vẫn là gợi mở cho người ta, tôi nghĩ mình không phải là người nói nhiều.

Năm 1996, tôi được mệnh danh là người đàn ông nói nhiều nhất trong năm là bởi vì tôi xuất hiện và làm nhiều chương trình. Hồi đấy, tôi làm cả “Trò chơi liên tỉnh”, lúc nào cũng gào thét động viên, bình luận, giải thích luật chơi, theo sát như một bình luận viên bóng đá. SV 96 chẳng hạn, tôi phải kiêm tất cả vị trí từ đạo diễn đến dẫn chương trình, biên tập… Còn trong mỗi chương trình, nếu xem một cách công tâm thì sẽ thấy tôi không phải là người nói nhiều.

Trong cuộc sống, tôi có lúc nói rất nhiều. Ai đó động đến đề tài tôi tâm huyết hay cảm thấy thích thú thì tôi có thể nói liên tục được. Nhưng thực tế, nhiều người gặp tôi ở ngoài còn bảo sao chả thấy tôi nói gì. Trên máy bay chẳng hạn, thấy người ta chào mình tôi chào lại, xong người ta thắc mắc sao trên truyền hình anh nói nhiều thế mà giờ chẳng nói gì. Tôi bảo, bây giờ tôi biết nói gì? Tôi không phải là người hay chuyện, nhưng khi nói về nghề, tôi có thể nói chuyện hàng tiếng đồng hồ, còn lại tôi chả nói gì cả.

Lại Văn Sâm: Đôi lúc gia vị  đắng lắm - 3

Nhà báo Lại Văn Sâm trong "Khách của VTV3"

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VTV
Ngôi sao điện ảnh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN