Khóc cười vì "thảm họa phim Việt"
Một vài năm trở lại đây, cụm từ "thảm họa phim Việt" được được dùng khá phổ biến để chỉ những bộ phim điện ảnh có chất lượng kém. Điều bất ngờ là dù mang danh thảm họa nhưng các bộ phim này lại rất hút khán giả và mang về một khoản doanh thu lớn cho nhà sản xuất. Thực trạng trên khiến nhiều người cảm thấy "bất ổn", không biết nên vui hay buồn...
Các thảm họa đình đám
Ngay khi mới ra đời, Nàng men chàng bóng đã bị đánh giá là một bộ phim tập hợp những chi tiết lỏng lẻo, phi thực tế, hoang tưởng.
Bộ phim xoay quay hai nhân vật là Út Chót (Đinh Ngọc Diệp), một “nàng men” mạnh mẽ như đàn ông nhưng rất tốt bụng. Út Chót tình cờ giải cứu được anh chàng “bóng lộ” Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy) lúc anh này cố gắng trốn khỏi người vợ sắp cưới mà cha mẹ đã hứa hôn cho từ nhỏ.
Nàng men Út Chót và chàng bóng Ẽo ợt
Sau cuộc giải thoát đó, Út Chót lại hết lòng giúp Ẽo Ợt chinh phục chàng trai mà anh này thầm thương trộm nhớ. Thế nhưng mọi chuyện bất ngờ thay đổi chỉ sau một cái ôm giữa Út Chót và Ẽo Ợt. Cái ôm đó đã vô tình đưa cả hai trở về với đúng giới tính vốn có.
Khi xem xong Nàng men chàng bóng, nhiều khán giả đã nói vui rằng, có lẽ, chỉ các nhà làm phim Việt mới đủ "can đảm" để nghĩ ra lý do cho sự chuyển đổi về giới tính một cách hài hước và đột ngột như thế.
Ngô Kiến Huy thể hiện khá tốt khi phải õng ẹo làm chàng bóng nhưng tới những đoạn cần thể hiện nội tâm thì anh chưa thể hiện được
Không chỉ lố bịch về nội dung, Nàng men chàng bóng là một sự chắp ghép rời rạc những màn hài kịch nhạt nhẽo, lố lăng.
Các nhân vật trong phim dường như làm gì cũng rất dễ dàng - khóc dễ, cười dễ, nói nhảm từ đầu đến cuối phim và có thể đột ngột la hét một cách chối tai bất cứ lúc nào.
Diễn xuất của các diễn viên trong phim cũng khá hời hợt và không để lại nhiều ấn tượng cho khán giả.
Hello cô Ba có khá nhiều các diễn viên hài tham gia
Trước Nàng men chàng bóng, Hello cô ba - bộ phim ra mắt dịp Tết 2012 vừa qua được đánh giá là thảm họa bởi có cốt chuyện đơn giản, hời hợt với các màn tấu hài được chắp vá cẩu thả, chỉ mang tính chất "cù lét" khán giả.
Nội dung phim Hello cô Ba xoay quanh anh chàng Tư Lặn (Hoài Lin) hiền lành, chất phác. Khi vô tình thấy Lành (Kim Thư) tắm, Tư Lặn bị ngã xuống giếng. Cú ngã khiến Tư Lặn bóng dưng có khả năng làm mái tóc của mình tự dựng đứng lên và có thể tiên đoán trước mọi việc. Với biệt tài này, Tư Lặn trở thành cô Ba bói toán và gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.
Diễn xuất của Hoài Linh trong phim này không có gì mới so với những tiểu phẩm hài trước đây của anh
Hello cô Ba quy tụ một loạt các diễn viên nổi tiếng của sân khấu hài kịch như: Hoài Linh, Tấn Beo, Hiếu Hiền, Phi Nhung, NSƯT Việt Anh...Chính vì thế, các diễn viên này không gặp khó khăn gì trong việc chọc cười khán giả.
Tuy nhiên, những chiêu mà họ sử dụng không độc, mà ngược lại, khán giả có thể thấy nhan nhản trên các sân khấu kịch, hoặc trong các tiểu phẩm hài trên truyền hình. Bộ phim có lẽ nên được coi là một tiểu phẩm hài hơn là một tác phẩm điện ảnh.
Không chỉ vậy, Hello cô Ba còn khiến người xem khó chịu khi hình ảnh một nhãn hiệu kẹo cao su xuất hiện tràn lan và vô tội vạ trên màn hình.
Không mang tính chất chọc cười khán giả như Nàng men chàng bóng hay Hello cô Ba, Ranh giới đen trắng được quảng cáo là một bộ phim hành động hợp tác cùng Indonesia, có kinh phí đầu tư lớn và dàn diễn viên tài năng. Thế nhưng, khi bộ phim được công chiếu, khán giả không có gì để khen ngoài một chữ "liều" cho ekip làm phim.
Ranh giới trắng đen hợp tác cũng phía Indonesia
Bộ phim có nôi dung nói về Tâm, một diễn viên võ thuật tình cờ liên quan đến một vụ truy bắt tội phạm khi băng đảng buôn bán ma túy nhầm anh là công an. Kẻ thù của Tâm trong phim là tên trùm ma túy Sở Thiên, luôn tìm cách truy sát Tâm để trả thù cho em mình vừa bỏ mạng.
Với nội dung này, Ranh giới trắng đen không có nhiều khác biệt với những phim xã hội đen, hành động võ thuật của Hong Kong mà khán giả Việt Nam đã xem đã mắt suốt hai thập kỷ qua.
Nhân vật chính tên Tâm có những hành động khá khó hiểu
Bộ phim mở đầu bằng màn rượt đuổi và đánh đấm khá của nhân vật Tâm điệu nghệ. Tuy nhiên, khi mà khán giả vừa dấy lên hi vọng sẽ được xem một bộ phim võ thuật ra trò thì hi vọng đó ngay lập tức đã bị dập tắt bởi nụ cười kiểu "hơ hơ" và "ngây thơ" của cô sinh viên tên Diễm. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt các chi tiết, tình huống phi lý và ngây ngô.
Một nữ cảnh sát xuất hiện với phong cách cải lương, tung tăng áo hai dây, hồn nhiên nhún nhảy cũng đủ để làm sao lãng một tên tôi phạm đang bị cảnh sát bao vây tứ phía.
Anh chàng diễn viên Tâm bị lạc đoàn làm phim, bị bọn tôi phạm bao vây đánh cho bầm dập, không thấy có máy quay, ekip làm phim xung quanh mà vẫn cứ nghĩ là mình đang đóng phim. Sự "ngây thơ" đến thế này thì có lẽ chỉ các nhà làm phim Việt Nam mới nghĩ ra.
Sau màn mở đầu khá ấn tượng, các màn võ thuật khác trong phim đều được dựng một cách cẩu thả, cắt ghép vô tội vạ. Ánh sáng, âm thanh trong phim cũng khiến người xem thất vọng.
Các màn võ thuật trong phim phần đa được thực hiện một cách khá cẩu thả
Càng thảm họa....càng hút khán giả
Có một điều khá ngạc nhiên là các bộ phim, dù được xếp vào dạng thảm họa nhưng lại rất hút khán giả và đem về cho nhà sản xuất khoản doanh thu lớn. Chỉ một tuần ra rạp nhân dịp 2/9, Nàng men chàng bóng đã thu hút gần 130 ngàn lượt khán giả, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng.
Còn Hello Cô Ba chỉ sau 7 ngày công chiếu đã đạt hơn 25 tỷ đồng, vượt lên trên các bộ phim đình đám khác như: Lệ phí tình yêu, Thiên mệnh anh hùng, Lời nguyền huyết ngải, Underworld: Awakening 3D (phim ngoại)..
Thảm họa Hello cô Ba có doanh thu dẫn đầu thị trường phim Tết 2012
Riêng Ranh giới trắng đen, mặc dù các nhà làm phim không công bố con số doanh thu chính thức nhưng bộ phim được lên kế hoạch phát hành tại 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Indonesia, Singapore và Maylasia. Ranh giới trắng đen trở thành phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam tấn công thị trường khu vực.
Như thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi các thảm họa điện ảnh thi nhau ra đời...