Khi nhạc Việt “chán yêu”
Đã qua rồi thời của những bài hát “não tình”, nhiều nhạc sĩ đã đưa đến khán giả một góc nhìn khác về tình yêu. Đó chưa hẳn là tình yêu thời bão thông tin hay @ như mọi người thường gọi, nhưng vẫn “nổi loạn” và nhiều màu sắc hơn trong chính chọn lựa của người sáng tác và ca sĩ biểu diễn.
Nói nhạc Việt “chán yêu” tức là trước đó, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hay chính khán giả thưởng thức cũng đắm chìm trong một đóng các ca khúc đến hôm nay tạm gọi là khá ủy mị. Đương nhiên, nhạc nào cũng có thời có điểm của nó, khi khán giả thích nghe kiểu “lựa chọn ai giữa anh và em”, “tình hiếu em phải làm sao”, “nước mắt hay nỗi đau còn lại”... thì nhiều nhạc sĩ không ngần ngại đáp ứng ngay món ăn thị trường nóng hổi ấy. Tuy nhiên, đó không phải là xu hướng âm nhạc hội đủ các yếu tố để nó phát triển thành trào lưu sau này, chính ca sĩ và khán giả đã đào thải dòng nhạc này một cách nhanh chóng. Thay vào đó, là một kiểu yêu mới, khác lạ và có nhiều cung bậc hơn.
Mai Khôi - nữ ca sĩ luôn dám làm những điều chưa ai làm
Cho đến thời điểm này, nếu nói về yêu chắc chẳn không một ca sĩ nữ nào đủ sự quyến rũ, sexy và dám đề cập đến chữ yêu nồng nàn như Mai Khôi trong cả tác phẩm lẫn phong cách sống cá tính của cô ca sĩ này. Dù Mai Khôi không ít lần bị cho là phóng túng trong hình ảnh khi cô sẵn sàng cho biết rằng mình vẫn thích khoe “chỗ đẹp” của người phụ nữ, hay thoải mái “thả rông”... nhưng tất cả các yếu tố làm nên cá tính ấy đã tạo nên một dòng cảm xúc rất nữ tính trong đời sống âm nhạc. Đỉnh điểm cho phong cách này đó là album Mai Khôi sáng tác và ra mắt khá lâu là Mai Khôi hay hoa hồng. Cũng là yêu, nhưng cách yêu của Mai Khôi hoàn toàn không ủy mị, não nề như một khoảng thời gian dài khán giả chìm đắm.
Tiếp tục trong xu hướng làm nên cái khác lạ trong tình yêu ở ca khúc, những ngày đầu năm 2014, Mai Khôi thực hiện album nhạc điện tử và dance pop theo ý nghĩa “cách mạng” do chính cô đề ra. Có nhiều bài hát sẽ khiến khán giả đỏ mặt như “Tự sướng” nhưng khi nghe toàn bộ album, khán giả sẽ thấy ở một tinh thần cầu tiến trong cách thể hiện nhạc điện tử theo lối riêng của ca sĩ Mai Khôi.
Đầu Xuân đề cập đến chữ “yêu” trong nhạc Việt để thấy, nó không còn là chữ yêu đầy dục tính hay chỉ gói gọn trong chia ly não nề giữa nam và nữ. Cuộc bùng nổ về sở thích nghe và các thay đổi về mặt nhận thức của xã hội, bất ngờ, khán giả có thể thưởng thức nhiều tác phẩm nói về giới tính, cuộc sống tình dục trong khía cạnh văn chương, nhạc họa... Nhiều nhạc sĩ cùng nhau tạo nên trào lưu gợi cảm trong âm nhạc hơn là yêu nhạt nhẽo như trước kia. Trong đó, phải kể đến nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong với bài hát Đường cong – hit của ca sĩ Thu Minh. Một cách thể hiện đầy gợi cảm trong âm nhạc mà trước kia, khán giả gần như chưa hề nghĩ tới nó sẽ có trong nhạc Việt.
Thu Minh đã mang dance Việt trở nên đại chúng hơn
Nằm trong cách yêu mới ấy, đó chính là đề tài quê hương, đất nước, xã hội. Một loại “tình yêu” gần như bị quên lãng trong rất nhiều năm tháng của nhạc Việt. Sự hồ hởi trong ca từ, hay tự hào khi nghĩ về tình yêu quê hương đất nước dần hồi sinh trong hàng loạt tác phẩm mới được giới thiệu ở Bài hát Việt hàng tháng, hàng năm. Những cái tên như Sa Huỳnh, Tạ Quang Thắng... nhanh chóng có mặt trong dòng chảy mới của nhạc Việt như đại diện không thể nào trộn lẫn ở các đề tài xã hội. Có thể nhiều ý kiến cho rằng, đó không phải là nhạc của số đông, ít người nghe,... nhưng chắc chắn mảng ca khúc của các nhạc sĩ trẻ này như Về ăn cơm, Liti, Lá cờ... chính là nguồn cảm xúc mới về tình yêu trong nhạc Việt.
Nằm trong mạch thay đổi ấy là xuyên suốt những album đầy ý tưởng gợi sóng, thay đổi, không gò mình trong những khuôn khổ nhất định của các ca sĩ ra đời. Tùng Dương muốn vươn xa hơn với world music, Đông Nhi không gói mình trong sự quen thuộc khi làm quen với dance, Phương Vy bất ngờ làm mới nhạc xưa với phong cách acoustic, rồi các tác giả như Hoàng Tôn, Vũ Cát Tường, Hồng Phước... bổ sung vào câu chuyện “chán yêu” của nhạc Việt nhiều sắc thái biểu cảm mới trong âm nhạc. Đó là tình yêu của người trẻ gắn liền với nhu cầu đổi khác, từ giai điệu đến ca từ, cách hòa âm phối khí đều mới mẻ, tính hướng ngoại để tiếp cận với thế giới âm nhạc rộng lớn bên ngoài nhưng vẫn chứa đựng tình cảm, nội dung sâu sắc.
"Yêu" như nhạc sĩ trẻ Toàn Thắng với Lá cờ cũng là một cách khác
Tuy nhiên, mảng ca khúc tình yêu với cung trầm buồn vẫn không hề bị mất đi trong đời sống âm nhạc. Có chăng, các sáng tác hôm nay đã ít nhiều đi chung một trào lưu của xã hội, đó là tinh thần hiện đại, cách tân cả “cách yêu” trong âm nhạc và con người thực. Sự song hành của những thành công mang tính ổn định và các giá trị mới đang hình thành và khẳng định, rõ ràng, “yêu” trong nhạc Việt đã không còn tẻ nhạt và khán giả có nhiều lựa chọn hơn trong thẩm mỹ nghe nhạc của mình.