Hồng Nhung: Tôi ích kỷ hơn Mỹ Linh
Bên cạnh cô bạn Mỹ Linh nhẫn nhịn hy sinh vì gia đình thì Hồng Nhung tự thấy mình thật ích kỷ.
Nhưng chỉ 6 tháng làm mẹ, diva nổi tiếng khéo léo và hoàn hảo trên sân khấu suốt 25 năm nay chợt biến thành một người phụ nữ khác...
Nghe chị kể Mỹ Linh hay vào thăm gia đình chị, tình bạn của hai diva có gì đặc biệt so với những người khác không?
Tôi vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên gặp, Bằng Kiều lái xe Honda 50 chở tôi và Linh qua cầu Long Biên (Hà Nội). Bẵng đi đến lúc Mỹ Anh (con gái út Mỹ Linh) lớn một chút, chúng tôi đã thân nhau rồi.
Mỗi lần Linh vào hát, chị em thường tâm sự chuyện gia đình, có hôm ngồi nói chuyện đến 2h sáng, cuối cùng tôi mệt quá bảo “thôi đi ngủ”, câu chuyện mới dừng. Khó khăn gia đình ai cũng có, nhưng không phải ai mình cũng kể được. Tôi đánh giá cao việc đó, chứng tỏ Linh phải tin mình đến cỡ nào.
Ca sỹ Hồng Nhung
Một ngôi sao thuộc top Việt Nam, bản năng cái tôi rất lớn, nhưng bao giờ Linh cũng sống cho người khác nhiều hơn. Cô ấy nhường nhịn chồng con trong cuộc sống, trên sân khấu khi hát đôi thì lùi cái tôi một chút để chủ ý chăm chút cái tổng thể đẹp hơn. Tôi nể Linh ở nhiều điều dù cô ấy nhỏ tuổi hơn mình. Thân được với nhau hay không là phải nể nhau.
Gần đây tôi tham gia show của Linh ở Mỹ, cô ấy đưa cả ban nhạc đi, ngày nào cũng tập. Trước hôm biểu diễn, Linh và cả nhóm đi coi show của Jennifer Lopez ở Hollywood. Linh rủ tôi đi, tôi cũng thích nhưng nghĩ phải giữ sức, lại thôi.
Hôm sau thấy Linh mệt vô cùng, tôi hỏi: “Sao hôm qua đi như thế, rất mệt”. Cô ấy nói: “Em đi chung với ban nhạc chứ. Nếu em không đi, mọi người vẫn vui nhưng không vui trọn vẹn”. Tôi nể Linh ở điểm đó, cô ấy nghĩ đến cái chung trước bản thân, cùng lúc hoàn thành quá nhiều vai trò nhưng lên sân khấu vẫn là một ngôi sao rực rỡ, đêm đó Linh biểu diễn tuyệt vời.
Như Mỹ Linh kể, chị ấy và chị khác nhau hoàn toàn, thế mà vẫn thân được ư?
Đã là bạn bè, không cần giống nhau nhưng quan điểm sống phải “cùng chiều”. Sau nữa là do hoàn cảnh. Thấy được Linh yêu cuộc sống gia đình thế nào, càng làm tôi thêm đồng điệu với Linh. Âm nhạc là một phần thôi.
Thực ra tôi có học tập Linh. Tôi luôn nói với cô ấy: “So với em, chị quá ích kỷ vì chị vẫn còn nghĩ đến bản thân nhiều trong khi em hoàn toàn nghĩ cho gia đình. Nghĩ đến bất cứ việc gì, em cũng đặt người khác lên trước”. Ví dụ Linh nói nôm na: “Nhà mà chỉ có 4 cốc nước cam thì việc em không uống là đương nhiên”.
Mỹ Linh tự nhận mình “ăn nói vô duyên”, còn chị lại nổi tiếng khéo léo. Nếu phải so sánh, chị sẽ nói gì về cái vụng của Linh và cái khéo của mình?
Hôm họp báo của tôi, Linh nói: “Tôi hay nói vô duyên”, tôi đã bảo đó là cách riêng của cô ấy, dù không phải là người khéo léo trong phát ngôn, nhưng Linh chưa bao giờ vô duyên như cô tự nhận. Nói chung, Linh vẫn nên giữ cách riêng của mình, thẳng thắn, không khéo, nhưng chưa bao giờ bất lịch sự hay thô lỗ!
Gần đây, nhiều người Hà Nội e ngại không biết do cuộc sống phát triển nhanh quá mà người ta bỏ qua những lễ nghĩa, văn hóa ứng xử. Ra đường ăn nói bỗ bã, không nhường nhịn, cứ như ai cũng ghét ai hết vậy. Phần lớn xã hội bây giờ xô bồ quá nhưng không vì thế mà mình phải uốn lượn, xô bồ một tí để vừa lòng người ta.
Cách của tôi bao giờ cũng thế! Nhất thiết phải lịch sự và tôn trọng những người mình nói chuyện, tôi vẫn trong chừng mực nào đó, dùng ngôn ngữ của người Hà Nội xưa: đâu có đó, tử tế, nhẹ nhàng. Có người tỏ ra ngạc nhiên khi ngay vợ chồng trong nhà cũng nói lời cảm ơn. Nhưng điều đơn giản là nếu ta không lễ nghĩa từ ngay trong nếp nhà, sau này làm sao dạy con ra đường biết “cảm ơn, xin lỗi”?
Gia đình tôi, “chính trị nóng bỏng” trong ngày là chuyện chăm em bé
Bé Tôm và Tép giống chị nhiều không?
Tôm giống bố nhiều hơn, nhưng tóc đen láy, mắt mí lẩn nên nét châu Á khá đặc trưng. Trong khi Tép mũi tẹt, hơi hếch, bé tí đã điệu như là biết làm dáng, ai cũng bảo giống hệt mẹ, song tóc lại hoe vàng! Nói chung mẹ nào chả thấy con mình dễ thương nhất. Anh Kevin dặn tôi chớ “khoe” con quá nhiều, nhỡ “vô duyên” mà không biết đấy.
Chị là người thông minh và kỹ lưỡng, anh Kevin có giao toàn quyền nuôi dạy con cho chị?
Nuôi hiện nay mẹ là chính, vì bố đi công tác thường xuyên. Mình dù bận đến mấy nhưng so với một người mẹ làm công sở vẫn có nhiều thời gian cho con hơn. Còn dạy thì sẽ là cả hai rồi.
Không phải là người có kinh nghiệm, tôi học theo cô Gina Ford người Anh, với những bước chăm bẵm em bé được chỉ dẫn và giải thích đơn giản, theo hệ thống dễ hiểu, dễ theo. Mới đây, nhân chuyến đi Hong Kong, tôi mua cuốn sách tặng vợ chồng anh Huy Tuấn nhân dịp mừng đón bé trai kháu khỉnh chào đời.
Còn không khí trong gia đình, tôi vẫn thích tạo cho con cách sống theo kiểu phương Đông, quây quần trong gia đình ấm cúng nhiều thế hệ.
Bà Mai, mẹ kế của chị, từng chia sẻ: “Chỉ cần Bống sinh con, cô lo hết chuyện em bé. Còn Bống muốn đi hát đâu thì đi” (cười)?
“Cháu bà nội, tội bà ngoại mà!”. Bà nhà ai cũng mong cái ngày này để được bận rộn với cháu. Tuy vậy, hai bà (mẹ Mai và mẹ Hồng) dù có thương, dốc sức cho cháu đến thế nào chăng nữa vẫn phải đứng thứ hai thôi, vẫn phải nhường cho mẹ cháu đứng thứ nhất. Ngay cả các bà kỹ tính cũng phải công nhận cái ưu việt, cái tiến bộ dành cho trẻ ngày nay.
Quan điểm nuôi dạy trẻ con ở các thế hệ thường khác biệt, có khi nào hai bà đứng cùng phe... chê cách nuôi con của chị?
100% là thế mà! Dù công nhận cái tiến bộ mới, vẫn cứ luôn chê cách của tôi. Hôm nọ mới xảy ra một việc, em bé lẫy nhanh quá, lẫy một cái lật ngược lại bên kia nên đập đầu xuống thảm, cũng hơi đau và khóc một tí. Thế là bà vội vàng chạy lại bế, đánh chừa cái đất. Mẹ lập tức bảo bà không được đánh chừa bất cứ cái gì, phải giải thích rằng tại bé lật nhanh nên ngã chứ không phải tại cái đất (cười).
Ngay đến việc phơi nắng, các bé nhà tôi ngày nào cũng phơi 15 phút thành ra rám nắng hết (cười). Tôi cho ra nắng từ lúc 6h, hai bà thấy thế rất xót, bảo 3 tháng 10 ngày mới được cho ra ngoài...
Trong nhà bao giờ bà cũng có chuyện: “Không! Ngày xưa tao nuôi mày thế này” nhưng tôi bảo: “Bây giờ thời đại khác rồi mẹ ơi”. Chuyện chăm em bé vui cũng có, mà hậm hực nhau một tí cũng có, đấy là câu chuyện “chính trị nóng bỏng” mỗi ngày trong nhà tôi (cười).
Nghe nói bữa ăn của chị trong ngày gồm có món thịt gì, bao nhiêu loại hoa quả, màu sắc ra sao đều do mẹ Mai tự tay làm hết. Thế thì chắc chị sẽ... thua các bà thôi?
Không! Các bà phải nghe mẹ vì mẹ văn minh hơn, thời đại hơn, “nói có sách mách có chứng” ngay. Chắc có đôi lúc các bà cũng hờn đấy, vì càng yêu cháu thì càng hờn, nhưng giấu đi. Cho đến bây giờ các bà thấy mẹ đúng, theo khoa học tốt hơn và tạo được sự đều đặn giờ giấc cho các bé.
Nhưng có những phong tục truyền thống thì tôi nhường các bà lo chu đáo rồi mình theo. Như là trước đây, các bà đi cúng, xin thỉnh tượng mẹ bồng con đưa về, cho đến hôm nay sáng nào các bà cũng lấy trái cây ngoài vườn, thay nước đầy đủ, thắp hương để xin sức khỏe cho các cháu.
Mình trân trọng một cách tuyệt đối, chuẩn bị kỹ càng và cả gia đình đều nghiêm túc thực hiện lễ đó. Mặc dù không phải là người tin hoàn toàn vào thần thánh nhưng mình trọng truyền thống. Và anh Kevin cũng tôn trọng chuyện đó.
Có lúc nào anh Kevin phản đối về việc các bà cưng cháu quá không?
Anh ấy không phản đối mà chỉ hay trêu, chẳng hạn: “Kìa kìa, cẩn thận đấy, cháu mà bị xước một tí là bà phải lấy ngay con thằn lằn nướng lên để làm thuốc bôi...” (cười). Kevin hài hước vì kiến thức y học của các bà lại dựa hoàn toàn vào mê tín.
Hồng Nhung và chồng, anh Kevin, đều tôn trọng những phong tục truyền thống.
Ồ! Chồng chị nói được nhiều tiếng Việt thế ư?
Cũng cố (cười). Chen chúc tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ chân tay để nói chuyện với các bà.
Các con lớn lên, trước hết phải là người tử tế
Có khi nào nhìn thấy hạnh phúc hiện tại mà chị chạnh lòng ít nhiều về tuổi thơ thiếu thốn của mình?
Tôi không có tuổi thơ tốt đẹp nhưng quyết không “kể khổ”. Các bố mẹ của tôi đã nhiều tuổi, hầu như tuần nào cũng ăn cơm với nhau và câu chuyện luôn rôm rả khi trò chuyện về các cháu. Tôi rất vui vì bây giờ người già lại hạnh phúc như vậy, hơn cả thuốc tiên. Giờ tôi có được những điều mà bản thân thực sự không dám mơ đến. Đến giờ phút này, tôi thấy cực kỳ may mắn!
Nhìn từ may mắn của mình, chị sẽ định hướng các con trở thành người như thế nào?
Thành công của một người trong cuộc đời là liệu có được sống vui và sống hạnh phúc không. Một người rất giàu có, địa vị nhưng không có hạnh phúc của một người bình thường, đối với tôi không phải là một cuộc đời thành công.
Các con tôi tuy còn nhỏ, nhưng ông bà đã đi xem tử vi rồi, bảo hai cháu yêu thích nghệ thuật nhưng sẽ không làm nghệ thuật. Mọi người hỏi, Bống có buồn không vì mẹ làm âm nhạc cũng có danh tiếng như thế. Mẹ có vui, không phụ thuộc vào việc các con có vui không. Vì thế tôi sẽ ủng hộ hết lòng trong bất kỳ công việc gì phù hợp với lũ trẻ.
Điều quan trọng, các cháu lớn lên phải là người tử tế. Thứ đến là cần có kiến thức. Thế giới xung quanh càng phát triển, cái cho mình tự tin nhất, để được nể trọng nhất là đạo đức và vốn kiến thức chứ không phải điều gì khác. Và trên tất cả, các cháu sống hạnh phúc là điều chúng tôi mong muốn nhất!
Những gia đình nổi tiếng như Brangelina, Becks... khi chọn trường học cho con thường yêu cầu không được tiết lộ thông tin về con cái họ ra ngoài, thậm chí đưa cả vệ sĩ tới trường nữa. Cũng là một bà mẹ nổi tiếng, chị chọn trường học cho con thế nào?
Vì họ nổi tiếng quá, mình có nổi cỡ ấy đâu (cười). Tôi sẽ cho con học bình thường, nơi gần nhà nhất, bà hay bố mẹ chỉ việc đưa xe đẩy một vòng là tới lớp.
Chastity Bono, con của Cher và Sonny, từng bị trầm cảm và áp lực khi có bố mẹ nổi tiếng. Chị có cảm giác bất an khi nghĩ đến áp lực của con không?
Làm con của người nổi tiếng chỉ có phiền hơn thôi, những đứa trẻ không chọn điều đó, không hám danh và tôi hiểu cảm giác của Chastity.
Ở Việt Nam áp lực chưa đến mức ấy. Bây giờ “nhiệm vụ” chính của các cháu là ăn ngủ thôi nên tôi không thấy lo gì.
Cảm ơn chị đã chia sẻ.