Em bé "Cánh đồng hoang" giờ là tỷ phú
Đứa bé 9 tháng tuổi trong bộ phim nổi tiếng "Cánh đồng hoang" năm xưa tự thấy mình may mắn vì đã không đi theo nghề diễn, giờ là một tỷ phú Đồng Tháp Mười với ruộng đất "cò bay thẳng cánh"...
Cánh đồng hoang là phim truyện Việt Nam đầu tiên đoạt giải vàng Liên hoan phim Mátxcơva (1981) và có vị trí đặc biệt trong lịch sử điện ảnh nước nhà.
Làm nên thành công này, ngoài tài năng của đạo diễn và các diễn viên gạo cội, còn có sự đóng góp rất quan trọng của một “diễn viên” mới... 9 tháng tuổi.
Hình ảnh đứa bé vui đùa bất chấp hiểm nguy giữa vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) mênh mông; giữa bom đạn, máy bay của kẻ thù, đã khái quát sức mạnh tiềm ẩn và vô tận của nhân dân ta.
Diễn viên Thúy An và bé Thuận lúc đóng phim (chụp lại ảnh tư liệu).
Tôi đã thử đi tìm “đứa bé” ngày ấy...
Trước khi lên đường, tôi chỉ có mỗi thông tin ít ỏi: Đứa bé ấy là con của một gia đình nghèo ở ĐTM. Phải làm sao đây? Chợt nhớ trong bộ phim có cảnh quân giải phóng ngồi họp trên xuồng, trong ấy có ông Đặng Trung Tâm - lúc ấy là Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) - cũng tham gia đóng cho vui, tôi đã tìm đến người cán bộ về hưu ngoài 80 tuổi này. Và tôi đã tìm đúng địa chỉ.
Ông Tâm nói vanh vách: “Đứa bé ấy tên Nguyễn Văn Thuận, con ông Nguyễn Văn Việt, cháu gọi đạo diễn Hồng Sến là bác ruột, ở tại xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, quê hương của Hồng Sến”.
Nhắc tới đứa bé trong “Cánh đồng hoang”, ông Tâm như hào hứng hẳn lên, ông nói: “Theo tôi, đứa bé mới là “diễn viên chính” của bộ phim. Để làm tăng hoàn cảnh khó khăn và ý chí của vợ chồng Ba Đô, Hồng Sến đã khai thác những tình huống rất “đắt” với đứa bé như cảnh chạy trốn máy bay địch phải cho con vào bao nylon dìm xuống nước, cảnh đứa bé bị rơi xuống dòng nước lũ...”.
Cảnh trong phim là thật
Từ đầu xã, hỏi thăm “nhà đứa bé trong phim Cánh đồng hoang”, thật lạ, hầu như ai cũng biết.
Sau đó tôi được biết, bộ phim sau khi hoàn thành đã được đem về đây chiếu cho dân xem (năm 1979) và trở thành sự kiện lớn trong vùng, từ đó “bé Thuận” nổi tiếng cho tới bây giờ.
Đi thêm độ 5 cây số, qua thêm một con sông, đến ấp Vàm Gừa, một người dân chỉ tôi: “Đó, ngôi nhà mới là của cha con “bé Thuận”, còn ngôi nhà cũ bên cạnh là nhà ông Hồng Sến, khu nhà mồ đó là của ông bà, cha mẹ Hồng Sến”.
Nhà của “cha con bé Thuận” khá khang trang, còn màu sơn mới, được cất trên nền cao “vượt đỉnh lũ”. Bước vào sân, tôi gặp một phụ nữ đang phơi lúa, đó là bà Trương Thị Thu - mẹ của “bé Thuận”. Bà Thu cho biết “bé Thuận” đi gặt lúa ngoài đồng, còn ông Hai Việt - cha của Thuận - “đang nhậu bên hàng xóm”.
Có 2 đứa trẻ quấn quýt bên chân - bà Thu cho biết đó là 2 đứa con của Thuận. Một người phụ nữ trẻ bưng nước lên mời tôi, bà Thu nói: “Vợ thằng Thuận đó”.
Bà Thu nhớ lại: “Lúc bác Hồng Sến về chọn diễn viên, Thuận mới 4 tháng tuổi, đến khi đoàn làm phim về quay thì được 9 tháng”.
Sai đứa cháu đi kêu chồng về “có khách”, bà Thu kể tiếp: “Vì bác Hồng Sến là người nhà, biểu sao vợ chồng tui nghe vậy. Những lúc Thuận đóng cảnh té ngã xuống nước hay bỏ vào túi nylon dìm xuống nước, bác Sến đều khéo léo kêu tôi đi nơi khác. Đến khi coi phim, thấy “ghê” quá, tui đã bật khóc vì thương con”.
Ông Hai Việt về tới, ông niềm nở bắt tay tôi như thể người quen đã lâu. Ông kể: “Tui cũng có tham gia đóng phim đó, vai một du kích”.
Ông Việt còn cho biết, từ thời chiến tranh ông đã có lần được bác Hồng Sến đưa đi Bến Tre để tham gia đóng phim “Đường về phía trước”. Nhắc về cảnh quay “bé Thuận” từ trên sàn rơi tõm xuống nước, ông Việt cho biết đó là cảnh quay thật hoàn toàn, chính ông phải lặn trước xuống nước để đón đứa con khi nó rơi xuống.
Có tiếng lao xao ngoài bờ sông, ông Việt cho biết Thuận chở lúa gặt ngoài ruộng về tới. “Đứa bé” 9 tháng tuổi ngày nào giờ đã là người đàn ông vạm vỡ tuổi 34, tay cầm sào điều khiển cho ghe lúa cặp bờ một cách gọn gàng.
Thuận trở nên rụt rè khi ông Việt nói: “Có nhà báo tới kiếm mày”. Thuận chưa kịp chuyện trò gì với tôi thì 2 đứa con nhỏ đã chạy tới ôm lấy chân kêu “ba Xựng, ba Xựng về...”.
Thuận cùng vợ con
Ở ĐTM trời tối như nhanh hơn, chúng tôi chưa tròn câu chuyện thì tiếng bù tọt đã kêu vang ngoài đồng, trên trời mây vần vũ báo hiệu một cơn mưa đang đến. Tôi định kiếu từ ra về, ông Việt nói: “Từ đây về tới thị trấn Tân Hưng khoảng 30 cây số đường vắng, trời tối lại chuyển mưa, hơi nguy hiểm, hay là chú ngủ lại mai về...”.
Ông Việt “hú” anh em, bạn bè hàng xóm: “Có nhà báo tới chơi, ở lại đêm”. Trong nháy mắt, 5 – 6 người đàn ông đến nhà ông Việt, bắt tay vui vẻ với tôi. Cũng trong nháy mắt, các món mồi nhậu đặc sản vùng ĐTM được bưng lên. Chủ nhà không đãi rượu đế, mà là bia lon, kêu chở tới một lúc 2 – 3 thùng.
Thuận cũng được cha kêu ngồi nhậu với khách, “cậu bé” có tửu lượng khá, càng uống càng tỉnh. Đêm vùng ĐTM tĩnh lặng, ngoài bàn nhậu sôi động của chúng tôi, bốn bề vắng tanh. Khi đã ngà say, “bé Thuận” mới bắt đầu bộc bạch “chuyện đời” mình...
Đứa bé giờ là tỷ phú
Thuận cho biết, chính anh khi lớn lên xem lại những cảnh phim do mình đóng cũng xúc động và thích thú, anh thầm mơ một ngày nào đó được theo nghề của ông Tư Hồng Sến.
Càng lớn Thuận càng đẹp trai, to lớn, có nụ cười giống hệt Hồng Sến. Và cậu bé đã dấn thân “đi theo ông Tư” khi vừa tròn 17 tuổi. Về Sài Gòn, Thuận ở chung nhà gia đình Hồng Sến để nhờ “ông Tư” giúp thi vào trường điện ảnh. Nhưng Thuận đã không có duyên với điện ảnh, vì ngay sau đó Hồng Sến đổ bệnh và qua đời năm 1995.
Hết chỗ nương tựa, Thuận đành trở về quê làm ruộng. Sau đó Thuận cưới vợ, sinh con, gắn bó với nghề nông, ước mơ làm diễn viên điện ảnh chỉ còn là kỷ niệm.
Thuận tâm sự: “Nhưng có khi vậy mà may, nghe nói nghề diễn viên điện ảnh lông bông, nghèo khó, còn em bây giờ cuộc sống ổn định”. Khái niệm “ổn định” của Thuận sau đó được ông Việt diễn giải đầy đủ hơn: Thuận đang có trong tay 10ha ruộng trồng lúa 2 vụ, có 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày... Tính sơ sơ tài sản của “bé Thuận” đã lên tới 3 – 4 tỷ đồng.
Ông Việt nhớ lại: “Sau giải phóng, vợ chồng tui rất nghèo, chỉ có hơn ha ruộng, trồng lúa 1 vụ rất bấp bênh. Thằng Thuận nó nghỉ học ở Sài Gòn về làm cùng tui, từ từ tích lũy mua thêm ruộng, lúc đó làm ruộng khó khăn, người ta kêu bán rất nhiều. Sau khi nó cưới vợ, tui cho “ra riêng” với 5 ha ruộng. Thời may nó là đứa chí thú, làm lụng tích lũy mua thêm ruộng, rồi máy gặt đập... Chớ nó mà đi theo nghề điện ảnh của ông Tư, hổng biết bây giờ ra sao”.
Rồi ông Việt và mấy người hàng xóm nhắc về sự tài hoa của Hồng Sến và cái nghèo của vợ chồng Hồng Sến – Thúy An, nghèo cho đến chết! Rượu vào lời ra, một người hỏi “bé Thuận”: “Trong phim có cảnh mày bú vú bà Thúy An, đố mày vú ai?”. Tất cả cười rần, họ đã biết câu trả lời, chỉ có tôi là lơ ngơ.
Ông Việt giải thích: “Nó bú mẹ nó, chứ bà Thúy An lúc đó mới ngoài 20 tuổi, chưa có con, lấy đâu ra sữa mà cho bú”. Ngày ấy bà Thu vì ăn uống kham khổ, không đủ sữa, bé Thuận phải “bú” thêm nước cơm, nên ốm nhom, mà bây giờ đã là “tỉ phú” ở ĐTM với ruộng đất “cò bay thẳng cánh”. Mọi người kể chuyện 34 năm trước mà cứ ngỡ mới vừa hôm qua.