Duyên dáng Việt Nam 26: Không thất vọng!
Sau 2 năm tạm ngưng, Duyên dáng Việt Nam trở lại đủ để khẳng định 1 thương hiệu.
Trải qua 25 kỳ, Duyên dáng Việt Nam đã khẳng định sức ảnh hưởng, tên tuổi và tầm vóc nghệ thuật của mình. Chương trình cũng đã 3 lần xuất ngoại đi Úc, Singapore, Anh và tạo được những tiếng vang lớn. Sau 2 năm tạm ngưng với lý do chưa có ý tưởng đột phá, chương trình đã trở lại với một lớp áo mới đầy màu sắc, biến hóa vừa truyền thống mà vẫn hiện đại, vừa dung dị mà sang trọng, vừa nhẹ nhàng nhưng toát lên tâm hồn Việt, tinh thần Việt.
Có thể coi Duyên dáng Việt Nam 26 như một bức tranh tứ bình với 4 gam màu đối lập nhau nhưng lại làm nên một tổng thể đa sắc, đa diện với sự kết hợp của âm nhạc và vũ đạo, của những ca trù, tân cổ với hip hop và các thể loại âm nhạc hiện đại. Và bức tranh ấy đủ để khán giả đã mắt, đã tai.
Bức tranh Việt Nam thấm đẫm trong Duyên dáng Việt Nam 26
Bức tranh đầu tiên của Duyên dáng Việt Nam là một lời chào, một lời mời gọi đến với dải đất hình chữ S. Đó là câu hát Chào Việt Nam qua giọng ca trong veo của ca sĩ trẻ Thái Trinh. Đó là tiếng kèn saxophone như mời gọi, dẫn dụ khán giả vào khu vườn của Bướm mơ. Là V Music với Xinh tươi Việt Nam tràn ngập sắc, hương, hoa, trái. Và dĩ nhiên trong bức tranh mời gọi ấy không thể không nhắc đến Tình ca phố của Đức Tuấn hay Sài Gòn, Sài Gòn của Hồ Ngọc Hà đầy năng động, hiện đại về bức tranh “hòn ngọc viễn Đông”
Phần mở màn kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo của các nghệ sĩ nhóm Urban dance group mang đến không khí, sinh lực tràn đầy nhựa sống.
Một Việt Nam sôi động như khẳng định sự hòa nhập và đang phát triển không ngừng nghỉ. Nhưng, phía sau bức tranh ấy vẫn là một đất nước còn những con người hiền hòa, chăm chỉ và nâng niu từng cây lúa, hạt gạo. Đó cũng là bức tranh thứ hai trong bộ tứ bình.
Thu Minh với Dòng máu lạc hồng
Những tà áo dài thướt tha của các người đẹp tôn lên vẻ đẹp truyền thống mặn mà, nét đặc trưng từ bao đời nay của người Việt Nam. Câu hát da diết trong Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang của ca sĩ Hương Lan như thấm vào từng làn da, thớ thịt của mỗi khán giả. Ngọt ngào mà sâu lắng tựa như tiếng nói từ ngàn xưa vọng về đưa khán giả về với cội nguồn, về những giá trị nguyên bản nhất.
Đó là Tình yêu của đất và nước ngọt ngào qua giọng hát Quang Linh, là Một ngày bình yên của danh ca Elvis Phương. Tất cả dường như hân hoan, đong đầy hạnh phúc với một bức tranh ngày mùa no đủ, êm ấm trong từng nếp nhà của mỗi làng quê với Gánh lúa. Những người nông dân Việt Nam từ ngàn đời nay vẫn thế và mai sau cũng như thế.
Từng khẳng định sẽ mang đến sự tươi mới, đột phá thì trong Duyên dáng Việt Nam chương 3 của Thương quá Việt Nam đã truyền tải trọn vẹn điều đó. Những tiết mục beatbox, hip-hop hay nhảy hip-hop trên nền nhạc dân tộc đã đưa khán giả đến với sự tươi mới. Toàn bộ các ca khúc trong chương này cũng được thể hiện đầy ngẫu hứng, mới lạ.
Vở diễn xiếc Làng tôi khiến công chúng trầm trồ
Lần đầu tiên ca khúc Thương quá Việt Nam được một giọng ca lai – ca sĩ Anna Trương thể hiện trên sân khấu mang theo tinh thần hoàn toàn khác lạ. Nguyên Thảo vẫn đầy nội lực và bản lĩnh trong Tình ca (Phạm Duy) nhưng thêm vào đó cả sự hào sảng, tự hào. Dòng máu lạc hồng cũng được biến hóa pha một chút hip-hop vẫn vẹn nguyên khí thế đó nhưng còn mang tinh thần thời đại. Và cũng không thể không nhắc đến thầy trò Thanh Bùi – Ngọc Duy với My Kool Việt Nam tràn trề nhựa sống của sự nối tiếp các thế hệ.
Tất cả cảm xúc, sự thăng hoa thực sự trọn vẹn trong chương cuối cùng với những trích đoạn đặc sắc nhất của vở xiếc Làng tôi nhưng được kết hợp với các tiết mục âm nhạc khác.
Lần đầu tiên được trình diễn trên sân khấu của TP.HCM vở xiếc từng tạo tiếng vang khắp vài chục quốc gia trên thế giới đã khiến khán giả đi từ ngạc nhiên này đến sự trầm trồ, thót tim khác. Sự kết hợp tưởng chừng đơn giản với cây tre nhưng lại được dàn dựng vô cùng công phu với những màn trình diễn “nổi da gà”. Và trên sân khấu câu chuyện về người nông dân, về những con người Việt cần mẫn, chịu khó, sáng tạo và cả tài năng được đan cài khéo léo.
Mỹ Tâm với phần chào kết nhẹ nhàng
Hai nghệ sĩ Anh Minh và Thùy Chi như góp thêm giai điệu nhẹ nhàng mà trong vắt với Quê tôi. Trong chương này chất liệu ca trù được sử dụng triệt để với Tây Hồ hoài cổ (Nguyễn Kiều Anh – Phạm Văn Ty) hay ca khúc Chiều phủ Tây Hồ của Lệ Quyên. Cảm xúc như lắng lại nhưng vẫn vẹn nguyên sự thăng hoa. Cái kết của Thương quá Việt Nam nhẹ nhàng như từng hơi thở với Tiếng Việt - một sáng tác hoàn toàn mới của NS Hà Quang Minh và Đức Trí qua phần thể hiện của ca sĩ Mỹ Tâm.
Duyên dáng Việt Nam 26 với chủ đề Thương quá Việt Nam còn một đêm diễn tối 11/1 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.
Những hình ảnh ấn tượng đêm DDVN 26:
Đêm Thương quá Việt Nam đánh dấu sự trở lại của Duyên dáng Việt Nam sau 2 năm
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn
Nhóm V.Music với xinh tươi Việt Nam
Đức Tuấn và Tình ca phố
Hồ Ngọc Hà mang đến sự sôi động với Sài Gòn - Sài Gòn
Anna Trương với Thương quá Việt Nam
Nguyên Thảo và khúc Tình ca đầy hào sảng