Đời chìm nổi của 3 tài tử Việt đào hoa
Thương Tín, Chánh Tín và Đơn Dương đều là ba ngôi sao lớn của màn ảnh Việt nhưng đều có cuộc đời nghệ sỹ đầy sóng gió.
Thương Tín: "Nghệ sỹ nhất"
Thương Tín nhiều lần thú thật: “Tôi chỉ là một kẻ lạc loài và thất bại, chưa bao giờ thủ nổi vai một người đàn ông, một người chồng, người cha tử tế... Bao nhiêu thói tật của đời nghệ sĩ, tôi đã tự vơ hết vào mình.”
Thương Tín sinh năm 1956 trong gia đình 9 người con ở Phan Rang. Mê cải lương từ nhỏ nên ông đã trốn nhà theo một gánh hát từ năm 13 tuổi. Từ đây, “số” nghệ sỹ chìm nổi phiêu bạt “vận” vào ông cho đến tận ngày lục tuần bây giờ.
Ngay từ ngày diễn sân khấu, Thương Tín đã nổi tiếng là người lãng tử. Dù cái tên Thương Tín là át chủ bài cho vở diễn, anh sẵn sàng bỏ ngang vì không thích.
Có một lần Thương Tín bỏ vai của một vở diễn lên đến vài ngàn vé bán ra và khiến cho một diễn viên khác là Hoàng Khánh phải méo mặt vào thế chỗ. Nhưng rồi bất ngờ Hoàng Khánh lại diễn tròn vai và được khán giả ủng hộ. Thấy vậy, Thương Tín lại tìm đến đòi vai và gây lộn. Anh đã lôi Hoàng Khánh ra sau cánh gà, tát đồng nghiệp và cấm diễn vai của mình.
Đến khi đi đóng phim, tên tuổi của Thương Tín lại "nổi như cồn". Sáu Tâm trong Biệt Động Sài Gòn, tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC là những vai diễn khiến hàng triệu con tim phụ nữ thổn thức.
Ngoài đời thực, Thương Tín cũng đã làm tan nát trái tim của rất nhiều fan nữ. Có những câu chuyện đã trở thành giai thoại. Đáng nhớ nhất là hai giai thoại về cô bé 16 tuổi và nữ đại gia của anh.
Có một cô bé 16 tuổi ở Hải Phòng yêu đơn phương Thương Tín kể từ sau bộ phim Biệt Động Sài Gòn. Ngày anh ra Hải Phòng dự LHP, cô bé lớp 10 khá xinh đẹp chen vào đám đông, chạy đến ôm cứng lấy anh. Hơn chục năm sau đó, cô bé ấy vẫn đều đặn mỗi tuần một lá thư nồng nàn gửi cho “thần tượng” của đời mình. Sau hơn hai chục năm, cha của cô gái vẫn gọi điện vào cho Thương Tín, nửa thông báo và nửa trách móc: “Con gái tôi vẫn không chịu yêu ai khác ngoài anh. Đến bây giờ, gần 40 tuổi nó vẫn không chịu lấy chồng”.
Một người đàn bà khác rất giàu có cũng yêu và sống với anh như vợ hờ. “Mỗi lần trong ví tôi hết tiền, cô ấy lại bỏ vào. Có lần cô ấy hỏi tôi thích gì, tôi nói chẳng thích gì. Nhưng chiếc xe hơi chạy qua, tôi nhìn theo. Hai hôm sau, đã thấy chiếc xe đó nằm trong nhà mình.”
Đó là chưa kể, số lượng những cuộc tình một đêm, một tháng mà Thương Tín đã trải qua thậm chí nhiều không thua số vai diễn mà anh đã đóng.
Thương Tín cũng nổi tiếng là nghệ sỹ đánh bạc thứ thiệt. Đam mê cờ bạc của anh phá gia chi tử và khiến đầu thập niên 2000, anh bị bắt quả tang trên chiếu bạc và trở thành tin trang nhất của nhiều tờ báo. Không chỉ vậy, một thời gian cuối những năm 1990, Thương Tín còn giải sầu bằng thuốc phiện và phải đi cai nghiện ở quê nhà.
Thương Tín từng sang California sinh sống cùng người vợ thứ nhất là ca sỹ Mỹ Dung nhưng rồi lại trở về nước vì không chịu được cảnh sống nhàm chán ở đất khách. Gần đây, Thương Tín đã có thêm một cô con gái mới sinh với người vợ trẻ. Ở tuổi lục tuần, Thương Tín lại quay lại với nghề đóng phim truyền hình để kiếm tiền nuôi con.
Chánh Tín: Đào hoa, sóng gió thương trường nhất
Từng có ý kiến khẳng định: “Sẽ không ngoa nếu nói rằng tất cả những người phụ nữ sinh ra trước năm 1970 đều ngưỡng mộ Nguyễn Chánh Tín - tài tử một thời của điện ảnh Việt Nam với vai diễn điệp viên Nguyễn Thành Luân đã đi vào huyền thoại trong phim “Ván bài lật ngửa”.
Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1952 tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thồng võ học. Cha ông là một đệ tử chân truyền của một tướng trong quân đội Tôn Trung Sơn lưu lạc sang Việt Nam. Mẹ ông là một người phụ nữ giỏi ca hát. Nguyễn Chánh Tín là con út trong gia đình có 5 người con. Đam mê và có khiếu ca hát từ nhỏ, nhưng gia đình hướng anh theo nghề bác sỹ. Thế rồi vì một sự tình cờ, Chánh Tín theo nghiệp cầm ca.
Khi hát bài Nghìn Trùng Xa Cách và Tìm Nhau tại một sự kiện văn nghệ nhỏ ở trường trung học năm 15 tuổi, anh đã trở thành hiện tượng. Hình ảnh Chánh Tín hát và hút thuốc đã khiến cho 40 tờ báo Sài Gòn đưa tin ngày hôm sau. Giọng hát của Chánh Tín đã khiến nhạc sỹ Phạm Duy phải tìm đến gặp mặt. Từ đó, Chánh Tín chính thức bước chân lên sân khấu nghiệp cầm ca.
Thế rồi, lại một sự tình cờ khiến anh được chọn vào vai để đời nhà tình báo Nguyễn Thành Luân trong bộ phim vang danh Ván Bài Lật Ngửa (1982-1987). Anh được chọn vai này sau khi đạo diễn không ưng ý với người đóng vai chính ở tập đầu tiên. Nhờ bộ phim này, Chánh Tín trở thành sao đệ nhất Sài Gòn và khiến mỹ nhân cả nước rung động. Thậm chí, Diễm My, một trong những hoa hậu đệ nhất Sài Gòn những năm 1990 từng phải thú nhận: “Tôi từng say như điếu đổ Chánh Tín”.
Diễm My và Chánh Tín
Đi đâu ra ngoài đường, anh cũng phải đội mũ, đeo kính, lấy khắn trùm kín mặt nếu không muốn bị người hâm mộ phát hiện. Có lần đi diễn ở tỉnh xa, có nữ khán giả vì nhìn thấy anh nên hạnh phúc đến nỗi ngất lịm đi. Thành công vang dội cũng khiến Nguyễn Chánh Tín – với vẻ hào hoa phong nhã của mình trở thành người đàn ông trong mộng của nhiều người phụ nữ. Cũng đã có đôi lần, anh xao lòng trước những bóng hồng. Nhưng cuối cùng sự kiên trì, hi sinh, nhẫn lại của vợ anh – ca sĩ Bích Trâm đã giữ anh lại.
Sau này, Khi nền điện ảnh nước nhà sa sút, Chánh Tín chuyển sang kinh doanh, mở nhà hàng và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Đầu tháng 4 mới đây, Chánh Tín tuyên bố một công ty của ông sắp phá sản.
Đơn Dương: Bi kịch nhất
Theo Lưu Trọng Ninh, Đơn Dương là diễn viên hiếm hoi vừa đẹp, vừa nam tính nhất trong làng điện ảnh Việt xưa và nay. “Làm đạo diễn phim Canh bạc, tôi nhiều lần phát điên lên vì mỗi khi nghe các cô gái xung quanh hết lời khen Đơn Dương đẹp trai. Có những hôm quay phim, Đơn Dương được hàng nghìn nữ sinh kéo đến nhìn ngắm rồi hết lời kêu to: Anh có nụ cười đẹp thế! Nụ cười của anh cực kỳ đẹp! Cười đẹp thế!"
Thế nhưng, cuộc đời của anh lại có số phận bi kịch nhất trong làng nghệ sỹ Việt.
Đơn Dương sinh ngày 27/8/1957 tại Đà Lạt. Anh bén duyên điện ảnh vào năm 1982 với một vai diễn nhỏ trong phim Pho tượng của đạo diễn Lê Dân. Ngay sau vai diễn này, Đơn Dương được nhiều đạo diễn chú ý và có cơ hội tham gia rất nhiều bộ phim đình đám của điện ảnh Việt Nam như: Canh bạc, Ngõ đàn bà, Dấu ấn của quỷ, Lời thề, Mê Thảo thời vang bóng, Đời cát... Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Đơn Dương đã tham gia tổng cộng 38 bộ phim khác nhau.
Năm 2001, anh được mời vào vai thiếu tá An trong phim Chúng tôi từng là lính cùng ngôi sao Hollywood Mel Gibson và một vai khác trong Rồng xanh. Hai bộ phim này đã có những chi tiết thiếu trung thực về cuộc cách mạng của Việt Nam, khiến Đơn Dương bị lên án gay gắt. Để trốn tránh những điều tiếng, Đơn Dương đã phải chọn cách sang Mỹ. Thế là từ một tài tử nổi tiếng, có một cuộc sống khá giả, thành đạt ở Việt Nam, Đơn Dương trở thành người không nhà cửa, không nghề nghiệp.
Trong 9 năm sống ở Mỹ, cuộc sống của Đơn Dương rất khó khăn. Nam diễn viên này từ chối nhận trợ cấp của Mỹ và chỉ quanh quẩn với việc chăm sóc gia đình chứ không có niềm vui và công việc nào khác.
Năm 2003, Đơn Dương bị cô Trần Thị Phương Liên kiện tội "lén lút chụp ảnh khỏa thân và thu băng audio sex để tống tiền". Tòa án ở Fairfax (Virginia) kết án và yêu cầu nam diễn viên bồi thường cho người bị hại 200.000 USD. Tuy nhiên, sau đó, Đơn Dương đã kháng cáo và tố cáo cô Liên Trần về hành động vu khống, lăng mạ. Cuối cùng cô Trần Thị Phương Liên đã tự bãi nại, hủy kiện.
Không có công ăn việc làm, không nhà cửa, lại bị các scandal bủa vây tứ phía, Đơn Dương gần như bị đẩy vào bước đường cùng. Đã có lúc, anh phải tuyệt vọng kêu lên trước giới truyền thông rằng: "Tôi căng thẳng, mệt mỏi lắm rồi. Xin hãy để tôi yên".
Ngày 7/12/2011, nam diễn viên trút hơi thở cuối cùng ở Mỹ sau một cơn tai biến mạch mãu não. Thông tin này không chỉ khiến gia đình, bạn bè mà còn cả những người hâm mộ tài năng diễn xuất của anh cảm thấy sốc và tiếc thương.