Có người khóc khi đọc tự truyện của Trần Lập
Hát, chơi nhạc, sáng tác, viết kịch bản phim, làm giám khảo và bây giờ là viết tự truyện, có vẻ như khả năng tiềm tàng của cựu thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường chưa dừng lại ở những gì vừa liệt kê.
“Hồn cốt” từ những gì 2 triệu người đã đọc
Không giống như những cuốn tự truyện từng được xuất bản trước đó, ý định viết lách của Trần Lập ban đầu lại không xuất phát từ chính anh mà do đặt hàng từ phía NXB Nhã Nam. Lý do vì sao họ tìm đến Trần Lập để hợp tác thì chính anh cũng ngạc nhiên, nhưng chắc chắn không phải vì hiệu ứng từ vai trò Huấn luyện viên The voice, bởi hợp đồng đặt hàng này có từ trước đó nhiều tháng. “Khi họ ngỏ ý mời tôi viết tự truyện, ban đầu tôi cũng khá băn khoăn vì đã bao giờ viết sách đâu. Thế là đi hỏi tán loạn bạn bè xem có nên viết không? 100% bảo “viết đi, chờ gì nữa”. Sau 2 tháng suy nghĩ, tham vấn, tôi quyết định nhận lời”, Trần Lập chia sẻ.
Một thuận lợi với cựu thủ lĩnh Bức Tường là ngay từ những ngày các thành viên trong nhóm đi hát, rồi đến khi thành lập ban nhạc, tức là từ 20 năm trước đã được ghi chép về quá trình tìm kiếm thành viên, những chuyến lưu diễn đến việc chi tiêu trong nhóm ra sao… Sau đó, những kỷ niệm này được ghi chép thành bài viết: “Bức Tường - những năm tháng đẹp nhất” và thu hút tới 2 triệu lượt người đọc trên website riêng của nhóm. Vì thế, khi bắt đầu với hồi ký, lôi những ghi chép cũ ra chỉnh sửa đã giúp Trần Lập nhớ lại và câu chữ cứ thế trôi. “Có những ngày tôi viết miệt mài đến mức, sáng ra, vợ đi làm đã thấy tôi ngồi trên sofa kỳ cạch với máy tính, chiều về vẫn thấy chồng ngồi đúng chỗ cũ. Ăn cơm xong, vợ đi công chuyện đến 22h đêm mới về mà tôi vẫn chưa rời đi chỗ khác ngoài chiếc ghế ấy. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều ngày tôi không viết được chữ nào, nhìn thấy máy tính mà ngỡ như “thú vật”. Phải mất 8 tháng tôi mới hoàn thành xong bản thảo để mang đi chỉnh sửa”.
Trần Lập phải mất 8 tháng mới hoàn thành cuốn tự truyện
Trần Lập khiêm tốn nói hôm ra mắt cuốn sách rằng “tôi không có khả năng văn chương”, nhưng với một người lần đầu viết sách mà không bị cắt xén về nội dung, chỉ chỉnh sửa một vài lỗi từ, lỗi câu thì không biết, khi anh có khả năng văn chương nữa thì “tình hình ăn nói” của anh sẽ đi đến đâu. Những ai từng nghĩ về một Trần Lập “kém miếng” khi làm HLV The Voice thì khi gặp anh ở ngoài đời sẽ nhận thấy về một Trần Lập trôi chảy, mạch lạc đến bất ngờ. “Tôi cứ để các dòng chữ tràn đầy cảm xúc tự nhiên và người ta sẽ quên đi tất cả những gì thuộc về tính văn chương. Nhưng hàm lượng thông tin trong đó sẽ nói lên tất cả”, Trần Lập lý giải.
Rock, không cứ phải rượu và ma túy tổng hợp!
Cuốn tự truyện được tác giả bắt đầu từ lát cắt của cậu bé Trần Lập thưở niên thiếu, khi anh phải ở nhà một mình đối diện với 4 bức tường. Hà Nội với một đứa trẻ 6 tuổi khi đó chỉ là những gì ở phía sau cánh cửa trong căn nhà ọp ẹp. Sợ hãi, chỉ còn cách là bật đài thật to để nghe tất cả những gì đươc phát ra. Khi hết giờ phát sóng, để cho có tiếng người trong nhà thì đứa trẻ ấy phải hát toáng lên… Câu chuyện cứ như thế dẫn dắt người đọc như một nguyên nhân hình thành con đường ca hát của Trần Lập sau này.
Tuy nói về một ban nhạc thành công nhất của Việt Nam nhưng Trần Lập khẳng định, đây không phải là cái cớ để khoe khoang thành tích của nhóm mà nói về phía bên kia của những ước mơ âm nhạc, những năm tháng chật vật sống và trụ với đam mê rock. “Khi đó, chơi nhạc là điều quá viển vông, bởi người ta nhìn nhận về rock là một thứ te tua, méo mó. Bản thân những người chơi rock - ít thôi - cũng có những ngộ nhận sai lầm về rock, đó là phải uống rượu, thậm chí phải chơi loại ma túy tổng hợp thì hát rock mới hay. Vì thế, con đường thực hiện ước mơ của chúng tôi đã trải qua những sự nhọc nhằn mà đôi khi cũng không biết là mình có thành công hay không. Làm sao để thành công và trả giá những gì để có một Bức Tường đều nằm trong cuốn tự truyện. Nói ra tất cả những điều đó không phải là để khoe mà cho người đọc, nhất là những người trẻ đang do dự với những ước mơ có thêm bài học hoặc nhìn thấy con đường bất thành của Bức Tường để tránh. Còn thành công thì không ai giống ai và không ai học được của ai cả”, Trần Lập chia sẻ.
Với vai trò là thủ lĩnh, trải qua và chứng kiến mọi chuyện ở “bên kia Bức Tường”, dù ban đầu Trần Lập băn khoăn về khả năng viết lách của mình nhưng anh cũng không có ý định sẽ nhờ một cây viết chắp bút. Anh quan niệm: “Chân dung con người mình được viết ra bằng chính mình thì câu chuyện mới có giá trị. Không có gì xấu hổ hơn, nhục nhã hơn là bịa đặt để tôn vinh chính bản thân mình. Nếu được kể bằng giọng văn hay đến đâu, trau chuốt đến mấy thì cũng khó mà có được sự chân thật bằng chính giọng văn của tác giả. Chính vì vậy mà khi cuốn sách ra đời, nhiều bạn đọc chia sẻ với tôi rằng, họ đã khóc vì những câu chuyện, những cảm xúc được kể ra”.
Có những va chạm nhưng không nhuốm màu lợi ích!
“Cuốn tự truyện chỉ là một lát cắt của Bức Tường nên không phải những gì diễn ra trong đó đều được đưa vào. Có những va chạm giữa các thành viên, nhưng nó không lớn bởi vì nó không bị nhuốm màu lợi ích. Cát-xê của chúng tôi khi đó cao nhất cũng chỉ bằng một mình Mỹ Tâm, cỡ 35 triệu/show. Chia ra và trừ đi chi phí (rock thường tốn kém hơn nhiều so với các dòng nhạc khác) thì số tiền nhận được không đáng để… cãi nhau. Tuy nhiên, rất có thể những chi tiết, những người được tôi nhắc đến không hài lòng thì tôi xin lỗi vì tôi chỉ biết nói ra sự thật và cuộc sống nó là như vậy”.
Trần Lập