"Cố gắng mỗi ngày để Thu Phương hạnh phúc"

Sự kiện: Sao Việt

Đối với người Việt ở hải ngoại ở Mỹ, cái Dũng Taylor từ lâu đã quá quen thuộc. Anh vốn là một kỹ sư viễn thông nhưng lại khá nổi trong vai trò “ông bầu”, giám đốc một công ty giải trí chuyên tổ chức các chương trình ca nhạc dành cho người Việt. Nhưng ở Việt Nam, anh chỉ được biết đến khi kết duyên cùng với ca sĩ Thu Phương.

 

Khi gia đình Thu Phương đổ vỡ, bản thân cô gần như một thân một mình chống chọi với cuộc sống khó khăn ở Mỹ, nếu không có Dũng Taylor có lẽ giờ đây cô đã có cuộc sống khác ở Việt Nam. 

Chính vì vậy, khi họ đến với nhau, nhiều người đã không khỏi nghi ngờ rằng, Thu Phương “chịu yêu” một người như Dũng Taylor cốt là để được ở lại Mỹ. Nhưng rồi chuyện tình yêu của họ đã khiến không ít người thầm ngưỡng mộ. Yêu và luôn mong muốn người phụ nữ của đời mình không bao giờ phải hối tiếc khi gặp mình, Dũng  Taylor cũng thương cả hai con riêng của Thu Phương như con đẻ. Chính anh là người đã thay Thu Phương về Việt Nam đón con trai Duy Hải và con gái Thanh Thảo sang Mỹ đoàn tụ với mẹ. Giờ đây, chuyện “con chung con riêng” giữa họ gần như không còn khoảng cách khi cùng sống trong một mái nhà. 

Nhân chuyến tháp tùng Thu Phương về nước biểu diễn trong chương trình “Người tình In concert” hôm mùng 8/3, phóng viên đã có cuộc trò chuyện thú vị với “ông bầu” Dũng Taylor.

"Cố gắng mỗi ngày để Thu Phương hạnh phúc" - 1

Bí quyết giữ gìn hạnh phuc của vợ chồng ca sĩ Thu Phương là luôn coi nhau như tình nhân.

“Văn hóa rượu đế” và “văn hóa rượu vang”

Nhiều nghệ sĩ hải ngoại khi về nước biểu diễn đều tỏ vẻ ái ngại khi thấy đời sống showbiz Việt khá nhiễu nhương, hay “đánh bóng” bằng những cái vỏ nhà đẹp, xe sang chứ ít nhìn vào chuyên môn.... Sống ở Mỹ lâu, cá nhân anh có thấy nản về điều này không?

Vàng thật không sợ lửa, không cần dùng đến vật chất để phô trương. Tôi nghĩ, một phần đó là nhu cầu của độc giả nên các tờ báo cũng đi theo chiều hướng này. Nếu yêu thích một ca sĩ/nghệ sĩ là phải nhìn vào tài năng, dòng nhạc của họ chứ không phải nhìn vào việc họ có cái gì.Theo quy luật thì sự việc phải bị đẩy đến cao trào thì mới lắng xuống. Sự nhiễu nhương cũng vậy, sẽ bị đào thải và đến lúc người ta sẽ không còn chấp nhận nó nữa. Nhưng phải để nó lên đến cao trào thì người ta mới thấy không thể chấp nhận được nữa. Tôi không ái ngại về tình hình showbiz trong nước vì tôi hiểu quy luật của nó khi có hơn 20 năm làm tổ chức. Đây là chu kỳ của nó, không đi ngược được đâu. Khi họ đói thì cho ăn gì họ cũng ăn. Còn khi đã no thì họ sẽ lựa những món họ thích. Nghệ thuật là món ăn tinh thần nên cũng không nằm ngoài quy luật này. Văn hóa sống gắn liền với văn hóa nghe nhạc. 

Ở Việt Nam, người lao động nhiều hơn nên âm nhạc cũng phục vụ tầng lớp này cũng vì thế là có sự thiên lệch. Ngày xưa người ta uống rượu đế và uống bia nhiều. Bây giờ họ biết thưởng thức rượu vang. Văn hóa sống và văn nghệ luôn đi cùng nhau, đừng sốt ruột, rồi nó sẽ tự đào thải. Chỉ có điều nếu anh chạy theo thị trường thì anh sẽ có độc giả riêng nhưng đồng thời nó cũng đào thải tờ báo của anh nhanh hơn. Âm nhạc cũng thế, những gì chân chính sẽ vẫn lắng lại. Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Có những dòng nhạc nổi lên một thời gian nhưng rồi nó sẽ đi xuống. Thu Phương là ca sĩ rất hiểu quy luật này nên cô ấy không cưa sừng làm nghé, không tranh giành khán giả trẻ mà đối tượng của Phương là trên 30 tuổi trở lên.

"Cố gắng mỗi ngày để Thu Phương hạnh phúc" - 2

Ở tuổi ngoài 40 với 4 đứa con, không ai nghĩ Thu Phương vẫn tràn trề nét thanh xuân như thế này

Bây giờ các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn cũng nhiều hơn trước nhưng cũng dấy lên những tranh luận, nếu cứ “đào xới” mãi một dòng nhạc xưa cũ mà ít có cái mới. Rằng, nếu ai cũng cứ an toàn tìm về quá khứ thì cái mới sẽ không có cơ hội được phát triển. Là “ông bầu” tổ chức âm nhạc, anh nghĩ sao về nhận xét này?

Quan điểm này cũng có cái đúng nhưng chưa đủ. Tôi sẽ không phản đối việc hát nhạc cũ nhưng với điều kiện phải làm mới lại nó thì mới là nghệ thuật. Cái mới chưa hẳn là hay, và không hay thì người ta mới quay lại cái cũ. Nếu cái mới đáp ứng được nhu cầu thì người ta đâu có tìm về cái cũ. Lấy ví dụ như thời trang đi, cứ 10 năm, 20 năm người ta lại quay về cái cũ, dùng cái đó là cơ bản để làm mới lại. Dòng nhạc xưa vốn có nhiều năm tháng và định hình ở nhiều khán giả nên người ta yêu thích là đúng. Nhưng nếu lúc nào cũng an toàn đi theo lối cũ mà không dám đương đầu với cái mới thì nghệ sĩ không phải đang làm văn hóa nữa mà là con buôn nghệ thuật, là đang sống vì nhu cầu của công chúng chứ không phải người làm công việc sáng tạo. Nghệ thuật mà thiếu sáng tạo là khai tử mình rồi.

Với Thu Phương thì sao, anh có cách cân bằng thế nào để chị ấy vẫn giữ được cái mới khi hát lại những ca khúc cũ?

Với Phương, tôi luôn đặt mình là khán giả trung thành chứ không đặt mình ở vai trò là một người chồng để tránh sự cảm tính trong đánh giá. Thường thì khán giả toàn khen mình chứ không bao giờ họ đến trước mặt mình mà chê cả, còn nghệ sĩ thì nghĩ mình hát hay thì mới hát. Tôi luôn nói với Phương rằng, ngay cả khi em hát, khán giả nói “I love you” thì không nên ngộ nhận về điều đó. Tình cảm của khán giả là thật, nhưng họ yêu là yêu cái con người trên sân khấu ở thời khắc đó, bài hát đó chứ chưa hẳn là yêu con người thật của mình. Họ đâu sống với mình hàng ngày để hiểu được mình ưu điểm, nhược điểm của mình. Nếu không tỉnh táo thì nghệ sĩ rất dễ sống trong ánh hào quang mà thiếu thực tế. Chính vì vậy phải có một “khán giả trung thành” không sợ bị phê phán. 

Tôi là người làm việc đó mỗi ngày cho Phương. Tôi luôn nói với Phương, nếu một năm em làm 3 cái đĩa thì phải có một cái làm theo sở thích của khán giả, làm cho mình chỉ một cái thôi. Nếu chỉ làm cho mình thì khán giả không nghe được. Những đĩa nào làm ra mà đồng nghiệp, chuyên môn khen thì khán giả sẽ không duyệt được. Vì đồng nghiệp dùng lỗ tai nghệ thuật để nghe, họ đánh giá nốt này phô, nốt kia chưa chính xác… nhưng khán giả họ có biết nốt nào phô đâu, họ nghe từ trái tim. Và người nghệ sĩ đôi khi thích “leo thang nghệ thuật”, coi trọng đồng nghiệp đánh giá như thế nào hơn, thành ra họ quên đi việc họ đang phục vụ khán giả là chính. Có những người ca sĩ lại làm ngược lại, họ chạy theo khán giả mà quên đi những tiêu chuẩn nghệ thuật. Tôi là người cân bằng điều đó cho Phương.

"Cố gắng mỗi ngày để Thu Phương hạnh phúc" - 3

Dường như, chính hạnh phúc viên mãn  bên người chồng hiểu biết và biết yêu thương đã giúp cho nhan sắc của Thu Phương mặn mà hơn xưa Tựa sách không hay nhưng nội dung rất chất lượng

Như vậy, trong mối quan hệ của anh và Thu Phương, ai là người may mắn hơn ai?

Tôi nghĩ là cả hai. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì mới bền được. Phương cho tôi sự may mắn mà chưa chắc nếu gặp người khác tôi đã có. Hai đứa con tuyệt vời. Phương chưa đến với tôi thì cuốn sách về cuộc đời Dũng Taylor người ta chưa có cơ hội để đọc. Phương là người mở cuốn sách này đến với công chúng, rằng hãy đọc đi. Cái tựa nó không hay lắm nhưng nội dung rất chất lượng. Ngày qua ngày thì họ cũng thấy, nhờ có Thu Phương mà chúng tôi biết đến cuốn sách tên là Dũng Taylor, chứ lúc đầu nhìn cuốn sách này bề ngoài không hấp dẫn, chúng tôi không muốn đọc. Ngoài ra, tôi được trau dồi tiếng Việt chuẩn như bây giờ là nhờ có Phương. Chí Phèo còn có Thị Nở nữa mà, chúng ta phải cần nhau thì mới bền được.

Xem facebook của anh luôn cập nhật những chia sẻ vể gia đình, về một nửa của mình với tình cảm đầy yêu thương, đến mức người ta cảm giác như anh là người sùng bái vợ mình…

Nhiều người cũng nói với tôi như vậy. Có thể đó là quan niệm của người Á châu, còn tôi không nghĩ vậy. Đúng ra, đó là sự tôn trọng người phụ nữ đã mang đến hạnh phúc cho mình thì đúng hơn. Mỗi ngày tôi luôn cố gắng để người phụ nữ của mình không phải hối tiếc vì đã gắn bó cuộc đời với tôi. Và cô ấy cũng vậy. Có những người khi ra ngoài họ có vị trí rất khủng khiếp nhưng khi về nhà, họ lại không là gì cả. Tôi thì luôn muốn ngược lại. 

Người ta hay nói, phía sau thành công của một người đàn ông luôn có hình bóng của người đàn bà. Nhưng ở trường hợp của anh thì dường như là ngược lại. Ở một góc độ khác, để có một người đàn ông “chuẩn mực” như anh, người đàn bà cũng phải biết cách uốn nắn, “dạy dỗ” thì mới có được. Anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ câu này áp dụng với văn hóa Á châu thì đúng, còn ở Mỹ thì không như thế. Một mối quan hệ bền vững là phải biết phát triển những cái hay của nhau và giúp nhau khắc phục những điểm yếu chứ không bao giờ có tư tưởng người này phải dạy người kia. Như thế có nghĩa là tư tưởng người kia không bằng mình thì mới “dạy”.

Người ta hay nói “Vợ ngoan thì làm quan cho chồng”, hay “đằng sau sự thành đạt của người đàn ông là một người đàn bà khủng khiếp”. Nhưng chồng vợ đơn giản chỉ là sự hỗ trợ nhau. Một bên mạnh mẽ, một bên khéo léo. Chính đặc tính khác nhau đó nó sẽ nâng đỡ nhau chứ không nên nhìn nhận chồng hay vợ phải dạy dỗ nhau. 

"Cố gắng mỗi ngày để Thu Phương hạnh phúc" - 4

Tổ ấm hạnh phúc hiện tại với con chung-con riêng của cặp đôi nổi tiếng tại hải ngoại Dũng Taylor-Thu Phương

Anh nói luôn cố gắng mỗi ngày để người phụ nữ của mình được hạnh phúc, vậy anh đã học hỏi như thế nào để thích nghi với hai đứa con riêng của vợ?

2 năm đầu với chúng tôi cũng khá gian nan, khi Phương đón hai con từ Việt Nam sang.  Mỗi khi tôi nói chuyện với hai đứa, nếu không bằng lòng thì Phương lại nói “anh đã làm bố bao giờ đâu”, “anh đâu có kinh nghiệm bằng em” v.v…Phương giống như là gà mẹ luôn che chở cho gà con, nhất là sau nhiều năm phải sống xa con nhìn tôi như một con diều hâu vậy. Tôi đã phải phân tích để Phương thấy rằng, những thứ cơ bản mình có thể học mà không nhất thiết phải trải qua. Nuôi con cũng khiến cho cha mẹ lớn lên mà. Kinh nghiệm của Phương cũng có thể là học được từ mẹ, từ những người đi trước chứ không phải là kinh nghiệm chuẩn nhất, cho nên không thể nói “vì tôi có hai đứa con nên tôi hiểu hơn anh”. Tất cả những cái đó tôi phải chứng minh cho Phương thấy. 

Từ những chuyện nhỏ nhất như hai bố con ngồi xem phim ở nhà, các con của Phương có nhiều điểm chung hơn với tôi nên nói chuyện cũng hợp hơn so với mẹ. Đó còn là vì tôi hiểu tâm lý của các con nhanh hơn, và khi mình làm những việc xuất phát từ trái tim thì cũng sẽ đến từ trái tim. Sau này Phương nhận thấy điều đó nên hoàn toàn yên tâm khi giao phó cho tôi nuôi dạy các con.

Có nghĩa là trong gia đình, anh là người quyết định chuyện con cái?

Tôi chỉ là người định hướng, còn đường lối để đạt được nó là ở Phương. Khi tôi đưa ra định hướng đều bàn với Phương, Phương nói “anh làm đi, em ủng hộ anh”. Lời nói rất quan trọng, nếu không có sự đồng thuận thì một mặt, Phương sẽ đồng ý với tôi nhưng mặt khác thì cô ấy sẽ làm điều ngược lại sau lưng tôi. Người vợ phải bù đắp cho chồng, ủng hộ chồng thì người đàn ông mới có sự tự tin để tiếp tục vì đàn ông vốn dễ chán hơn phụ nữ. Cho nên trong gia đình rất cần sự khéo léo của người vợ đề động viên đàn ông đi đến mục tiêu cuối cùng.

Cảm ơn anh Dũng Taylor về cuộc trò chuyện! 

Có một điều rất đau lòng là tôi bị người Việt kỳ thị nhiều hơn ngoại quốc. Người Mỹ đánh giá con người ở hành động, ở địa vị chứ không nhìn vào nguồn gốc. Nhưng người Á châu thì hay đánh giá con người ở bề ngoài, “trông mặt mà bắt hình dong”. Nhiều người gặp tôi ban đầu không có ấn tương tốt lắm, nhưng qua thời gian tiếp xúc, họ mới nói, “ồ, anh Dũng khác với suy nghĩ ban đầu”. Thành kiến kinh khủng hơn thành trì là vì thế. Lẽ ra có những điều làm cho con người lẽ ra phát triển hơn nhưng chính vì cái thành kiến mấy nghìn năm mà làm tụt hậu đi. Cho nên, điều tôi cố gắng khắc phục, dạy dỗ các con mình là đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Dù các con tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng tôi nghĩ, Mỹ hay Á không quan trọng, mình cứ tạo cho con nền tảng trước đã. Nền tảng quan trọng hơn chất liệu. Khi có nền tảng rồi thì dù sống ở đâu thì nó cũng sẽ hiểu, đạo đức con người là quan trọng nhất. Âu hay Á thì chỉ còn là vấn đề sự khác biệt trong văn hóa, môi trường sống, còn bản chất của con người mới là quan trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà (Gia đình xã hội)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN