Chuyện tình của "ni cô Huyền Trang"
Dù đã lên chức bà nhưng NSƯT Thanh Loan vẫn giữ được vẻ mặn mà của giai nhân với vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn nổi danh một thời.
Hình ảnh ni cô Huyền Trang đằm thắm, thánh thiện với đôi mắt buồn thẳm sâu vời vợi do Thanh Loan thủ vai trong "Biệt động Sài Gòn" đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả điện ảnh cả nước những năm 80. Cái tên "ni cô Huyền Trang" cũng gắn liền với chị từ dạo đó.
"Ni cô Huyền Trang" - đỉnh cao khó vượt
Là con gái Hà Nội, từ bé Thanh Loan hay được bố mẹ cho đến rạp Hồng Hà xem kịch. Mơ ước cháy bỏng trở thành diễn viên của chị bắt đầu từ đó. NSƯT Thanh Loan sinh ra trong gia đình không có ai đi theo con đường nghệ thuật. Mọi người đều muốn chị trở thành bác sĩ nhưng nghe theo bạn bè, chị đi thi tuyển Văn công Quân đội.
Sở hữu vẻ đẹp đặc trưng của thiếu nữ đất Hà Thành với khuôn mặt trái xoan xinh xắn, vóc dáng đẹp, chị bén duyên với nghệ thuật ở tuổi trăng tròn 15. Người đẹp phố cổ chính thức chạm ngõ điện ảnh với vai Riêng trong Người về đồng cói.
Ngoài vai diễn ni cô Huyền Trang, chị có tham gia một số phim nổi tiếng nữa như: Phương án ba bông hồng, Nơi tình yêu đã chết
Đó cũng là vai diễn đặt nền móng vững chắc cho con đường dấn thân vào môn nghệ thuật của chị. Nhưng có lẽ vai ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn mới chính là vai diễn "đo ni đóng giày" với người đẹp Hà Thành.
Sau này, chị từng tâm sự: "Đấy là đỉnh mà tôi không bao giờ vượt qua được".
Sau vai diễn để đời đó, chị đã trở thành một người lính, một nữ đại tá, giữ vai trò quản lí trên cương vị là Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân. Công việc không cho phép chị bỏ thời gian để đi đóng phim nên mặc dù nhớ màn ảnh lắm nhưng chị cũng đành phải chấp nhận.
Sau đó, người ta hầu như không thấy chị xuất hiện trên màn ảnh. Không ít lời đồn thổi, thậm chí, một thời gian người ta còn kháo nhau rằng chị bị đánh ghen, bị tạt a xít, thậm chí ám sát vì vai diễn này.
Chuyện tình êm đềm của nữ văn công
Là giai nhân đình đám của Hà Nội những năm 80, Thanh Loan từng khiến bao chàng trai mê đắm tiếc nuối khi bất ngờ nhận lời làm vợ một tiến sĩ khoa học.
Chuyện rằng, một lần đi đóng phim, chị gặp bà thím ruột của anh Hồ (chồng chị bây giờ) cũng công tác trong đoàn phim. Bà “nghiên cứu” cho hai người gặp gỡ rồi thành đôi. Anh là người đàn ông thâm trầm, ít nói nhưng vẻ nghiêm túc, chỉn chu và chững chạc của anh đã gây thiện cảm cho chị.
Trước khi gặp anh, chị đã trải qua những mối tình trong trẻo. Nhưng cuộc chiến trường kỳ gian khổ khiến đôi lứa xa cách, chẳng đến được với nhau. Có người là chiến sỹ lái máy bay, chưa kịp hẹn ngày hạnh phúc thì đã hy sinh… Chị là cô văn công ít tuổi nhất trong đoàn nhưng lại có nhiều người theo đuổi nhất.
Dường như không muốn phiêu lưu trong tình cảm khi cuộc đời nghệ sĩ vốn bấp bênh, năm 23 tuổi, NSƯT Thanh Loan kết hôn với anh Hồ, anh hơn chị 10 tuổi. Lúc đó, anh là người của lực lượng vũ trang, được cử đi nghiên cứu sinh ngành toán - tin ở CHLB Đức.
Chị nhớ lại, những năm chị đóng phim Biệt động Sài Gòn, anh vẫn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học ở nước ngoài
Chị chia sẻ: "Thật ra, tôi thích người khác nghề hơn. Làm nghệ thuật đã lênh đênh, chân chẳng đến đất, đầu chẳng đến giời, nếu lấy nhau thì khó hạnh phúc. Người khác nghề sống với nhau có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị khác".
Cuộc sống êm đềm của hai vợ chồng chị như một sự bù đắp cho mối tình dang dở trước đó. Chị nhớ lại, những năm chị đóng phim Biệt động Sài Gòn, anh vẫn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học ở Matxcơva. Chuyện gia đình anh nắm bắt được đều thông qua những bức thư chị gửi từ Việt Nam. Chị tâm sự với chồng chuyện cha mẹ, con cái và cả chuyện đoàn phim. Vào vai ni cô, Thanh Loan phải cạo đầu. Biết tin vợ xuống tóc, chồng chị cứ xuýt xoa, nuối tiếc mãi.
Chồng tin tưởng, mẹ chồng tâm lý
Anh Hồ là người nghiên cứu khoa học nhưng rất trân trọng và yêu quý người làm nghệ thuật. Chính vì vậy, anh không khắt khe chuyện chị đi đóng phim. Thêm vào đó, cũng bởi anh rất tin tưởng vợ. Không phụ lòng tin của chồng, chị cũng rất cẩn thận trong việc tự kiểm soát bản thân. Khi quay Biệt động Sài Gòn, đọc kịch bản thấy không có nhiều cảnh đụng chạm hay không có những pha tình cảm dữ dội, chị mới nhận lời. Dù sao cũng là gái có chồng nên chị luôn xác định rõ ranh giới với anh em bạn bè. Cũng là một cách để người đời bớt dị nghị.
Tiền thù lao đóng phim ngày ấy không có nhiều, được lên hình là cả vinh dự lớn. Vì vậy, chị có thành công, cái tên Thanh Loan có nổi đình nổi đám nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Anh ở nước ngoài dành dụm và tiết kiệm mua sắm đồ đạc gửi về cho vợ, lúc thì chiếc xe đạp, khi cái áo lông thú, giấy ảnh… Thời bao cấp, đó là những tài sản lớn đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình để chị yên tâm làm nghề.
Thấy con dâu suốt ngày đi đi, về về; bổn phận làm vợ, làm mẹ nhiều khi chưa tròn nhưng mẹ chồng chị cũng rất mực hiểu con. Biết chị say nghề, bà nội cảm thông và chăm nuôi các cháu chu đáo để con dâu an tâm đi đóng phim xa nhà hàng tháng trời. Có khi, cả nửa năm, chị ở Sài Gòn. Lúc ấy, điều kiện đi lại khó khăn nên chị còn được đi nhờ máy bay quân sự để rút bớt thời gian về với các con nhỏ.
Dù đã lên chức bà nhưng NSƯT Thanh Loan vẫn giữ được vẻ mặn mà
Nhưng lúc đoàn phim bớt bận, chị đưa mẹ chồng và các cháu cùng vào Sài Gòn. Mẹ chồng và các bà bác của chị còn vui vẻ tham gia vai người đi lễ chùa trong phim. Lúc phim ra mắt, mẹ chồng và các con là những khán giả đầu tiên xem và ủng hộ chị. Tuy nhiên, mấy đứa nhỏ thấy mẹ bị tra tấn dã man nên sợ không dám xem nữa.
Như để bù đắp cho con dâu và các cháu quãng thời gian vắng chồng, vắng cha nên mẹ chồng của NSƯT Thanh Loan dành trọn niềm tin yêu cho con dâu và các cháu. Vừa được chồng tin tưởng, vừa được mẹ chồng yêu thương, hiếm có người phụ nữ nào có diễm phúc như chị.
Bây giờ, khi đã nghỉ hưu nhưng niềm khát khao làm nghề chưa bao giờ nguôi ngoai với nàng "ni cô" đình đám. Vì vậy, khi bạn bè đồng nghiệp có kế hoạch làm phim, chị lại thu xếp việc nhà để lên đường.
Chị nói: “Dẫu có tuổi, nhưng người phụ nữ nên dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao, đơn giản như: đi bộ, chơi cầu lông, bơi… để giữ sức khỏe tốt, tiếp tục hoàn thành công việc của mình”. Chiều chiều, “ni cô” lại sắp xếp thời gian để lên sàn nhảy, không chỉ nhẹ nhàng với vũ điệu cổ điển mà còn quyến rũ với những vũ điệu hiện đại.
Cuộc đời Thanh Loan là dòng sông êm đềm và phẳng lặng. Vai ni cô Huyền Trang đã khuấy động phần nào, nhưng rồi lại trả chị về với thế giới của riêng mình, với yên bình và hạnh phúc ngọt ngào bên chồng và các con…
Chị nói: “Tôi may mắn có được sự thông cảm, tôn trọng từ chồng và con cái. Họ đều ủng hộ công việc cũng như sở thích của tôi".