Chuyện lạ từ “Tiếng hát mãi xanh”
Không đơn thuần là cuộc thi ca hát, Tiếng hát mãi xanh (THMX) dần trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần của những người tuổi trung và cao niên trên cả nước.
Cuộc thi Tiếng hát mãi xanh (THMX) là dịp để những cặp vợ chồng “răng long đầu bạc” thắt chặt thêm tình già, những người đồng đội năm xưa nhớ về nhau.
Lỉnh kỉnh đồ đạc đưa vợ đi thi
Hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại bảng thi B (tuổi từ 51 trở lên) là các bậc mày râu tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc, chăm lo cho vợ đi thi.
Đang làm bảo vệ tại một công ty, anh Trần Thanh Nhiệm (56 tuổi) sẵn sàng xin nghỉ phép để chở vợ đi thi. Để động viên bà xã, anh ngọt ngào: “Lúc nào anh cũng sẵn sàng bảo vệ cho em!”.
Chị vợ - thí sinh Trần Thị Bạch (55 tuổi; SBD 631B) “lén” chồng đăng ký dự thi, nhưng đã bị anh phát hiện và nhất quyết… không cho chị đi một mình!
Anh bảo vệ Trần Thanh Nhiệm tươi cười bên cạnh vợ
Quan niệm đàn ông thường khô khan, ít bày tỏ… dường như không còn đúng ở THMX. Bởi tại đây, rất nhiều sự quan tâm, bảo bọc, động viên nhau của các cặp vợ chồng - đúng ra là những đôi tri kỷ - dắt nhau đi thi thật đáng ngưỡng mộ.
Dáng vẻ rụt rè trong chiếc áo sơ mi bạc màu, anh Cao Hữu Đức (59 tuổi) với lỉnh kỉnh đồ chuẩn bị cho vợ đi thi. Nghe bà con chỉ nước chanh giúp giữ giọng, nên sáng anh dậy thiệt sớm, pha sẵn mang theo cho vợ.
Lo lắng từ lúc vợ đăng ký dự thi, mỗi ngày chồng đều mở karaoke cho vợ tập luyện, anh cho biết lâu lâu vợ anh mới có dịp giải trí, nên cho dù bà - thí sinh Nguyễn Thị Tươi (59 tuổi; SBD 245B) - đã thi xong: “Tôi vẫn bảo cứ ngồi xem và trò chuyện với các thí sinh khác, còn tôi ngồi ngoài đợi” - anh cho biết. Cưới nhau đã 40 năm, biết vợ mê hát nên lúc nào anh cũng tình nguyện làm khán giả trung thành.
Anh Cao Hữu Đức lỉnh kỉnh đồ đưa vợ đi thi
Bên cạnh việc thỏa đam mê ca hát, THMX còn tôn vinh được những giá trị tình cảm thật đáng trân trọng. Được biết, nguồn động lực của các thí sinh luôn từ người thân, đặc biệt từ “một nửa” của mình.
Được chồng “hộ tống” đi thi, thí sinh Nguyễn Mộng Thoa (65 tuổi; SBD 73B) rất vững tinh thần và hát rất sung, cao hứng “phiêu” nên thêm vào bài 60 năm cuộc đời rằng: “Ơ, ơ, là thế, là thế đó!”. Thế nhưng ngồi dưới hàng ghế cổ động viên và toát cả mồ hôi hột là chồng bà, ông Lê Hưng Vượng (66 tuổi), thắc thỏm không biết bà có quên lời không mà hát thế.
Và cũng chỉ ở THMX, rất nhiều bất ngờ, thú vị và cảm động: đang hát ngon lành: “Giờ đây mỗi lần em buông tiếng hát, thì ai thay thế nắn nót cung đàn…” (Giọng ca dĩ vãng - Bảo Thu), thí sinh Trần Thị Tuyết (59 tuổi; SBD 921B) đã… bật khóc.
Có lẽ bài hát đã chạm vào đâu đó ký ức thẳm sâu của bà. Và cũng thật ngẫu nhiên, thí sinh dự thi ngay sau đó sau - ông Nguyễn Thiện Đức (53 tuổi; SBD 935B) lại hát Anh còn nợ em (Anh Bằng) thật tình cảm, da diết, khiến cả phòng vỗ tay tán thưởng, có lẽ vì bài hát đã chia sẻ, an ủi phần nào tâm sự của bà Tuyết!.
Một thí sinh vừa đi thi vừa tranh thủ chăm sóc cháu ngoại
Sau phần dự thi xúc động và phần “an ủi” đáp trả, bà Trần Thị Tuyết đã lau nước mắt, tươi cười, chụp ảnh… cho thấy nhu cầu bày tỏ tình cảm, sẻ chia và an ủi luôn mạnh mẽ dù ở độ tuổi nào.
Không thiếu những cặp vợ chồng yêu ca hát dắt nhau đi thi THMX 4 năm liền như ông bà Vũ Tiến Được (65 tuổi; SBD 51B) - Nguyễn Hồng Nhung (57 tuổi; SBD 46B), tiêu biểu cho những mối tình già và tinh thần yêu ca hát “mãi xanh”.
Đi thi để đồng đội biết mình còn khoẻ
Đây là lần thứ tư cụ bà đến với Tiếng hát mãi xanh, tuy nhiên qua mỗi năm bà Lê Thị Tuý Tuyết (84 tuổi) vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục đăng kí dự thi. Bà thừa nhận mình không có tài năng về ca hát, tuy nhiên, năm nào cũng đến đăng kí tham gia cuộc thi ngoài chứng minh niềm say mê với âm nhạc, còn là cách để bà cho đồng đội năm xưa biết mình vẫn còn khỏe.
Cụ bà Tuý Tuyết 84 tuổi đi thi không phải để cố giành giải
Những bức ảnh ấm tình đồng đội, đồng chí
Có mặt tại những ngày diễn ra các vòng thi, thật không khó để bắt gặp những mái tóc hoa râm, làn da lấm tấm đồi mồi hay những dáng đi không còn thẳng... của các “lão thí sinh”. Thế nhưng điểm chung ở họ, chính là tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống nhờ âm nhạc. Nhiều cụ ông, cụ bà trong tâm trạng háo hức như được sống lại những năm tháng tuổi trẻ, được hát ca với đam mê cháy bỏng.
Từng phần dự thi đều chung nét hăng say, tình cảm và luôn cháy hết mình dù cho họ có run lập cập trên sân khấu. Khi cụ bà 79 tuổi, Hà Thị Sơn vừa dứt câu cuối cùng trong bài Mưa hồng (Trịnh Công Sơn): “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, cả khán phòng thở phào nhẹ nhõm và dành tặng nhưng tràng pháo tay nồng nhiệt.
Lý do bởi “lão ca sĩ” lúc lên thi vì hồi hộp quá nên quên mất lời bài hát. Mãi đến khi các thí sinh và cả Ban giám khảo hỗ trợ, người nhắc lời, người bắt nhịp, thì bà cụ mới bình tỉnh hoàn thành phần dự thi. “Cả đêm qua tui trằn trọc không ngủ được, nhưng cho dù gì cũng hài lòng với kết quả” - bà nói sau khi kết thúc phần thi.
Thí sinh Nguyễn Văn Lý (69 tuổi) với kinh nghiệm “chống” quên lời ở hai mùa giải trước năm nay vui vẻ trở lại với cuộc thi. Ông chia sẻ nhờ âm nhạc mà mình trở nên phong độ hẳn lên. Qua đúc kết trong từng mùa giải, năm nay ông mạnh dạn dự thi trở lại với hi vọng sẽ đi sâu vào vòng trong.
Thí sinh Nguyễn Văn Lang
Bằng chất giọng khỏe khoắn và diễn cảm, ông Nguyễn Văn Lang (68 tuổi) hát Thuở ấy có em (Huỳnh Anh) khiến cả khán phòng say đắm theo từng giai điệu. Ông tự nhận mình là có “máu âm nhạc”, đi đâu cũng muốn được hát. “Mỗi lần hát là tui thấy cuộc sống này trở nên đáng yêu vô cùng”, ông chia sẻ.
Cùng suy nghĩ, một thí sinh khác đồng niên tên Ngô Văn Lang lại nhận mình là “tay” đi hát đám cưới cừ khôi, ở đâu có sân khấu cũng muốn lên để được hát. “Có Tiếng hát mãi xanh, giờ tui thỏa mãn được niềm đam mê với âm nhạc rồi đó!”, anh tấm tắc.
Trong khi đó, thí sinh Dương Hữu Hùng (70 tuổi) từ Nha Trang một mình đi thi, vừa xuống xe là tới điểm thi liền. Được biết một tuần trước khi thi, ông bị rối loạn tiền đình phải nhập viện, tưởng chừng đã bỏ lỡ dịp thi. Nhưng vì mê quá, ông nói nhỏ với bác sĩ cho đơn thuốc gì để uống hết bệnh sớm để về thi THMX.
Còn với thí sinh Hồ Thị Thu Lý (68 tuổi) một tuần trước vừa mổ chân, nhưng cũng ráng thu xếp về sớm để đi thi. Bước khập khiễng lên sân khấu, cô nói: “Còn sức thi được là vui rồi”.
Không khí mãi xanh của các bậc lão niên Tiếng hát mãi xanh
Mỗi thí sinh đến với cuộc thi là một câu chuyện vui, cảm động. Điều này cho thấy sức thu hút, độ hấp dẫn của cuộc thi hát dành cho người trung và cao niên từ đó đến nay vẫn chưa hề giảm nhiệt.