4 lần lấy vợ của nghệ sĩ Hồ Kiểng

Nếu trong bóng đá thế giới, có những cầu thủ suốt đời chỉ đá dự bị nhưng luôn tỏa sáng rực rỡ khi vào sân từ băng ghế dự bị, thì trong nền điện ảnh Việt Nam cũng có một “siêu dự bị” như thế, đó là NSƯT Hồ Kiểng.

Hồ Kiểng tuy cả đời chỉ đóng vai phụ, nhưng mãi mãi để lại ấn tượng trong lòng khán giả với những vai phụ đó. Hồ Kiểng còn là người sở hữu những kỷ lục “ấn tượng” có một không hai: 88 tuổi đời có 65 năm tuổi Đảng, đóng 200 bộ phim nhưng chỉ toàn vai phụ, trên người toàn “hàng giả”: từ răng giả, tóc giả, đốt xương sống giả, tim giả… nhưng tình yêu với điện ảnh thì không ai dám nghi ngờ. Như thế thôi cũng đủ chất liệu cho một bài viết về “siêu vai phụ” của điện ảnh Việt Nam.

4 lần lấy vợ của nghệ sĩ Hồ Kiểng - 1

 Nghệ sĩ Hồ Kiểng 

“Kỷ lục gia” về số lần đóng vai phụ

Có người nói, cuộc đời Hồ Kiểng là cuộc đời của một người sinh ra để cho những kỷ lục và là chất liệu để có thể dựng lên một cuốn tiểu thuyết ăn khách vì xét cả về đời tư lẫn sự nghiệp điện ảnh, Hồ Kiểng đều có những điều mà chẳng phải ai cũng có.

Hồ Kiểng bắt đầu bước vào lĩnh vực điện ảnh với vai diễn đầu tiên trong phim truyện nhựa “Lửa trung tuyến” năm 1962 (Đạo diễn Phạm Văn Khoa – Lê Minh Hiền). Tính đến năm 2012, ông đã hóa thân vào hơn 200 vai diễn trên cả màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ. Đã 2 lần ông vinh dự được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam tặng chứng nhận Kỷ lục người diễn viên đa tài nhất – đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện (1992); Kỷ lục là diễn viên đóng nhiều vai phụ nhất trong phim Việt Nam (2005). Có thể nói, đến nay vẫn chưa có một diễn viên điện ảnh – truyền hình nào phá vỡ kỷ lục này.

NSƯT – kỷ lục gia Hồ Kiểng sinh năm 1926 tại Giồng Trôm, Bến Tre. Gần 90 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động nghệ thuật, mỗi lần gặp các nhà báo, Hồ Kiểng có thể kể nhiều về cuộc đời ông, nhưng chuyện ông hay kể nhất và có lẽ cũng là chuyện ông tự hào nhất là những năm tháng của một người lính – chiến sĩ.

Trước khi trở thành nghệ sĩ – chiến sĩ, ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ giai đoạn tiền khởi nghĩa. Tháng 8/1945, Hồ Kiểng vào quân ngũ, là chiến sĩ Tiểu đoàn 209 (Bến Tre). Sau một thời gian huấn luyện, chiến đấu, với năng khiếu ca hát, diễn tuồng sẵn có, Hồ Kiểng được chọn vào đội xung kích, vừa chiến đấu, vừa xây dựng các chương trình văn nghệ phục vụ bộ đội và nhân dân, tuyên truyền tinh thần yêu nước, căm thù giặc, kêu gọi toàn dân sát cánh đánh đuổi ngoại xâm. Ông nhớ lại: “Lúc bấy giờ, đời sống vật chất, tinh thần của quân dân ta còn hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng tinh thần kháng chiến thì sục sôi như thác. Tui nhớ mãi Tết năm 1946, cái Tết đầu tiên của Nam bộ kháng chiến, tụi tui dàn dựng và biểu diễn các tuồng cổ kích thích tinh thần yêu nước, chống giặc của nhân dân, đi đến đâu cũng được bà con yêu quý”. Rồi ông được tuyển chọn vào Đoàn Cải lương Long Châu, quy tụ những chiến sĩ văn nghệ xung kích đi biểu diễn phục vụ kháng chiến suốt chiều dài đất nước.

Năm 1954, ông cùng một số chiến sĩ văn nghệ tập kết ra Bắc, vào miền Trung, đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân khắp các chiến trường khói lửa. Hỏi ông về những năm tháng “tiếng hát át tiếng bom”, ông bảo: “Giờ già rồi, không thể nhớ được thời gian, địa điểm cụ thể, nhưng cả trăm lần hát và diễn tuồng phục vụ bộ đội ở chiến trường, nhiều lần dính bom của Mỹ, nhiều anh chị em nghệ sĩ hi sinh, có mấy lần tui bị sức ép của bom tưởng chết”.

Năm 1959, Hồ Kiểng bén duyên điện ảnh với một vai diễn trong bộ phim truyện nhựa “Lửa trung tuyến”. Ông là nghệ sĩ đa tài, có thể đóng được tất cả các dạng vai. Bởi thế, phần lớn các bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam trước, trong và sau giải phóng miền Nam đều có bóng dáng của ông. Dù chủ yếu là đóng vai phụ, song các vai diễn của Hồ Kiểng đều đọng lại trong tâm trí khán giả những ấn tượng khó quên.

Cuộc đời làm nghệ sĩ của Hồ Kiểng có nhiều kỷ niệm mà như lão nghệ sĩ từng tự hứa với lòng, dù chết đi cũng không thể quên, một trong số đó là lần gặp Bác Hồ. Thời trẻ, Hồ Kiểng thường được các đạo diễn phân vai phản diện, đáng nhớ nhất là vai dân công Điện Biên Phủ trong phim “Lửa trung tuyến”. Đêm công chiếu, đoàn làm phim vinh dự đón Bác Hồ đến xem. Bác hỏi: “Trong đoàn có chú nào là người miền Nam?”, Hồ Kiểng được đoàn giới thiệu, Bác gọi ông đến rồi ôm vào lòng hỏi: “Chú đóng vai bất mãn mà chú có biết bất mãn không?”. Hồ Kiểng cảm động đáp: “Dạ thưa Bác, không”. Bác nói: “Chú nói không thật. Không biết bất mãn làm sao chú đóng vai bất mãn hay thế”. Rồi Bác cười: “Nói đùa vậy thôi chứ đồng bào miền Nam mình còn khổ nhiều lắm”.

Hy sinh phi thường vì nghệ thuật

Bên cạnh kỷ niệm vui đó, cũng có những lần Hồ Kiểng đối mặt với cái chết trong gang tấc vì hy sinh cho nghệ thuật. Năm 1966, đoàn làm phim “Rừng xà nu” của Xưởng phim Quân đội lên Cao Bằng quay ngoại cảnh. Trong một cảnh, diễn viên Hồ Kiểng vốn cầm tinh con cọp không may bị ngựa đá ngã xương sống, phải đưa vào bệnh viện Cao Bằng.

Một lần khác, Hồ Kiểng lại vào vai ông già chuyên đi soi rắn ếch trong phim “Đêm săn tiền”. Cảnh quay diễn ra ở một bụi cây rậm rạp tại Thủ Đức, lão già soi được một chú rắn hổ mang, chế phục xong bắt bỏ nghiến vào giỏ thì sự cố xảy ra. Đạo cụ là một con rắn hổ mang đã chết được trói miệng bởi dây thép, Hồ Kiểng bắt nó bỏ vào giỏ thì một đầu dây đã đâm vào tay làm chảy máu… Rắn đã chết nên mọi người lập tức đưa ông vào bệnh viện tiêm phòng têtanôt, song vết thương nhức nhối sưng tấy lên, khi đến nơi thì ông đã chết lâm sàng. Trời đất xui khiến sao đó, Bác sĩ Trực là người chuyên chữa trị rắn độc cắn. Xem nhanh tình trạng của Hồ Kiểng, bác sĩ khẳng định ông bị nhiễm nọc rắn độc và bình tĩnh chữa theo kinh nghiệm. 2 ngày trôi qua, bác sĩ cho bệnh nhân thở máy để duy trì hoạt động của tim, truyền nước biển có mồ hôi ngựa sản xuất tại Nhật… song vẫn chưa tìm thấy sự sống nơi ông. Trước tình thế ấy, gia đình đã đến xin đem về làm hậu sự. Vị bác sĩ quả quyết để ông ở đây tiếp tục điều trị, sau 3 ngày 3 đêm nếu không kết quả thì cho đem về nhà, còn nếu ông tỉnh lại thì sẽ tự về chẳng cần ai đưa đón.

Như có phép lạ, Hồ Kiểng đã tỉnh lại sau khi truyền hết 21 chai nước biển nói trên trọn 3 ngày và tự thuê xe về nhà. Vị bác sĩ cho biết, ông đã nghiên cứu qua thi thể các nạn nhân bị rắn độc cắn được khai quật, phần nhiều không nằm ở tư thế lúc đầu, mà có người nghiêng co 2 chân, có người lại trong tư thế lom khom… như thế là sau khi chon, họ đã sống lại, vùng vẫy trong môi trường yếm khí rồi mới chết.

Ông đã chữa trị cho 20 trường hợp, cứu sống được 17 người, đến Hồ Kiểng là người thứ 18. Một lần khác, Hồ Kiểng tham gia phim “Cảnh sát hình sự”. Ông đóng vai một lão già dê trong cơn say xỉn đã ôm đại cô chủ quán và… hôn đúng lúc gã bồ của cô xuất hiện, vậy là phải hứng trọn một bàn ê hề rượu thịt. Cơn ghen tột đỉnh đã khiến cú đẩy khá mạnh làm ông lão té dập đầu xuống sàn nhà. Cảnh quay chấm dứt, ông thấy chóng mặt và đau đầu dữ dội, liền vào bệnh viện chụp CT thì phát hiện máu bầm đọng trong não. Bác sĩ quyết định khoan 2 lỗ phía sau đầu để hút máu bầm, nhưng như vậy thì phải gây mê mà gây mê lại ảnh hưởng đến trí nhớ, làm sao còn đóng phim được? Thế là Hồ Kiểng cắn răng chịu đau để bác sĩ tiến hành quy trình khoan đầu hút máu bầm… không gây mê. Quả là một nghị lực phi thường, một tấm tình hy sinh cho nghệ thuật.

Hồ Kiểng là một người cả đời hi sinh cho nghệ thuật như thế. Cả đời ông chỉ đóng vai phụ, nhưng ông luôn yêu từng vai diễn của mình. Gần 90 tuổi, người già có thể quên nhiều cái, Hồ Kiểng cũng không ngoại lệ. Nhưng quên gì thì quên, Hồ Kiểng vẫn nhớ từng vai diễn ông đã đóng. Và dù có thế nào, ông cũng hy sinh hết lòng vì nghệ thuật. Hồ Kiểng bị thương nhiều lần, lần nào bác sĩ cũng khuyên không nên làm việc nặng, nhưng quá yêu nghề nên ông lại nghĩ, người chiến sĩ hy sinh trên chiến trường vì tự do, độc lập, người diễn viên cũng phải chết vinh quang trên từng thước phim vì sự ngưỡng mộ của quần chúng.

Nghĩ vậy, ông lao vào công việc không biết sợ, đảm trách cả những việc quá nặng như ở vở kịch Xâm lược (kịch Liên Xô), ông vào vai bác sĩ Talanov, ẵm 2 cô gái bị phát xít Đức hãm hiếp đến chết (do Tú Lệ, nặng 44kg và Võ Thị Năm, nặng 42kg đóng) trên tay, đó là công việc quá mức của người bệnh đang nghỉ dưỡng. 11 đêm diễn ở rạp Đống Đa (Hà Nội), Hồ Kiểng đã làm cái việc không tưởng như thế mà vẫn… sống sót. Vì thế, Hồ Kiểng càng liều.

Mấy năm trở lại đây, Hồ Kiểng phải dùng tim nhân tạo. Không có tiền, Hồ Kiểng phải nhờ Hội Chữ thập đỏ quốc tế và anh em nghệ sĩ giúp đỡ. Đến lần thay máy trợ tim lần sau, Hồ Kiểng cũng không có tiền, anh em nghệ sĩ lại lao vào giúp đỡ. Nhưng Hồ Kiểng vẫn mang tim giả đi đóng phim, quyết làm “dũng sĩ tử vì điện ảnh” cũng không hối hận.

4 đời vợ, đến già vẫn cô đơn

4 lần lấy vợ của nghệ sĩ Hồ Kiểng - 2

Chuyện tình của Hồ Kiểng cũng lắm ly kỳ. 18 tuổi, ông bị “bắt” lấy vợ để sớm có người nối dõi tông đường. Ba mẹ ông đã già, sợ con không lấy vợ sớm sẽ không có cơ hội nhìn mặt dâu con. Không quen biết, chỉ qua giới thiệu của người mai mối, đến ngày cưới, Hồ Kiểng mới được nhìn thấy dung nhan của người bạn đời. Cuộc sống vợ chồng quá bất ngờ của chồng 18, vợ 16 đã gặp phải không ít trở ngại đối với Hồ Kiểng. 19 tuổi, ông được làm cha trong sự ngỡ ngàng của bạn bè. Đứa con gái đầu lòng chào đời chưa được bao lâu thì đã nhanh chóng từ giã cõi trần để lại nỗi đau ngơ ngác của đôi vợ chồng trẻ.

Thời gian sau, vợ ông đi theo một đồn trưởng giàu có trong vùng rồi chính thức bỏ rơi ông. Năm 1954, Hồ Kiểng tập kết ra Bắc. Tại đây, ông đã gặp và bén duyên với người phụ nữ xứ Thanh. Ông nhớ lại, lúc đó, ông chỉ có mục đích là sang tán tỉnh cô nàng bán hàng tạp hóa gần đó. Nhưng một hôm, khi ông đang thực hiện chiến dịch “cưa gái” thì bắt gặp một người phụ nữ đã luống tuổi. Tuy vậy, trông cô vẫn toát lên một vẻ đẹp thanh khiết. Cô qua tiệm tạp hóa xin mấy cái thùng về làm gì đó không biết. Vậy là lần đó, Hồ Kiểng ra sức vác toàn bộ số thùng giúp cô gái nọ. Cảm động trước tấm lòng của anh diễn viên, sau vài lần trò chuyện, cô gái đã đồng ý theo chàng về làm vợ.

2 đứa con gái lần lượt ra đời nhưng không may 1 người mắc bệnh hiểm nghèo nên đã mất. Vốn theo nghiệp diễn, phải di chuyển nơi ở thường xuyên nên ông quyết định dẫn vợ con vào Nam sinh sống. Trong lần Hồ Kiểng về quê để xin phép cha mẹ cho nhận dâu con thì người vợ ở trên thành phố lại phải lòng anh chàng bán vàng. Lần đó, ông buồn lắm. Ông bảo, mình đi có thời gian ngắn thôi mà sao người ta lại nỡ thay lòng đổi dạ. Tuy không bằng anh chàng buôn vàng kia nhưng dù gì mình cũng hơn đứt anh ta ở tình thương và tinh thần trách nhiệm. Vậy mà, người vợ một đời làm nông dân chất phác, hay lam hay làm nay bị “vàng” làm lu mờ con mắt.

Vợ đòi ly hôn, nghe tin ấy, Hồ Kiểng đau khổ tột cùng, buồn da diết. Nhưng cuối cùng, ông lặng lẽ gật đầu cho vợ sang ngang. Ông bảo: “Khi con người ta đã rẽ lối thì có níu kéo cũng chẳng đem lại điều gì. Tôi yêu thương thật lòng nhưng không bao giờ ngăn cản hay bi lụy trước tình cảm. Ai đi được cứ đi, đời tôi âu cũng là cái số rồi”.

Lần ở Cao Bằng, bị thương hút chết khi đóng phim “Rừng xà nu”, nhưng cũng vì thế mà Hồ Kiểng lấy được người vợ thứ ba. Khi Hồ Kiểng được đưa vào bệnh viện Cao Bằng, không thể chờ đợi, đoàn phải thay diễn viên rồi gửi Hồ Kiểng lại cho địa phương điều trị và khẩn trương lên đường. 8 tháng liền, ông được một chị hộ lý người Tày tận tình chăm sóc. Cuối tuần, con gái chị, tên là Mai Khanh, khi ấy mới 16 tuổi, đang đi học bên đất Trung Quốc lại vào giúp mẹ chăm sóc “chú diễn viên” và nghe chú kể chuyện phim. Vết thương không lành, xưởng phim lại phải đưa Hồ Kiểng về điều trị 13 tháng nữa ở bệnh viện Bạch Mai rồi cuối cùng phải đưa sang Liên Xô thay cột sống giả. Trở về nước, ân tình sâu đậm của mẹ con người hộ lý làm Hồ Kiểng quá xúc động. Ông viết một lá thư dài đến 7 trang để cảm tạ. Mấy ngày sau, chị hộ lý dẫn theo cô con gái lúc này đã 19 tuổi về Hà Nội gặp ông.

Số là, chẳng rõ tình cảm lai láng thể hiện thế nào trong thư làm bà mẹ hiểu là ông muốn xin cô con gái làm vợ nên chị dắt theo… giao luôn cho ông. Hồ Kiểng không thể thanh minh bởi sẽ làm phụ tấm chân tình của người mẹ nên đành chấp thuận. Lúc này ông đang ở tập thể Đoàn kịch nói, để tránh những dị nghị, đặc biệt là sự không cân xứng về tuổi tác, ông phải thuê nhà ngoài phố cho Mai Khanh ở. 4 tháng sau, người mẹ trở lại thì phát hiện con đã có bầu bởi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Thế là người mẹ vui mừng giục Hồ Kiểng lên Cao Bằng làm lễ cưới.

Phong tục của người Tày hồi đó là trai gái yêu nhau phải làm đám cưới tại quê cô dâu và chú rể ở rể luôn tại đó. Hồ Kiểng phải nhỏ to thuyết phục, đến lúc người mẹ xuôi cho tổ chức tại Hà Nội thì ông bố viết thư xuống dứt khoát: “Nếu cưới ở dưới đó sẽ vác dao xuống chém…”. Lên Cao Bằng cưới rồi ở luôn trên đó ngày ngày vác dao đi rừng ư? Thế thì sự nghiệp nghệ thuật sẽ tiêu tan, hơn nữa, một người nghệ sĩ chân yếu tay mềm như Hồ Kiểng thì sao làm được công việc nặng nhọc đó? Hồ Kiểng dùng kế hoãn binh để dần dần thuyết phục cho Mai Khanh ở lại Hà Nội. Thoạt đầu bà mẹ phản đối quyết liệt nhưng vì Hồ Kiểng bày hết gan ruột thuyết phục… cuối cùng bà mẹ đồng ý, nhưng là đồng ý đem con trở lại Cao Bằng rồi sau đó gả cho một người Tày làm nghề lái xe. Hồ Kiểng vô cùng đau xót nhưng cũng chẳng có cách nào giải quyết tốt hơn, chỉ bồi hồi ghi lại:

Đóng phim miền Bắc ở Cao Bằng
Ngựa đá bấy giờ xương sống băng
Nghệ sĩ liệt giường nhưng chẳng chết

“Rừng xà nu” vẫn đẹp đêm trăng.

Cô gái lấy chồng nhưng vẫn giữ đứa con trong bụng cho đến ngày trở dạ. Thoáng chốc, đứa trẻ lạc cha ngày nào giờ đã 17 tuổi. Hồ Kiểng phiêu dạt tứ tán khắp nơi rồi dừng chân ở chốn Sài thành đô hội. Một ngày đang lưu diễn vất vả, ông nhận được tin hai mẹ con cô gái người yêu năm xưa vào Đồng Nai tìm tung tích người cha cho con gái mình. Ông lặn lội bỏ hết công việc xuống Đồng Nai tìm gặp hai mẹ con. Con gái ông giờ đã trở thành thiếu nữ, giống ông như đúc. Hai cha con gặp nhau trong nước mắt hờn hờn, tủi tủi.

Tưởng là sau 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ, Hồ Kiểng đã “sợ”, nhưng ông vẫn quyết tâm quay “xổ số” hạnh phúc một lần nữa khi kết hôn với người vợ thứ tư. Hồ Kiểng lấy người phụ nữ này khi đã cao tuổi, định bụng sẽ sống yên ổn đến già nhưng cũng chẳng xong. Lấy nhau một thời gian, ông thấy bà thích sống ở nước ngoài nên khuyên bà lấy một ông chồng được diện đi nước ngoài. Rồi bà cũng li dị ông và lấy một người như vậy. Đến khi được xuất ngoại, người đàn ông ấy đã bỏ rơi bà. Không đành tâm đuổi bà ra đường, ông để bà quay về sống chung.

Có đến 30 năm, Hồ Kiểng sống trong căn nhà lụp xụp trong khu tập thể truyền hình. Nhưng ông vẫn dành cho vợ không gian riêng là căn gác 6m2. Ông cám cảnh: “Không lẽ tôi cũng đuổi bà ra đường thì tàn ác quá. Cho nên tôi vẫn để bà ở đây từ năm 1992 đến nay”. Hàng ngày bà lo cơm nước cho ông, ông cho bà mỗi tháng một số tiền để đi chợ. Mãi đến gần đây, Hồ Kiểng mới có một căn nhà 47m2 do nhà nước cho thuê với giá rẻ. Ông dọn về đó ở, đưa cả vợ cũ, con gái và con rể về. Không còn duyên nhưng còn phận, Hồ Kiểng vẫn cưu mang người vợ cũ của mình cho đến lúc nào ông không thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Bình (Đang yêu)
Ngôi sao điện ảnh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN