Tuyệt chiêu phát hành phim của Hollywood

Mới đây, sự kiện bộ phim bom tấn Iron Man 3 có hẳn một phiên bản phim dành riêng cho Trung Quốc đang biến nước này trở thành trò cười mỉa mai cho thiên hạ. Nhưng nhờ đó Hollywood cầm chắc bỏ túi hàng chục triệu USD doanh thu.

Khó mấy cũng chiều

Không cớ gì các “con kền kền” (các nhà sản xuất phim Mỹ - cách gọi của giới phê bình điện ảnh) không băm bổ vào thị trường phim béo bở thứ nhì thế giới với 1,34 tỉ dân, trung bình mỗi ngày mọc lên thêm một rạp phim mới và tổng doanh thu các phòng vé mỗi năm chỉ đứng sau thị trường Bắc Mỹ.

Nhưng để vượt qua được ải kiểm duyệt độc tôn, thậm chí là quái gở của 37 thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia Trung Quốc thật sự là một thách thức đối với bất kỳ một bộ phim ngoại nhập nào. Các nhà sản xuất phim Hollywood đã đúc kết các nguyên tắc tai quái của kiểm duyệt phim ở Trung Quốc: Người Trung Quốc không thể là người xấu; cảnh sát Trung Quốc luôn thông minh, dũng cảm và hoạt động hiệu quả; tối kỵ ma quỷ, bạo lực, nhục dục và những nhân vật đi xuyên thời gian, cũng không được đụng chạm chính trị. Tất cả yêu sách từ phía Trung Quốc luôn khiến các nhà làm phim Hollywood phải toát mồ hôi. “Có những điều luật họ đưa ra mà có lẽ chỉ thượng đế mới hiểu” - Brad Grey cảm thán.

Tuyệt chiêu phát hành phim của Hollywood - 1

Hình ảnh Phạm Băng Băng chỉ có trong phiên bản Iron Man 3 dành riêng cho Trung Quốc.

Chiếc đao kiểm duyệt Trung Quốc cứ thế mà mặc sức “trảm” 20 phim nhập khẩu mỗi năm theo hạn ngạch: từ cắt gọt, chỉnh sửa các phân cảnh, sửa lời thoại cho đến cấm chiếu. Trước cửa ải khốc liệt đó, các nhà sản xuất phim Hollywood lại có thể kiên nhẫn tiếp thu chỉnh sửa đến lạ thường. Chẳng hạn đầu năm nay, bộ phim Cloud Atlas của Hollywood dài 172 phút đã chấp nhận bị cắt gọt tới gần 40 phút mới được ra rạp Trung Quốc, bởi hơi hướng yêu đương đồng tính lẫn dị tính. Hay đạo diễn phim Skyfall 007 đã chấp nhận cắt phăng những trường đoạn liên quan đến an ninh Trung Quốc và nạn mại dâm ở Macau để phim này được chiếu ở Trung Quốc.

Thậm chí tiếp thu chỉ trích gay gắt của Hội đồng duyệt phim quốc gia Trung Quốc rằng Red Dawn 2 đã “biến người Trung Quốc thành quỷ dữ”, hãng MGM sản xuất Red Dawn 2 quyết định làm một việc vô tiền khoáng hậu: Dùng kỹ thuật số đổi tất cả quân Trung Quốc trong bộ phim thành... quân đội Bắc Hàn, chưa kể nhiều chi tiết liên quan khác như quốc kỳ, các biểu tượng... Hãng phim này tiết lộ kinh phí thay đổi bổn quán đội quân trong phim đã ngốn hết 1 triệu USD.

Ngoài chiều chuộng khâu kiểm duyệt, các nhà sản xuất phim Hollywood còn tranh thủ lấy lòng giới chức Trung Quốc, thắt chặt mối quan hệ. Điển hình, hãng Sony Pictures liên kết với Trung Quốc để làm phim Karate Kid, hãng Fox tung ra bộ phim Hoa ngữ Những ngày hè nóng bỏng bán vé rất chạy. Còn đạo diễn James Cameron cho biết ông có thể sẽ làm phần tiếp theo của phim Avatar ở Trung Quốc.

Dễ mấy cũng không được lơ là

Trong số các thị trường phim có doanh thu phim cao ngất, ngoài Trung Quốc còn có Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, khâu kiểm duyệt ở hai nước này lại khác một trời một vực so với Trung Quốc. Dù là thị trường điện ảnh lớn thứ bảy trên thế giới, ngang bằng với Đức nhưng lâu nay Hàn Quốc chỉ kiểm duyệt để phân loại độ tuổi được xem phim nhập khẩu. Còn Nhật Bản - cường quốc điện ảnh có dân số đông thứ bảy và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại đặt khâu kiểm duyệt phim ở trạng thái đẳng cấp hơn: Cứ để phim ngoại tràn vào cạnh tranh với phim nội.

Như vậy, trong thực tế chẳng cần phải tốn công quảng bá, lấy lòng người hâm mộ thì phim Hollywood cũng có thể mặc sức bành trướng hai thị trường phim Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, các siêu sao Hollywood như Hugh Jackman, Leonardo DiCaprio, Robert Downey Jr., Arnold Schwarzenegger, Tom Cruise,... đều đã tới hai quốc gia này tay bắt mặt mừng với khán giả bản địa, thậm chí trở thành đại sứ thiện chí của Seoul như Hugh Jackman. Và có lẽ chỉ có nhà phát hành cùng dàn siêu sao ấy hiểu rõ nhất sự đền đáp bằng chính doanh thu khủng của các phim bom tấn Hollywood tại hai quốc gia này. Chẳng hạn, Iron Man 3 trở thành bộ phim nước ngoài ăn khách nhất từ đầu năm 2013 đến nay tại màn ảnh Hàn Quốc.

Nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng Ted Baehr đúc kết nên hai nguyên tắc phát hành của các nhà sản xuất phim Hollywood trên tờ New York Times: “Cái khôn ngoan của những nhà phát hành sừng sỏ là biết nhập gia tùy tục và bỏ con tép bắt con tôm, miễn là không đụng chạm đến niềm kiêu hãnh của người Mỹ và ảnh hưởng đến thị hiếu của khán giả toàn cầu”.

Nếu vậy thì việc hãng phim Marve quyết định chơi Trung Quốc một vố đau bằng cách cắt phăng toàn bộ diễn xuất của hoa đán Phạm Băng Băng, biến tài tử gạo cội Vương Học Kỳ của Trung Quốc thành vai phụ của những vai phụ trong bản phim Iron Man 3 chính thức cũng nằm sít sao trong hai nguyên tắc trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thảo (Pháp luật Tp HCM)
Ngôi sao điện ảnh Hollywood Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN