Marilyn Monroe: "Quả bom sex" cô đơn
Đó là một cô gái không quá khứ và tương lai, không bao giờ biết đến hạnh phúc. Cô đơn độc trong thế giới và hoàn toàn ý thức về sự đơn độc này, về nỗi đau giày vò vì bao lần bị bắt nạt và bị mưu toan lạm dụng tình dục.
“Marilyn Monroe được tạo bởi sức mạnh của ý chí và mùi vị của sự trả thù”. Đó là ví von của Susan Bernard khi nói về nữ minh tinh màn bạc huyền thoại Marilyn Monroe trong cuốn sách có tựa đề "Từ Norma Jean đến Marilyn...", mới được Nhà xuất bản Hugo Image phát hành tại Pháp.
Susan là con gái nhiếp ảnh gia Bruno Bernard, còn được gọi là “Bernard của Hollywood”, người có nhiều năm thân thiết, cận kề với ngôi sao tài hoa bạc mệnh này.
Cô gái không quá khứ
Trong tác phẩm của mình, Susan đính kèm những bức ảnh và những ghi chép chưa bao giờ được công bố của người bố. Bruno Bernard viết: "Người ta phải quay đi quay lại cảnh này đến ba mươi lần. Marilyn không diễn tốt các lời thoại.
Bên trong chiếc váy, cô chỉ mặc chiếc quần lót vải lụa trong suốt...". Đó là cảnh quay bộ phim "Bảy năm suy tư" của đạo diễn Billy Wider vào năm 1954. Khi nhìn thấy Bernard, Marilyn tiến đến ôm hôn và nói: "Này Bernard, ông hãy nhớ, tất cả đã bắt đầu với ông...". Gần nửa thế kỷ sau, chiếc váy theo nữ chủ nhân đi vào huyền thoại: đấu giá bán được 5,6 triệu đô la vào tháng 6/2011.
Qua cuốn sách, tác giả tản mạn về cuộc đời Marilyn Monroe: "Cô tên Norma Jean Balker hoặc là Mortenson. Cô không biết bố mình là ai, được nhiều gia đình nhận nuôi, tổng cộng mười một gia đình ở rải rác khắp quận Los Angeles.
Đó là một cô gái không quá khứ và tương lai, không bao giờ biết đến hạnh phúc. Cô đơn độc trong thế giới và hoàn toàn ý thức về sự đơn độc này, về nỗi đau giày vò vì bao lần bị bắt nạt và bị mưu toan lạm dụng tình dục.
Không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, đó là một cô gái chẳng có gì cả ngoại trừ cơ thể của mình. Ở tuổi 12, cô trông nảy nở như gái 18. Lúc 16 tuổi, người ta làm mai cho cô một thanh niên hơn cô bốn tuổi. Tiếp đến có cả hàng tá đàn ông đòi cưới cô làm vợ chỉ cần sau ba giây thấy mặt cô. Phút chốc, cô kết hôn với James F. Dongherty, công nhân của một nhà máy chế tạo vũ khí”.
Đó là một quả bom tình dục với mái tóc dài lượn sóng, màu da men sứ, nụ cười hủy diệt. Với người chồng rất muốn có con, cô phân bua chẳng có phòng ảnh nào muốn cô bước vào với cái bụng bầu. Vài năm sau, cô tâm sự với nhà biên kịch Ben Hecht : "Ý tưởng có con đã làm những sợi tóc của tôi dựng đứng trên đầu. Tôi tưởng tượng đứa con như một ai khác của chính tôi, một Norma Jean khác trong một trại cô nhi".
Bốn năm sau, cô ly dị James. Cùng với chiếc xe Ford màu đen cũ kỹ rảo khắp Hollywood, chuyển từ phòng ảnh này sang phòng ảnh khác, mưu sinh bằng nghề làm người mẫu, trang trải tiền thuê phòng và các lớp học diễn xuất với giá 1 đô la mỗi giờ.
Mùa hè năm 1946, Bruno Bernard gặp Norma Jean. Cô gái đang tròn tuổi đôi mươi. Bruno đã học xong khóa kịch nghệ ở Berkeley, trở thành nhiếp ảnh gia và là một trong những ông hoàng nhiếp ảnh với biệt danh “Bernard của Hollywood”.
Ông không bao giờ quên giây phút gặp gỡ lần đầu đó: "Sau hai tiếng đồng hồ chữa răng dưới ngọn đèn của một phòng nha, tôi chậm rãi đi về studio của tôi, bước đi loạng choạng, má sưng vù. Một cô gái đi ngang, dáng dấp khêu gợi, sáng ngời, đôi mông lắc lư. Phải chăng là một gái điếm? Thực sự trong thời chiến, cái nghề xưa nhất thế giới này là một hoạt động béo bở. Nhưng làm sao có chuyện trẻ con bán dâm ở khu phố sang trọng này? Tôi chợt đưa tay lên miệng huýt sáo. Cô gái dừng lại. Với một cách khá sỗ sàng như thế, tôi đồng ý chụp ảnh cho cô gái".
Nổi từ những tấm hình
Marilyn và nhiếp ảnh gia Bruno Bernard, người được mệnh danh là "Bernard của Hollywood"
Khêu gợi nhưng còn non dại, cô là miếng mồi ngon dễ nuốt đối với nhiều gã đàn ông bịp bợm, máu gái, bệnh hoạn thường rình mò ở các tiệm ảnh và ở các công ty người mẫu. Hẳn là có nhiều cuộc diễn tập giả tạo với những lời chỉ đạo nham nhở: "Hãy cởi áo ngực cô ra, hãy vén váy cô lên".
Trong cuốn sách của mình, Susan tổng hợp những lời kể của người bố: "Tôi nhớ lần chụp ảnh đầu tiên, giọng nói trẻ con của cô thì thào: "Này ông Bernard, ông có thể chụp cho tôi những tấm ảnh sexy?''. Năm 1949, Bruno dẫn cô đến câu lạc bộ Palm Springs Racquet. Cô nằm chụp trên chiếc ghế của một hồ bơi trong chiếc áo tắm hai mảnh và đôi dép liền gót. Cuối cùng Norma Jean được bơi trong những chiếc bể lớn, nhưng luôn luôn dậy sóng. Hợp đồng đầu tiên của cô với hãng phim Fox nhanh chóng bị hủy bỏ do "thiếu ăn ảnh". Cô bị xếp loại NT "no talent" (không có năng khiếu).
Rey Craft, tùy viên báo chí của Hãng Fox, kể lại giai thoại: "Trong một buổi họp báo, tôi không ngừng rời mắt khỏi cô ta bởi sợ cô ta hứng chí tự lăng xê mình bằng một màn thoát y. Vào lúc cô ta nhận ra một phóng viên ảnh, cô vén cao chiếc váy, bộ dáng khêu gợi. Hẳn bạn cũng biết, cô gái này không bao giờ mặc quần lót".
"Tôi chưa được sống..."
Những câu chuyện ngồi lê đôi mách, những xì căng đan, những ganh tị. Đó là những mùi hương cô để lại trên quãng đời đi qua. Cô biết mình đến từ đâu, đoán trước người ta sẽ luôn chê cười nguồn gốc vô sản của mình. Cô gái lọ lem thành một phụ nữ quyến rũ bừng sáng ở Hollywood hẳn gây nhiều phiền toái?
Nhưng với kinh nghiệm đầu tiên xảy ra với hãng Fox, người ta tìm cho cô một nghệ danh, một tên mới cho một sự tồn tại mới: Marilyn, như nữ diễn viên Marilyn Miller; Monroe như tên người mẹ Gladys Pearl Monroe, biệt danh "người phụ nữ tóc hung", từng là một nhà dựng phim trước khi tiêu đời vì chứng bệnh tâm thần. Marilyn Monroe được sinh ra từ đây.
Đó là một phụ nữ hay cười, hay bĩu môi, điệu bộ lờ đờ, khuôn mặt che khuất bởi một màu đen đáng sợ. Trong chiếc váy màu trắng đứng gần chiếc xe bốn con ngựa kéo, một giọng nói nhỏ nhẹ không ngừng lặp đi, lặp lại: "Tôi chưa bao giờ sống, chưa bao giờ được yêu".
Marilyn càng leo lên đỉnh vinh quang, những bóng ma đen tối càng vây quanh cô. Marilyn xem Bruno Bernard như người bạn tri âm tri kỷ, người đã theo sát cô trong những bước đầu khởi nghiệp và đã chụp cho cô những bức ảnh nổi tiếng...".