Ngỡ ngàng Châu Tấn tuổi 17
Đây cũng là dấu mốc quan trọng nhất trong nghiệp diễn xuất của cô với vai nữ chính trong phim điện ảnh đầu đời.
Châu Tấn theo học chuyên ngành Múa dân tộc thuộc Trường nghệ thuật Chiết Giang. Cơ duyên đến với điện ảnh của người đẹp sinh năm 1974 hết sức tình cờ khi cô gặp đạo diễn Tạ Thiết Bằng vào năm 1991. Thực tế không phải Châu Tấn gặp đạo diễn Tạ, mà chính ông đã “gặp” cô qua một cuốn ảnh lịch. Thời còn là sinh viên, Châu Tấn nhờ sở hữu gương mặt tròn đầy, đậm chất Á Đông nên thường xuyên cùng một vài người bạn rủ nhau đi chụp ảnh lịch.
Bằng con mắt tinh tường của một đạo diễn lão luyện, đạo diễn Tạ nhận thấy ở cô gái này nổi bật với đôi mắt mở to, sáng và có thần thái hết sức đặc biệt. Tạ Thiết Bằng đã mất cả tuần lễ để tìm ra được thông tin của cô gái trên cuốn lịch. Đây là dịp Châu Tấn bén duyên với điện ảnh, khởi nghiệp với bộ phim Cổ mộ hoang trai của đạo diễn Tạ Thiết Bằng.
Tạo hình nàng hồ ly Kiều Na của Châu Tấn trong Cổ mộ hoang trai.
Thời gian này, Châu Tấn tràn đầy sức trẻ và nhiệt huyết. Trong thời gian tham gia Cổ mộ hoang trai, Châu Tấn tạm thời phải gác việc học ở trường. Sau khi bộ phim hoàn thành, cô tiếp tục trở lại Chiết Giang để theo học nghiệp múa còn dang dở.
Hồ ly Kiều Na của Châu Tấn trong Cổ mộ hoang trai.
Bộ phim Cổ mộ hoang trai của đạo diễn Tạ Thiết Bằng, do Xưởng sản xuất phim điện ảnh Bắc Kinh sản xuất năm 199, quy tụ các diễn viên có lẽ còn khá xa lạ đối với khán giả Việt Nam nhưng đều là những nghệ sĩ gạo cội của Trung Quốc thời bấy giờ và cả hiện tại, như Hình Mân Sơn, Phó Nghệ Vỹ (nổi bật vai Đát Kỷ), Hồ Thiên Nga, Trần Sa Sa…
Gương mặt của Châu Tấn tuổi 17 tròn với những nét thơ ngây như của một cô bé.
Kịch bản phim Cổ mộ hoang trai được cải biên từ bốn tác phẩm chính Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Cốt truyện chính dựa trên truyện Liên Tỏa và kết hợp thêm một số truyện khác trong tập Liêu Trai Chí Dị như Kiều Na, Họa Bì và Nhiếp Tiểu Thiến.
Trong phim này, Châu Tấn vào vai nàng Kiều Na, một hồ ly xinh xắn, dễ thương và hết sức đáng yêu. Kiều Na và gia đình hồ ly sống cạnh bờ sông hoang vắng, khi chàng thư sinh thất tình Dương Dữ Úy (Hình Mân Sơn) bị gia đình Liên Tỏa (Phó Nghệ Vĩ) từ chối gả hôn con gái, một hồn ma từng mang lòng yêu Dữ Úy và được anh dùng máu để cứu sống trở lại nhân gian. Vì chê Dương Dữ Úy quá bần hàn túng thiếu, lại chưa có danh trạng gì, Liên phủ đã từ chối chàng bần nho. Dương Dữ Úy đã quyết chí lên kinh ôn luyện để lập công trạng quay về cưới Liên Tỏa.
Trên đường lên kinh, Dương Dữ Úy bị đau bụng dữ dội, may nhờ gia đình hồ ly Kiều Na cứu giúp, giữ lại nuôi ăn học để đi thi. Về sau, Dương Dữ Úy khi trở lại nhà Kiều Na đã trả ơn cứu giúp bằng cách dùng bảo kiếm cứu gia đình hồ ly Kiều Na thoát khỏi lưỡi sét của Lôi Liên, đồng thời bị sét đánh mê man bất tỉnh. Kiều Na vì trả ơn cứu mạng của Dữ Úy, nàng đã nhả vào miệng chàng nho sinh viên tiên hoàn tu luyện bao năm.
Hồ ly Kiều Na cùng gia đình tận tình cứu chữa cho bần nho Dương Dữ Úy.
Kiều Na cũng yêu hết mình Dương Dữ Úy nhưng không dám bày tỏ.
Dữ Úy được hồi sinh, trở lại Liên phủ với công danh bảng vàng nhờ sự giúp đỡ của Nhiếp Tiểu Thiến (Hồ Thiên Nga). Thế nhưng, cảnh vật ở Liên phủ giờ chỉ còn một chốn hoang vu, cỏ mọc um tùm. Liên Tỏa sau khi không kết đôi được cùng Dữ Úy đã treo cổ quyên sinh.
Như vậy, so với hồ ly Tiểu Duy trong Họa Bì sau 17 năm, hồ ly Kiều Na của Châu Tấn trong Cổ mộ hoang trai rất khác. Người xem nhận thấy hồ ly Kiều Na sự trong sáng, hiền dịu và bình yên như chính tuổi 17 của Châu Tấn. Với Kiều Na, tình cảm dành cho Dương Dữ Úy rất phù hợp với tuổi 17 của Châu Tấn khi đó: nhút nhát, e dè và hồn nhiên.
Còn với hồ ly Tiểu Duy lại muôn phần đáng sợ, giết người không gớm tay. Thế nhưng điểm chung giữa hai người đẹp hồ ly lại là tình cảm họ dành cho người mình yêu.
Trong khi với Tiểu Duy, cô yêu hết mình, bất chấp mọi mưu mô, hoán đổi thân xác để có được tình yêu với Hoắc Tâm. Yêu cuồng si là vậy, thế nhưng Tiểu Duy vẫn biết đâu là điểm dừng, cô cũng nguyện dâng hiến mạng sống cho người mình yêu, tương tự như cách Kiều Na trao viên hoàn tiên tu luyện ngàn năm cho Dương Dữ Úy vậy.
Hồ ly Tiểu Duy (trái) và hồ ly Kiều Na thay đổi về diện mạo nhưng vẫn trọn một trái tim đầy tình cảm yêu đương.
Ở Châu Tấn đã có sự trưởng thành và biến đổi rõ rệt cả về ngoại hình lẫn kỹ năng diễn xuất. Không thể phủ nhận, ngay từ những ngày đầu, diễn xuất của một cô sinh viên trường múa đã được chứng minh bằng những vai nữ chính bên cạnh dàn diễn viên gạo cội đàn anh đàn chị lão luyện. Được những đạo diễn tên tuổi "chọn mặt gửi vàng" bởi không chỉ ngoại hình cùng ánh mắt xuất thần, mà còn ở khả năng thiên bẩm cùng cảm hứng nghệ thuật điện ảnh tận sâu bên trong con người Châu Tấn. Chính điều này đã khiến người đẹp vùng Giang Nam luôn được chú ý kể từ khi còn chân ướt chân ráo vào nghề.
Điều đặc biệt ở chỗ, Châu Tấn không chọn điện ảnh, bởi lẽ chính điện ảnh đã chọn cô, khiến ngôi sao của Họa Bì không thể dứt ra được. Châu Tấn đã gắn bó với nghiệp diễn hết sức tình cờ và tự nhiên như vậy, không theo đuổi, không tính toán.
Mặc dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp nào về diễn xuất, thế nhưng nhờ những cảm nhận nghệ thuật vượt bậc và biến hóa linh động trong cách tạo hình nhân vật, đã khiến Châu Tấn trở nên đặc biệt. Cô nhận được vô số lời mời diễn xuất từ các đạo diễn tên tuổi ở Trung Quốc, trong đó có thể kể đến như đạo diễn Trần Khải Ca, Lý Thiếu Hồng… Trong số này, đạo diễn của Bá Vương Biệt Cơ đã dành những lời nhận xét có cánh cho nữ diễn viên tài danh, ông gọi cô là “một sứ giả kết nối tâm linh tuyệt vời”.