Đồng môn có chất giọng "vàng" của Lý Hùng
Những người xem 'Ngày mai trời lại sáng', 'Bao Thanh Tiên', 'Tiếu ngạo giang hồ' hẳn sẽ khó quên giọng lồng tiếng của Đạt Phi.
Bạn học của các ngôi sao
Dù đã ngoài 40 nhưng diễn viên lồng tiếng Đạt Phi vẫn giữ được chất giọng trẻ trung, đầy cảm xúc. Ít ai biết được anh từng là bạn cùng khóa với các ngôi sao màn ảnh Việt thập niên 90 của thế kỷ trước như Lý Hùng, Ngọc Hiệp, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương... khi đậu vào khóa Diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP. HCM năm 1987.
Tốt nghiệp ra trường, Đạt Phi có tham gia đóng một số phim điện ảnh và video, nhân vật được khán giả nhớ đến nhiều nhất là anh chàng Lương kều trong Vị đắng tình yêu (1991) của đạo diễn Lê Hoàng, đóng chung với mẹ chồng Tăng Thanh Hà - diễn viên Thủy Tiên.
Diễn viên lồng tiếng Đạt Phi
Bén duyên với nghề lồng tiếng
Có ngoại hình "ăn ảnh", được đào tạo trường lớp nhưng Đạt Phi lại có duyên với những công việc phía sau máy quay. Ngay khi đang học năm thứ 2, anh đã về Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM) làm cộng tác viên và được đạo diễn Hữu Luân (lúc đó là Phó Giám đốc) giao nhiệm thuyết minh phim, có nhiệm vụ thổi “lửa” cho rạp chiếu phim ở đây đang lúc ế ẩm, mỗi ngày chỉ bán được… 5 vé.
Bộ phim đầu tiên Đạt Phi đọc thuyết minh là Người tù khổ sai (Papillon). Tuy chưa hề có kinh nghiệm đọc thuyết minh, nhưng nhờ từng được học về tiếng nói sân khấu, lại sở hữu một chất giọng đẹp nên anh hoàn thành tốt nhiệm vụ tưởng rằng bất khả thi này, trở thành nhân viên chính thức, điều hành rạp phim và Phòng Văn hóa nghệ thuật của Nhà văn hóa Thanh Niên.
Đến năm 1999, trào lưu phim video gia đình Hong Kong, Đài Loan nở rộ, nhu cầu lồng tiếng Việt ngày càng nhiều để "đánh bại" những bản phim lồng tiếng từ hải ngoại tràn về. Thế là những người đang làm nghề thuyết minh như Đạt Phi được mời qua làm lồng tiếng. Sau đó, khi những bộ phim của Hãng ATV (Hong Kong) chính thức phát hành tại Việt Nam, anh mới quyết định chọn nghề lồng tiếng làm "miếng cơm manh áo", bước vào con đường chuyên nghiệp.
"Nói thay" cho các ngôi sao
Từ năm 2002 đến nay, Đạt Phi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim, rất nhiều nhân vật, chính anh còn không thể nhớ hết. Tuy nhiên, với khán giả, chất giọng truyền cảm, đầy nam tính của anh đã từ lâu trở nên quen thuộc.
Đạt Phi luôn đảm nhận lồng tiếng cho các ngôi sao đóng vai nam chính trong nhiều bộ phim Hong Kong như: Mã Cảnh Đào trong Ngày mai trời lại sáng, Thiên trường địa cửu; Lưu Tùng Nhân trong Thượng Hải tranh bá Đồ Long; Tiêu Ân Tuấn trong Mộc Quế Anh, Bao Thanh Thiên; Châu Kiệt trong Hoàn Châu cách cách 2, 3; Cổ Cự Cơ trong Tân dòng sông ly biệt; Nhậm Hiền Tề trong Tiếu ngạo giang hồ…
Ngoài ra, Đạt Phi tham gia lồng tiếng, thuyết minh cho những bộ phim truyền hình Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan... phát sóng trên HTV, Vĩnh Long, Today TV... Khi những bom tấn Hollywood được phát hành thêm bản lồng tiếng Việt, Đạt Phi cũng thực hiện nhiều phim như Xì Trum (The Smurf), Công chúa tóc xù (Brave), Khách sạn huyền bí (Hotel Transylvania), Ráp-phờ-đập-phá (Wreck-It-Ralph), Kẻ trộm mặt trăng 2 (Despicable Me 2), Lò đào tạo quái vật (Monsters University)…
Đạt Phi được mời làm đạo diễn lồng tiếng Việt cho nhiều bộ phim bom tấn Hollywood.
Lồng tiếng cũng phải có cảm xúc
Theo Đạt Phi, diễn viên lồng tiếng không đơn thuần là “nhái giọng” hay “khớp tiếng” mà cũng phải nhập vai, có thể khóc, có thể cười cùng nhân vật đó, và phải có khả năng thể hiện nhiều loại giọng khác nhau để biến hóa theo nhân vật. Bởi vậy, họ cũng được rất nhiều khán giả hâm mộ giọng lồng tiếng, tuy ít người biết mặt, thậm chí tên chỉ xuất hiện mấy giây sau khi bộ phim kết thúc.
Đạt Phi tâm sự: “So với nghề diễn viên thì lồng tiếng không phải và không thể là nghề giúp kiếm được tiếng tăm, sự giàu có. Những người đến với nghề lồng tiếng phần nhiều để thỏa mãn đam mê và cũng chỉ có niềm đam mê mới giữ chân họ ở lại với nghề, biến cái nghề thành cái nghiệp!”.
Để “nối dài” đam mê của mình, nhiều năm nay Đạt Phi còn chú ý đến việc truyền dạy nghề cho giới trẻ. Anh không mở lớp đào tạo có thu học phí, mà giống như một cái “lò” phát hiện ra những ai có chất giọng, có năng khiếu, có đam mê thì nhận vào làm nghề, học nghề theo kiểu thực hành là chính, kinh nghiệm sẽ tích lũy qua từng bộ phim.
Đạt Phi (giữa, đeo kính) và các học trò trong nhóm lồng tiếng Đạt Phi Media.