Xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh vì chính sách Zero Covid
Nhiều thời điểm ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc của nước ta.
Dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cho biết, 4 tháng đầu năm 2022 tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc chỉ đạt 4,15 tỷ USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 509,22 triệu USD (chiếm 26,85% giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền với các nước có chung đường biên giới và chiếm tỷ trọng 2,84% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc), giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 3,64 tỷ USD (chiếm 57,84% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền với các nước có chung đường biên giới và chiếm 9,57% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc), giảm 52,5% so với kỳ năm 2021.
Theo Bộ Công Thương, thương mại biên giới 2 chiều giảm sâu là do Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện,… nhằm phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc.
Thậm chí có thời điểm đã gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn lựa chọn xuất khẩu “tiểu ngạch” (hình thức trao đổi cư dân biên giới) vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc,…
Ùn tắc tại Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) được PV Người Đưa Tin ghi nhận vào giữa tháng 6/2022 (Ảnh: Hữu Thắng).
Tại địa bàn tỉnh Lào Cai, với việc phía Vân Nam tuy đã khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại nhiều cặp cửa khẩu với Việt Nam tại Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, nhưng vẫn tiếp tục tạm dừng thông quan nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi (thanh long, chuối, vải thiều, nhãn, xoài,…) dẫn tới lượng hàng hóa này của ta tiếp tục dồn về địa bàn tỉnh Lạng Sơn để làm thủ tục xuất khẩu.
Bên cạnh đó, với việc các loại nông sản bước vào cao điểm vụ thu hoạch và năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn chưa cải thiện, nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như thời điểm trước tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được tháo gỡ kip thời.
Bộ Công Thương cho biết, hiện, năng lực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (cửa khẩu xuất khẩu trái cây chính của Việt Nam sang Trung Quốc) vẫn ở mức thấp, khoảng hơn 100 xe/ngày, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 (khoảng từ 300-400 xe/ngày).
Năm 2021, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đạt 41,8 tỷ USD, tăng 63,3% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 15,6 tỷ USD, tăng 103,6% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu đạt 26,2 tỷ USD, tăng 46,2% so với năm 2020.
Về cơ cấu mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu gồm: điện thoại các loại và linh kiện (7,77 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,3 tỷ USD), nông, lâm, thuỷ sản (2,18 tỷ USD)…
Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (6,52 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (5,73 tỷ USD), nông, lâm, thuỷ sản (341,98 triệu USD)….
Nhiều người nhầm lẫn đây là quả sung nhưng thực chất đây là quả làm nên món thạch đặc sản nổi tiếng ở Cao Bằng.
Nguồn: [Link nguồn]