Xơ xác sau bão Yagi, làng đào Nhật Tân giờ ra sao?
Tròn 3 tháng sau trận lụt do bão Yagi gây ra, giữa hàng nghìn gốc đào chết khô còn trơ gốc là những vườn đào còn sót lại đang được làm cỏ, tuốt lá, tỉa cành để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) được biết đến là nơi trồng đào lâu năm và nổi tiếng nhất Hà Nội. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân khắp nơi lại đổ xô về đây để ngắm hoa đào, chụp ảnh cùng những vườn đào đua nhau khoe sắc và chọn cho mình một cành đào ưng ý nhất về chơi Tết.
Vào thời điểm này hàng năm, về Nhật Tân sẽ thấy không khí nhộn nhịp, tất bật tuốt lá, tỉa cành, bứng gốc của các nhà vườn để chuẩn bị hoa đào bán Tết. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của trận lụt sau cơn bão số 3 đã khiến hàng nghìn gốc đào bị chết và gãy ngọn, nhiều nhà vườn mất trắng.
Vườn đào bị chết khô sau lũ.
Về Nhật Tân thời điểm này, tròn 3 tháng sau trận lụt kinh hoàng vẫn còn đâu đó những vườn đào chết khô trắng đồng, những gốc đào chất thành đống, thành củi khô còn cháy dở tạo nên khung cảnh ảm đạm, đìu hiu đến xót xa.
Những gốc đào còn sót lại bị bão quật gãy ngọn, không thể bán Tết năm nay.
Vừa lúi húi đổ từng bao trấu vào gốc đào mới trồng lại, bà Hợi cho biết, trận lụt vừa qua khiến gần 1.000 gốc đào nhà bà bị chết, chỉ còn lại vài cây. Gần 3 tháng qua, vợ chồng bà phải thuê cả chục người đào gốc, cải tạo đất, dâm cành, mua cây về trồng để chuẩn bị cho Tết năm sau có đào bán.
Vườn đào bị xoá sổ gần hết, bà Hợi phải mua gốc trồng lại mới.
“Hơn 90 triệu tiền thuê đất, hơn 400 triệu tiền đào giống, chưa kể tiền phân tro, cày cuốc cả bao nhiêu năm trời mà giờ mất hết. Nước ngập sâu hơn 2 mét, thử hỏi cây nào sống nổi. Thế mà nhà tôi vẫn cứ nuôi hy vọng cứu cây nhưng không nổi, những gốc đào hàng chục triệu đồng cứ thế chết dần chết mòn, còn lại mấy cây thì năm nay cũng không thể bán được vì suy gần hết”, bà Hợi thở dài.
Gốc đào có giá hàng chục triệu đồng bị chết do mưa lũ.
Những tháng qua, vừa cải tạo đất, bà Hợi vừa phải “lăn lưng” ở ngoài đồng cùng những thành viên trong gia đình tìm mua những gốc đào rừng cổ thụ ở các tỉnh về trồng mới và trồng 3 vạn cây đào con để tiến hành ghép, chăm đến sang năm mới được bán.
Những gốc đào cổ thụ bị chết trở thành củi khô, chất đống ở góc ruộng.
Chỉ vào đống gốc đào ở góc ruộng, một vài gốc còn vết than đang cháy dở, bà Hợi cho biết, hàng trăm gốc đào, mỗi gốc có giá từ 7-8 triệu đồng, một số gốc có giá khoảng 20-30 triệu đồng sau cơn lũ chết khô hết cả. Vợ chồng bà phải thuê người đào lên với giá 600 nghìn đồng/ngày, chất thành đống để đốt.
Nhiều cây bị chết dần chết mòn do ngập nước quá lâu.
“Nhà tôi trồng đào mấy chục năm nay rồi, bây giờ không trồng đào thì trồng gì? Làm gì? Thiên tai đến thì mình phải chấp nhận, mất của rồi thì làm lại. Chấp nhận một năm mất Tết, năm sau hoa lại nở, yên tâm”, bà Nga nở nụ cười trấn an.
Những vườn đào không bị ảnh hưởng bởi trận lụt hồi tháng 9 đang được người dân tuốt lá, tỉa cành.
Được coi là hộ trồng đào lâu đời nhất tại làng Nhật Tân, ông Đỗ Đức Kính cho biết, gia đình ông đã gắn bó với cây đào hơn 5 thế kỷ. Sau trận lụt kinh hoàng dạo tháng 9 vừa qua, nhờ kinh nghiệm nhiều năm qua, ông chỉ bị thiệt hại khoảng 30 cây đào.
Ông Kính thành công bảo vệ vườn đào hơn 1.000 gốc "vượt bão" để phục vụ Tết Nguyên đán 2025.
“Trận lụt vừa rồi kinh hoàng lắm. Trước đây, chỗ này là lòng sông nên những nhà trồng đào ở vùng đất thấp là mất hết. Nhà tôi mất bao nhiêu công đổ đất nên chỉ bị bão quật gãy khoảng 30 cây. Số còn lại bị nát hết cả lá, xơ xác nên cây bị mất nhựa, kém hơn mọi năm nhưng vẫn còn hơn 1.000 gốc bán Tết”, ông Kính cho hay.
Những ngày này, ông Kính và gia đình đang tất bật tuốt lá, tỉa cành, sửa tán, làm vòm để kích thích đào ra nụ, trổ bông đúng dịp Tết.
Những gốc đào cổ thụ có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng được tuốt lá, chuẩn bị nở hoa dịp Tết.
Theo ông Kính, khoảng cuối tháng 10 âm lịch là phải tuốt lá đào hạt. Tiếp đó giữa tháng 11 âm lịch sẽ tiến hành tuốt lá đào bích. Tiền công thuê làm cỏ, tuốt lá từ 300-350 nghìn đồng/người.
Không chỉ tiến hành tuốt lá, tỉa cành, ông Kính còn tìm mua những gốc đào rừng về để trồng mới, ghép cành, chuẩn bị cho Tết năm sau.
"Những năm trước, đến gần Tết là khách tìm đến tận vườn mua, tôi không phải bê cây đi bán bao giờ. Có ngày, tôi phải đi cả trăm vòng xung quanh vườn để dẫn khách xem cây, chọn cây. Năm nay, hy vọng thời tiết thuận lợi, đào ra hoa đẹp để làng đào Nhật Tân còn thấy Tết", ông Kính bày tỏ.
Những luống hoa được trồng mới đua nhau khoe sắc, khu trượt cỏ đã được hoàn thiện, quán cà phê bắt đầu mở lên những bài nhạc du dương… Xa xa, từng...
Nguồn: [Link nguồn]