XK nông sản sang Trung Quốc: Không nên bỏ trứng vào 1 giỏ!

Sự kiện: Kinh Doanh

Hiện nay Trung Quốc đang tái cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng cường tự cung tự cấp, giảm nhập khẩu, trong đó mở rộng sản xuất gạo, thanh long, dưa hấu, cá tra… Đây vốn là các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay Trung Quốc không chỉ tăng cường kiểm soát, thắt chặt hàng nhập khẩu mà còn đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, mở rộng sản xuất, chủ động nguồn cung. Trong đó, có một số mặt hàng trùng với hàng nông sản của Việt Nam như gạo, thanh long, dưa hấu… đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giảm sút. Liệu hàng nông thủy sản Việt Nam còn có cơ hội để xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này hay không?

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đúng là hiện nay Trung Quốc đang tập trung tái cơ cấu kinh tế nói chung, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp, theo hướng tăng cường tự cung tự cấp, giảm nhập khẩu. Không chỉ có mặt hàng thanh long, dưa hấu, rất nhiều nhóm sản phẩm khác như lúa gạo, cá tra… cũng được Trung Quốc mở rộng sản xuất.

Thanh Long là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh nhất của Việt Nam thì hiện cũng đã được Trung Quốc trồng... (Ảnh minh họa)

Thanh Long là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh nhất của Việt Nam thì hiện cũng đã được Trung Quốc trồng... (Ảnh minh họa)

“Tuy nhiên phải khẳng định, Trung Quốc phát triển cũng không ảnh hưởng đến mức mà chúng ta không làm được. Vấn đề quan trọng là thường xuyên theo dõi chặt chẽ để tổ chức sản xuất cho thị trường không bị thừa, giữa người sản xuất, người tiêu thụ phải cân bằng”, Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra 4 giải pháp cho vấn đề này. Thứ nhất là chúng ta sẽ tổ chức sản xuất lệch thời vụ của phía Trung Quốc. Đối với các nhóm nông sản có sự trùng lắp, chúng ta sẽ sản xuất trái vụ với Trung Quốc để đảm bảo đầu ra và giá thành. Chẳng hạn quả thanh long, dưa hấu ở Trung Quốc chỉ phát triển được trước tháng 11.

Hướng thứ hai là tăng cường chế biến để kéo dài thời gian phân phối trên thị trường.

Thứ ba là áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là bảo quản theo công nghệ mới để kéo dài thời gian và giữ giá trị của hàng nông sản Việt Nam.

Và cuối cùng là tập trung nhiều thị trường, không “bỏ trứng vào một giỏ”, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương đàm phán phát triển nhiều thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam chứ không chỉ trông mong vào thị trường Trung Quốc.

“Khi làm đồng bộ các giải pháp này, tôi tin tưởng vẫn có rất nhiều cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam”, Bộ trưởng Cường cho hay.

Nói thêm về việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2018 Trung Quốc nhập siêu nông thủy sản hơn 50 tỷ USD. Như vậy, con số xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đáng kể, các sản phẩm của chúng ta như thanh long, hay các mặt hàng rau quả khác mới chỉ tiếp cận được một số thị trường hạn chế của Trung Quốc, chưa vào sâu trong nội địa và chưa tiếp cận được quy mô lớn của nền kinh tế này. Dung lượng thị trường còn rất lớn, điều quan trọng là chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường này.

Còn việc Trung Quốc chuyển sang thương mại chính ngạch, tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, theo Bộ trưởng Cường, chúng ta phải coi đây là những quy định hợp lý, buộc nền sản xuất văn minh phải thực hiện được điều đó.

Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng. Chúng ta vẫn đủ sức làm điều đó. Dẫn chứng, 7 tháng đầu năm 2019, 8 nhóm sản phẩm rau quả chính ngạch xuất sang Trung Quốc vẫn tăng. Thậm chí có sản phẩm tăng gấp đôi. Điều đó cho thấy nếu làm tốt, làm đồng bộ từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến, đóng gói, truy xuất nguồn gốc… vẫn vào thị trường này rất tốt.

“Việc nước bạn tăng cường kiểm soát nhập khẩu chính ngạch là cơ hội tốt cho tái cơ cấu nền nông nghiệp nước nhà, và chúng ta phải thực hiện”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, nhóm rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, năm nay dự kiến xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ tăng đạt khoảng từ 3 đến 4 triệu tấn.

Thứ hai là nhóm hàng thủy sản. Bộ NN&PTNT đang yêu cầu phía Trung Quốc mở thêm cho Việt Nam một số mặt hàng thủy sản mới. Đối với mặt hàng đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch thì mở rộng số lượng các doanh nghiệp, từ 680 doanh nghiệp lên 840 doanh nghiệp để tăng nguồn cung xuất sang Trung Quốc.

Nhóm thứ ba có cơ hội là cây công nghiệp như cao su, hạt điều...

"Tuy nhiên, năm nay xuất khẩu gạo sang Trung Quốc không mấy khả quan do nhu cầu của Trung Quốc có giới hạn, tồn kho rất lớn và họ cũng được mùa nên dung lượng thị trường thương mại về gạo rất hạn chế. Chúng ta sẽ phát triển những thị trường mới, không thể căn cứ vào một thị trường đã đầy ắp", Bộ trưởng Cường cho hay. 

Vì sao xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng giảm?

Phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng hàng hóa, trong khi đó,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN