Xe hàng nằm chờ ở cửa khẩu, doanh nghiệp vận tải “bốc hơi” cả trăm triệu đồng/ngày

“Tôi còn 15 xe vẫn đang nằm trong bến bãi chưa qua được cửa khẩu, có xe nằm bất di bất dịch đã 25 ngày, mỗi ngày “mất trắng” cả trăm triệu đồng nhưng không biết chạy đi đằng nào được”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Ninh Bình khi có gần 20 xe mắc kẹt tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Lạng Sơn suốt gần 1 tháng qua.

“Khổ lắm mà không biết làm thế nào được em ơi! Từ đầu tháng đến nay mới trả được 2 xe hàng sang Trung Quốc nhưng cũng vì đợi lâu quá mà hàng hoá bị hỏng hết. Tiền cước của 2 xe là 260 triệu đồng nhưng chủ hàng chưa thanh toán một đồng nào vì họ còn thiệt hại hàng trăm, hàng tỷ đồng ấy”, ông Hoàn bộc bạch.

Cảnh tượng hàng nghìn xe hàng ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn.

Cảnh tượng hàng nghìn xe hàng ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn.

Theo ông Hoàn, mỗi ngày, chi phí cho 1 chiếc xe đang nằm im tại chỗ mất khoảng 1,8-2 triệu đồng. Toàn bộ là xe lạnh, máy hoạt động 24/24, riêng tiền dầu hết khoảng 1 triệu đồng/ngày/xe, tiền bến bãi hết 400.000 đồng/xe, tiền ăn uống, sinh hoạt, chưa kể các khoản chi phí phát sinh khác.

“Hàng hoá trên xe toàn bộ là trái cây tươi, thanh long và xoài. Vậy nhưng chiếc xe ít nhất thì cũng đỗ tại cửa khẩu đến 20 ngày, chiếc nhiều thì tận 25 ngày chưa đi được. Cứ nằm chờ như vậy không những không giao được hàng mà có nguy cơ không thể đòi được tiền của chủ hàng nếu thối, hỏng”, ông Hoàn nói.

Đa số các xe hàng đã nằm im trong bãi từ 15-20 ngày, thậm chí có xe 25 ngày chưa thông quan được.

Đa số các xe hàng đã nằm im trong bãi từ 15-20 ngày, thậm chí có xe 25 ngày chưa thông quan được.

Làm vận tải hơn 20 năm nay nhưng với ông Hoàn, chưa bao giờ ông phải đối mặt với tình trạng như hiện nay. Những năm trước, cửa khẩu có đóng cũng chỉ một vài ngày, xe lên đến nơi chỉ ngày trước, ngày sau hoặc cùng lắm ngày thứ 3 là trả hàng xong. Năm nay tắc cả tháng trời, có những xe của ông 22 ngày còn nằm ở Móng Cái, bất di bất dịch.

“Đùng cái họ đóng biên luôn nên mình bị động, như là đang ở giữa bãi bùn lầy rồi, không biết chạy đi đằng nào cho được. Cánh lái xe thì họ khổ lắm, quá khổ luôn ấy. Họ tập trung như một trại tị nạn. Sinh hoạt toàn trên xe mà không có nước tắm giặt, sờ đến cái gì cũng mất tiền”, ông Hoàn thở dài.

Mỗi chiếc xe container mất chi phí từ 1,8-2 triệu đồng/ngày khi nằm chờ tại cửa khẩu.

Mỗi chiếc xe container mất chi phí từ 1,8-2 triệu đồng/ngày khi nằm chờ tại cửa khẩu.

Chủ doanh nghiệp vận tải lòng như lửa đốt còn anh em lái xe thì ăn chực nằm chờ cả tháng trời tại cửa khẩu cũng như ngồi trên đống lửa. Hàng không giao được cũng không thể quay đầu vì chỉ chở thuê cho người khác, có quay đầu được thì hơn 20 tấn hàng cũng không biết đổ ở đâu cho hết.

Anh Nguyễn Văn Thảo, quê ở Thanh Hoá cho biết, xe xoài của anh đi từ miền Nam ra đậu tại bãi xe Bảo Nguyên đến nay là khoảng 20 ngày chưa ra được, khó khăn đủ thứ từ nước sinh hoạt đến điều kiện ăn uống, tắm giặt.

“Ở đây đi tắm là 15.000-20.000 đồng/người, giặt quần áo thì từ 10.000-15.000 đồng/bộ, tiền bến bãi là 400.000 đồng/xe, ăn cơm thì từ 50.000-100.000 đồng/suất. Nằm cả tháng ở đây, ra không được, vào không xong, tiền thì hết. Chúng tôi phải mua 10.000 đồng/xô nước để rửa mặt, rửa tay chân, thậm chí là tắm và gội đầu nước lạnh ngay bên cạnh xe để tiết kiệm tiền”, anh Thảo nói.

Tài xế xe container sinh hoạt, ngủ nghỉ ngay trong xe và tắm gội ngay bên cạnh xe suốt nhiều ngày trời.

Tài xế xe container sinh hoạt, ngủ nghỉ ngay trong xe và tắm gội ngay bên cạnh xe suốt nhiều ngày trời.

Theo anh Thảo, cơm hộp trước kia thông thường chỉ từ 30.000-40.000 đồng/suất nhưng hiện tại cũng tăng giá. Xe lạnh nên phải chạy 24/24h nên mỗi ngày tiền dầu cũng hết khoảng 1 triệu đồng/xe nhưng do ở bến rồi không ra được, phải đổ dầu tại bến với giá cao hơn bên ngoài từ 2.000-3.000 đồng/lít. Chưa kể hở ra là mất trộm, lúc thì chiếc bếp ga mini, lúc thì chiếc nồi.

Trước kia, để chở một chuyến hàng từ miền Nam ra Bắc và qua cửa khẩu và quay về, anh Thảo chỉ mất từ 7-10 ngày. Với mỗi chuyến hàng giao thành công, tài xế container như anh Thảo được trả 5,5-6 triệu đồng. Thế nhưng, hiện tại, gần 1 tháng trôi qua anh vẫn chưa giao được 1 chuyến.

“Trung bình thu nhập của tôi sau khi trừ chi phí được khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng giờ cả tháng còn chưa nổi 5 triệu đồng vì hàng chưa giao được. Bãi xe thì mới ủi đất, không có tán cây lại còn bụi bặm, đến không khí cũng chỉ toàn mùi khói xe. Hôm qua gọi cho chủ hàng để tìm cách giải quyết mà họ còn không nghe máy. Mệt mỏi lắm”, anh Thảo bày tỏ.

Nhiều tài xế tự nấu nướng cho tiết kiệm chi phí.

Nhiều tài xế tự nấu nướng cho tiết kiệm chi phí.

Tính đến sáng ngày 21/12/2021, tổng lượng xe tồn tại 03 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của Lạng Sơn là 4.461 xe, chủ yếu là mặt hàng mít, dưa hấu, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử, xoài, chuối xanh, tinh bột sắn…

Theo đó, với năng lực thông quan khoảng 100 xe/ngày khi Trung Quốc tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch tại cửa khẩu thì phải cần 44 ngày để giải quyết hơn 4.400 xe hàng đang ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới, Tổng Cục Hải Quan đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại Giao phối hợp với các bộ, ngành hữu quan phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hoá tại cửa khẩu biên giới phía Bắc; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc…

Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng, cô gái Nam Định mua nhà, mua ô tô trước năm 30 tuổi

“Mình luôn mong ước khi chạm tới tuổi 30 sẽ có nhà, có xe, có tài sản đứng tên mình, có con cái và có người để yêu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN