Xả lỗ ăn Tết sớm vì Covid-19, chủ cửa hàng quần áo than trời vì khách làm “ngơ”
“Dù giá đã giảm một nửa, quần áo trong kho của tôi vẫn chất đống, khách chẳng ai mua”
Đó là chia sẻ của chị Phạm Diệu Thu – một chủ cửa hàng bán quần áo ở Thanh Hóa. Gần 10 năm kinh doanh quần áo, chị Thu cho biết đây là năm đầu tiên gặp phải cảnh ế ẩm đến mức này.
Những năm trước, cận Tết là thời điểm hàng bán rất chạy, chị không có thời gian nghỉ ngơi vì cả ngày ngồi chốt đơn, đóng hàng và tư vấn cho khách đến mua tại cửa hàng. Nhưng năm nay hoàn toàn ngược lại, mọi người thắt chặt chi tiêu hơn, chỉ mua những thứ gì thật sự cần thiết nên thời trang ế ẩm chưa từng có.
“Tôi đổ tiền vào chạy quảng cáo trên các kênh online đều không ăn thua. Đơn hàng ra ít mà gặp toàn khách khó tính. Các mặt hàng của tôi bán đều giảm giá đến mức không còn lãi mà họ còn trả giá thấp hơn nữa”, chị giãi bày.
Chị kể lại đợt dịch Covid đầu tiên ở nước ta vào đầu năm 2020, doanh thu của cửa hàng sụt giảm đáng kể. Thời điểm đó, chị vẫn còn nguồn vốn từ trước nên vẫn duy trì được. Đến nay, nguồn tiền đã cạn kiệt, đành phải xả hàng để thu hồi vốn nhanh chóng.
Dù gần Tết, kho hàng của chị Thu vẫn chất đống, khách mua rất thưa thớt.
Vì là mặt hàng thời trang, mẫu mã phải cập nhật liên tục và theo mùa nên chị đã phải vay thêm tiền để mua thêm các mẫu khác bán kèm để đẩy hàng tồn. Không ngờ, hàng mới về cũng không bán được mấy mà hàng tồn vẫn còn đầy trong kho không bớt chút nào.
“Cuối năm, tiền nợ phải thanh toán trong khi hàng vẫn không bán được. Dù chịu lỗ nặng, tôi vẫn phải đẩy đi. Một phần vì cần tiền thanh toán nợ, phần khác để đẩy hàng tồn để nhập mẫu khác về”, chị nói.
Nói về doanh thu năm 2020, chị Diệu Thu tiết lộ mọi năm chị thu lãi khoảng nửa tỷ đồng nhưng năm nay làm cả năm quần quật vẫn lỗ, tính ra lỗ đến cả trăm triệu đồng.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Phượng (Hưng Yên) than vì hàng ế ẩm không bán được. “Bán không được mà để lại càng không xong, cuối năm cần tiền để tiêu tết và trang trải nợ nần nên đành phải bán lỗ. Đau đầu và stress, chắc xong đợt này tôi sẽ dừng bán và nghỉ ngơi một thời gian”, chị nói.
Chị cho biết không phải là không ai mua mà có người hỏi nhưng chị không thể bán được, bởi họ trả giá quá thấp. “Khách hàng lại cứ nghĩ những người bán quần áo như chúng tôi lãi lắm. Nhưng họ đâu biết rằng chúng tôi phải đi vay tiền về nhập hàng, rồi những sản phẩm tồn kho phải bán giá siêu rẻ… Nếu lãi vậy, ai cũng đi bán hàng được rồi”, chị cho hay.
Lý giải về mặt hàng thời trang năm nay rơi vào tình trạng ế ẩm, giám đốc một công ty thời trang nhận định đây là mặt hàng được coi là không thiết yếu trong cuộc sống. Khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập giảm sút, công việc bấp bênh… khách hàng sẽ lập tức cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng này đầu tiên.
Mặt khác, Covid khiến người dân phải làm việc ở nhà nhiều, hạn chế ra đường gặp gỡ mọi người và không đi du lịch, chơi bời… Vì thế, nhu cầu mua sắm quần áo cũng giảm sút đáng kể, doanh thu các cửa hàng thời trang giảm là điều không thể tránh khỏi.
Nguồn: [Link nguồn]
Người trồng đào ở Hải Dương đang đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng tỉ đồng vì bị thương lái hủy đơn hàng khi...